Facebook rót 5,7 tỷ USD vào hãng viễn thông lớn Ấn Độ, cạnh tranh trực tiếp với Amazon, Walmart

Selina Nguyễn (Theo Bloomberg)

(Doanhnhan.vn) – Facebook đã đầu tư 5,7 tỷ USD vào một công ty cung cấp dịch vụ Internet và thương mại điện tử thuộc sở hữu của Reliance Industries, một tập đoàn lớn của Ấn Độ, cạnh tranh trực tiếp với Amazon.com Inc. và Walmart Inc. tại một thị trường tiềm năng nhất thế giới, theo tin Bloomberg.

Jio Platforms Limited (thuộc sở hữu của Reliance Industries) được điều hành bởi tỷ phú Mukesh Ambani.

Ấn Độ được xem là chìa khóa cho dịch vụ nhắn tin WhatsApp của Facebook với hơn 400 triệu người dùng. Facebook cho biết việc hợp tác với Jio Platforms, công ty con của tập đoàn viễn thông lớn nhất Ấn Độ để tạo ra những cách thức mới cho người dân và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển. Điều này có thể bao gồm tập hợp JioMart, sáng kiến kinh doanh nhỏ của Jio, và WhatsApp để kết nối mọi người với các doanh nghiệp và cửa hàng.

Động thái trên như một "bệ đỡ" khi mà Facebook đang chuẩn bị ra mắt tính năng thanh toán cho WhatsApp ở quốc gia có dân số lớn thứ 2 trên thế giới.

Khoản đầu tư lớn của Facebook lần này khẳng định Ấn Độ là thị trường rất hấp dẫn và đầy tiềm năng của thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên Facebook sẽ phải cạnh tranh với Amazon, Walmart, Flipkart, được hỗ trợ bởi tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Ngày 22/4, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và Chủ tịch Reliance Mukesh Ambani đã chọn ra khu vực bán lẻ là khi vực tiềm năng nhất để hợp tác.

Facebook rót 5,7 tỷ USD vào hãng viễn thông lớn Ấn Độ, cạnh tranh trực tiếp với Amazon, Walmart - Ảnh 1

 

Mặc dù chưa công bố chi tiết, nhưng Whatsapp và JioMart có thể bắt đầu thực hiện thỏa thuận bằng cách cung cấp các sản phẩm thông qua kirana, hoặc cửa hàng tạp hóa nhỏ, "huyết mạch" của ngành công nghiệp tạp hóa trị giá 375 tỷ USD của đất nước, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới với 1,3 tỷ dân. Do đó sẽ thúc đẩy việc ngày càng có nhiều người Ấn Độ mua sắm qua Internet. Hiện tại, khoảng 140 triệu người mua sản phẩm trực tuyến ít nhất một lần/năm, theo nghiên cứu của Forrester.

Amazon, công ty đã đầu tư hơn 6,5 tỷ USD vào Ấn Độ và Walmart, công ty đã mua lại Flipkart trong một thỏa thuận trị giá 16 tỷ USD hai năm trước, cũng đặt cược việc chuyển đổi sang thương mại điện tử sẽ phát triển và đang sử dụng kirana địa phương để mở rộng phạm vi vào vùng nông thôn Ấn Độ.

Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, trong chuyến đi đến Ấn Độ vào tháng 1, cho biết công ty của ông có kế hoạch đầu tư 1 tỷ đô la để giúp số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm cả kirana. Công ty cũng đã đầu tư vào tài sản ngoại tuyến, mua cổ phần tại các nhà bán lẻ như Shoppers Stop Ltd. và Future Group.

"Trong tương lai gần, JioMart và WhatsApp sẽ trao quyền cho gần 30 triệu cửa hàng rau quả nhỏ Kirana Ấn Độ thực hiện giao dịch số hóa với từng khách hàng", tỷ phú Mukesh Ambani cho biết.

Thị trường bán lẻ 800 tỷ USD của Ấn Độ bị chi phối bởi các cửa hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm hàng ngày, chiếm khoảng 500 tỷ USD doanh thu hàng năm. Thị trường này có thể tăng trưởng ít nhất 10% mỗi năm lên 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Arvind Singhal, Chủ tịch công ty tư vấn bán lẻ Technopak có trụ sở tại Ấn Độ cho biết: “Đây là thỏa thuận có lợi cho cả hai. Reliance có cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm chuỗi 11.000 cửa hàng, mối quan hệ bán buôn, kho bãi và danh mục nhãn hiệu lớn trong khi WhatsApp của Facebook sẽ là nền tảng nơi người dùng có thể dễ dàng bán lẻ trực tuyến và thậm chí thanh toán kỹ thuật số”.

Nhưng thử nghiệm bán lẻ tạp hóa chỉ là bước đầu tiên. WhatsApp hiện đang chuẩn bị tung ra một mạng lưới thanh toán toàn quốc, tham gia vào một thị trường ước tính sẽ mở rộng lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2023, theo Credit Suisse Group AG.

Satish Meena, một nhà phân tích cao cấp của Forrester Research cũng cho biết, nếu thỏa thuận với Jio đi vào hoạt động, Facebook có thể tiếp tục mở rộng đến các thị trường khác và cạnh tranh với Amazon và Walmart trong thương mại điện tử toàn cầu.

Tin Cùng Chuyên Mục