Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ như thế nào?

Theo Đoàn Loan/VnExpress

Đoàn tàu sử dụng công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa và hệ thống điều khiển tự động.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ như thế nào? - Ảnh 1

Tàu Cát Linh - Hà Đông lấy điện từ ray thứ 3 (thanh vàng chạy song song đường ray). Ảnh: Giang Huy.

Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam, tuyến Cát Linh - Hà Đông có hạ tầng đường ray thép đi cao trên cầu cạn, đường đôi riêng biệt.

Đường ray khổ rộng 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu. Tuyến sử dụng công nghệ lấy điện từ đường ray thứ 3, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.  

Dự án có 13 đoàn tàu, trong quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa khoảng 1.000 khách, vận tốc thiết kế 80km mỗi giờ, vận tốc khai thác thương mại 35km mỗi giờ. Vỏ tàu bằng thép không gỉ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Đoàn tàu sử dụng công nghệ động cơ phân tán, gồm 8 động cơ được đặt ở khoang giữa; đây là công nghệ đang được nhiều nước áp dụng.  

Về mức độ tự động hóa, tiêu chuẩn thế giới chia làm 5 mức, đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thiết kế với mức 2,5 (có chế độ người lái tàu). Dựa trên các thông tin tín hiệu thu, phát tự động, trung tâm chỉ huy sẽ tự động ra lệnh cho đoàn vận hành ở tốc độ tối đa và tối thiểu.

Trên khoang lái tàu tự động hiển thị các thông tin để lái tàu biết, khi cần tăng tốc và giảm tốc. Hệ thống cũng tự động khống chế tốc độ của tàu. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ như thế nào? - Ảnh 2

Bên trong buồng lái tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Giang Huy

Hệ thống điều khiển tự động của đoàn tàu gồm 3 hệ thống con để đảm bảo việc giám sát, khống chế vận hành và tự động hóa công tác chạy tàu; đảm bảo việc khống chế giãn cách các đoàn tàu, ngăn rủi ro khi tàu chạy vượt quá tốc độ cho phép và lựa chọn phương án tối ưu để đoàn tàu vận hành.

Tàu Cát Linh - Hà Đông được trang bị hệ thống thông tin liên lạc sử dụng công nghệ truyền dẫn qua cáp sợi quang; hệ thống thông tin vô tuyến sử dụng ăng ten thực hiện phủ sóng từ trường mạnh. Cùng với đó là hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên tuyến cũng như tại trung tâm điều hành. 

Tại các nhà ga và trên tàu sẽ cung cấp thông tin cho hành khách về chỉ dẫn chạy tàu, đồng hồ...

Theo Ban quản lý dự án, tiêu chuẩn công nghệ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đảm bảo được việc kết nối công nghệ với các mạng lưới đường sắt đô thị khác của Hà Nội trong tương lai.

Ông Trần Xuân Sinh, Trưởng phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã kiểm định xong 9 trong số 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông ở trạng thái tĩnh, kết quả cho thấy phù hợp với quy chuẩn đường sắt đô thị đã được Bộ Giao thông ban hành.

Khi tàu vận hành thử, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục kiểm định về an toàn chất lượng phương tiện ở trạng thái động.

Từ 20/8, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy thử liên động các đoàn tàu để kiểm tra toàn hệ thống. Thời gian vận hành thử trong 3-6 tháng, nhằm căn chỉnh các hệ thống kỹ thuật phục vụ chạy tàu, bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, an toàn trước khi chính thức phục vụ hành khách đi lại.

Dự kiến, dự án sẽ khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019. 

Tin Cùng Chuyên Mục