EVN làm thủy điện không quên trồng rừng

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT về công tác trồng bù rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, trong những năm qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện.

EVN làm thủy điện không quên trồng rừng - Ảnh 1
Một đợt trồng bù rừng của EVN tại Thủy điện Sơn La. Hình: baocongthuong.com.vn

Đến nay 19 dự án thủy điện với diện tích khoảng 12.596 ha đã và đang được EVN trồng và chăm sóc.

Chi nghìn tỷ bảo vệ môi trường rừng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 19 dự án thủy điện phải thực hiện trồng bù rừng theo quy định với tổng diện tích phải trồng khoảng 12.596 ha. Việc triển khai trồng bù rừng được thực hiện theo phương thức EVN chuyển tiền về tài khoản của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để địa phương tổ chức trồng bù. Đến nay EVN đã chuyển đợt 1 là 473 tỷ đồng để các địa phương triển khai trồng và chăm sóc năm thứ nhất cho 12.596,3 ha.

Theo ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, đây là những nỗ lực lớn của EVN trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện cũng như các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về việc trồng bù rừng.

Ngoài việc trồng bù rừng, theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, các nhà máy thủy điện (NMTĐ) phải chi trả tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng (DVMTR) như bảo vệ đất, điều tiết nguồn nước, rừng phòng hộ đầu nguồn...

“Hiện tại, chúng tôi đã ký trên 400 hợp đồng chi trả DVMTR với các nhà máy thủy điện và cơ bản các NMTĐ của EVN đã thực hiện tốt chính sách này. Sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, EVN về chính sách này rất chặt chẽ. Chúng tôi thường xuyên có kênh trao đổi thông tin, tổ chức chỉ đạo, để cùng nhau thực hiện chính sách hiệu quả nhất. Từ năm 2011 đến nay các nhà máy thủy điện đã chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng trên 5.586 tỷ đồng”, ông Phạm Hồng Lượng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp), kiêm Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết.

Riêng EVN đã chi trả phí dịch vụ môi trường rừng khoảng 4.290 tỷ đồng. Việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng được thực hiện gián tiếp, trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam hoặc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Góp phần xóa đói giảm nghèo

Những nỗ lực của EVN trong công tác trồng bù rừng thay thế tại các dự án thủy điện thời gian qua nhằm hoàn trả mặt bằng thi công, góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện. Đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội; thực thi nghiêm túc các chủ chương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong việc thực thi Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích phải trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện khoảng 21.621 ha, trong đó các NMTĐ của EVN phải thực hiện trên 12.596 ha. Tính đến nay, các NMTĐ trên cả nước đã hoàn thiện trồng bù rừng đạt trên 90% và kế hoạch từ nay đến hết năm sẽ hoàn thành công tác trồng bù rừng.

Song song với việc trồng bù rừng, hàng năm, các NMTĐ còn phải chi trả (DVMTR) bởi thủy điện là một trong ba nhóm đối tượng đã triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi cả nước (cùng với cơ sở sản xuất nước sạch và cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái). Trong những năm qua, các NMTĐ là đơn vị sử dụng dịch vụ nhưng cũng là đơn vị chi trả dịch vụ môi trường rừng chiếm tỷ trọng lớn với trên 98%, tổng thu hàng năm trên 1.000 tỷ đồng. 

- 9 dự án EVN đã hoàn thành trồng bù rừng gồm: Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện A Vương, Thủy điện Sông Ba Hạ, Thủy điện An Khê-Ka Nak, Thủy điện Sê San 4, Thủy điện Sông Bung 4, Thủy điện Buôn Tua Srah, Thủy điện Thượng Kon Tum và Thủy điện Đa Nhim mở rộng.

- 10 dự án đang trong giai đoạn trồng và chăm sóc gồm: Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Sông Bung 2, Sông Tranh 2,  Trung Sơn và Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.

Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết: Nhờ chính sách trồng bù rừng, đóng dịch vụ môi trường rừng, chúng ta đã đảm bảo cho việc phát triển trên 5 triệu ha rừng trong tổng số gần 14 triệu ha rừng hiện có toàn quốc (chiếm tỷ lệ khoảng 38%). Cũng từ chính sách và nguồn kinh phí này, đã huy động được sự tham gia của người dân, cộng đồng dân cư thôn bản ở khu vực miền núi với trên 500 ngàn hộ gia đình tham gia nhận giao, khoán bảo vệ rừng.

Tính trung bình, mỗi hộ dân tham gia bảo vệ rừng nhận từ 2 đến trên 2 triệu đồng/hộ/năm, có những khu vực người dân nhận được mức chi trả rất cao như Lâm Đồng tập trung một số NMTĐ lớn như Đa Nhim, Hàm Thuận, Đa Mi, Ialy, có gia đình nhận được 10-15 triệu/năm. Đối với người dân thu nhập thấp, nguồn tiền này đóng góp rất quan trọng, giúp họ cải thiện cuộc sống, cho con đi học... chính sách này cùng với những chính sách khác, giúp phát triển rừng bền vững, gắn với xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở các vùng miền núi.

“Ngoài ra, theo thống kế của chúng tôi, tình trạng phá rừng đã giảm khoảng trên 20% kể từ năm 2015 so với năm 2010. Đây là nỗ lực chung của toàn ngành Lâm nghiệp, trong đó có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của các NMTĐ. Trước kia, bảo vệ rừng hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, nhưng nay, thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra nguồn lực cho chủ rừng, người dân để họ thực hiện bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Lượng chia sẻ.

Theo lãnh đạo EVN, trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan nhằm triển khai có hiệu quả công tác trồng bù rừng thay thế theo đúng phương án, kế hoạch đã được phê duyệt; chỉ đạo các thủy điện nghiêm túc thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng và sẽ tiếp tục chuyển tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để các địa phương tiếp tục chăm sóc các năm tiếp theo, theo kế hoạch thực hiện của địa phương.

Theo Bùi Xuân Tiến (Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương)

Tin Cùng Chuyên Mục