Forbes: Dệt may Việt Nam đứng vững qua đại dịch nhờ sản xuất thiết bị bảo hộ

Như Quỳnh

Chỉ trong 9 tháng cuối năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,2 tỷ chiếc khẩu trang sang Bắc Mỹ, châu Âu và một vài quốc gia châu Á khác.

Một nhân viên kỹ thuật kiểm tra lô khẩu trang sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu sang Đức. Ảnh: ANDREAS RENTZ/GETTY IMAGES
Một nhân viên kỹ thuật kiểm tra lô khẩu trang sản xuất ở Việt Nam được xuất khẩu sang Đức. Ảnh: ANDREAS RENTZ/GETTY IMAGES

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam có hơn 6.000 nhà máy may, dệt với số lượng lao động trong ngành lên tới 3 triệu công nhân vào năm 2020.  

Không nằm ngoài xu hướng toàn cầu, ngành dệt may nước ta đứng trước thách thức lớn khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan mạnh. Các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, khiến xuất khẩu dệt may lần đầu tiên tăng trưởng âm trong 25 năm qua.

Thế nhưng các doanh nghiệp dệt may trong nước đã nhanh chóng tìm được cơ hội mới trong đại dịch nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất sang các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).

VGE là một trong những công ty đầu tiên thuộc ngành dệt may trong nước chuyển từ may mặc sang sản xuất PPE. Ông Trần Anh, người sáng lập VGE, cho biết công ty đã đưa ra quyết định chuyển đổi sản xuất vào đầu năm 2020 khi nhận thấy nhu cầu tăng bất thường của các sản phẩm bảo hộ.

“Việt Nam chắc chắn là một ngôi sao sáng trong thương mại PPE toàn cầu vào năm 2020 vì trước đó hầu hết PPE được sản xuất ở Trung Quốc hoặc Mỹ”, ông Trần Anh nói với Forbes.

Ban đầu, khẩu trang sản xuất ở Việt Nam bị hạn chế xuất khẩu vì Chính phủ muốn đảm bảo nguồn cung trong nước trong cuộc chiến với Covid-19. Tuy nhiên nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, các lệnh hạn chế được dỡ bỏ vào tháng 3 và các công ty có thể xuất khẩu được gần 1,2 tỷ khẩu trang chỉ trong 9 tháng cuối năm 2020. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, các thị trường xuất khẩu chính của khẩu trang Việt Nam là Bắc Mỹ, châu Âu và các quốc gia lớn nhất châu Á.

Theo Forbes, ít nhất trong năm nay nhu cầu về khẩu trang trên toàn cầu vẫn chưa giảm, bởi bất chấp chương trình tiêm vaccine đã được triển khai tại nhiều quốc gia, các chuyên gia y tế vẫn giữ nguyên khuyến cáo đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Do đó, cơ hội phát triển của lĩnh vực sản xuất đồ bảo hộ của Việt Nam trong năm nay vẫn rất lạc quan.

Bộ Công Thương cũng tỏ ra lạc quan về khả năng sản xuất PPE của Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc khẩu trang vải chống vi khuẩn. Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – ông Trần Thanh Hải đã chia sẻ rằng Việt Nam có khả năng trở thành một trong những nhà sản xuất khẩu trang bằng vải lớn trên thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục