“Ế” gói tín dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ trả lương, thất nghiệp vì Covid-19

Theo Dân Trí

Thông tin nói trên được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 13/6.

Đại biểu đoàn Ninh Thuận cho rằng, các gói tài chính, tín dụng, gói an ninh được triển khai là chủ trương, chính sách tốt của Chính phủ nhằm hỗ trợ kịp thời và tốt nhất cho các đối tượng bị thiệt hại vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ các chính sách.

“Hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đang triển khai phát sinh nhiều vấn đề, trong khi đó gói 16.000 tỷ đồng dành cho vay để hỗ trợ tiền lương cho lao động bị mất việc nhưng ngân hàng Agribank cho biết đến nay vẫn chưa nhận được bộ hồ sơ xin vay vốn nào” - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương dẫn chứng.

Cũng nói về thiệt hại vì Covid-19, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đề cập tới chính sách tài khóa, các gói tín dụng, các gói hỗ trợ an sinh do thiệt hại vì Covid-19. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ cần được thanh tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo bảo đúng đối tượng thụ hưởng.

“Không để tình trạng bò đi lạc vào nhà quan và quan đi lạc vào hộ cận nghèo như một vài trường hợp được phản ánh trong thời gian gần đây” - đại biểu đoàn Tiền Giang nhấn mạnh.

Đề cập tới “quãng đường” doanh nghiệp đi tới các gói hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phản ánh thời kỳ hậu Covid-19 chứng kiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu cú sốc lớn, không ít phải dừng hoạt động.

“Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Chính phủ cần nghiên cứu, có thêm các chính sách, các gói cho vay với ưu đãi, lãi suất hấp dẫn hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn” - ông So cho hay.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng cho cho rằng cần có thêm ưu đãi gia hạn các khoản nợ, giảm lãi các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả… để “cứu” doanh nghiệp trong, giúp các doanh nghiệp sống sót vượt qua đại dịch.

Liên quan tới chính sách tiền lương của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng “việc tạm dừng tăng lương là phù hợp nhưng dừng tới khi nào thì cần cụ thể và không nên kéo dài việc tạm dừng tăng lương”.

Vị đại biểu này lý giải việc dừng tăng lương quá lâu sẽ gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của những người hưởng lương - những người cũng đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong khi đó, việc dừng tăng lương sẽ làm giảm giá trị của lương.

Tin Cùng Chuyên Mục