Gelex (GEX) chi 300 tỷ mua lại toàn bộ lô trái phiếu sau 1 năm phát hành

Quỳnh Chi

Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phiếu GEX tại tập đoàn Gelex và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL của CTCP Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn.

Mua lại trái phiếu trước hạn

Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã CK: GEX) vừa công bố thông tin hoàn tất mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu có mã GEXH2124001.

Gelex (GEX) chi 300 tỷ mua lại toàn bộ lô trái phiếu sau 1 năm phát hành - Ảnh 1

Toàn bộ lô 300 trái phiếu đã được mua lại trước hạn thanh toán vào ngày 19/5. 

Số trái phiếu trên có mệnh giá là 100 triệu đồng/đơn vị với lãi suất cố định 8,5%/năm, kỳ hạn 3 năm và được phát hành ngày 19/5/2021. Tổng giá trị là 300 tỷ đồng. 

Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 18 triệu cổ phiếu GEX tại tập đoàn Gelex và hơn 21 triệu cổ phiếu PXL của Công ty cổ phần Đầu tư Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Tổng giá trị tài sản bảo đảm được xác định khi phát hành là 460 tỷ đồng. Định kỳ ba tháng một lần, tài sản bảo đảm được định giá lại.

Gelex đã có văn bản đề nghị các trái chủ của mình bán lại trái phiếu trước hạn và thực hiện thu mua theo quy định của pháp luật và theo các điều khoản trong hợp đồng. Giá mua lại mỗi đơn vị bằng tiền mệnh giá cộng thêm tiền lãi. Nguồn vốn thực hiện của công ty là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư. 

Xét về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2022, Gelex đặt kế hoạch tổng doanh thu 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng 27,3% so với thực hiện trong năm 2021.

Trong năm tài chính, đối với mảng phát triển dự án năng lượng, công ty dự kiến phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục đã chuẩn bị đầu tư như: cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW); Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak-lak (200MW), điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án tiềm năng khác. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo…

Đối với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch, tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2 nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng các hạng mục của dự án Giai đoạn 2 vào quý IV/2024.

Đối với bất động sản khu công nghiệp, tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu công nghiệp đang triển khai; khởi công, đầu tư khu công nghiệp mới. Triển khai các bước công việc chuẩn bị đầu tư gần 1.900 ha các khu công nghiệp mới. Khảo sát, nghiên cứu phát triển 4.300 ha khu công nghiệp/tổ hợp khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị mới…

Gelex mua lại doanh nghiệp nhà nước đúng quy định

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của GEX ngày 12/05, Ban lãnh đạo Công ty đã có chia sẻ về các khoản nợ  vào cuối năm 2021 và việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước.

Gelex (GEX) chi 300 tỷ mua lại toàn bộ lô trái phiếu sau 1 năm phát hành - Ảnh 2

Cụ thể, tại đại hội, ông Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn "mượt"), thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty đã thay mặt ban lãnh đạo tập đoàn này giải đáp một số lo ngại của nhà đầu tư về dư nợ vay cao và những vấn đề khác.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về dư nợ vay 22.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020, ông Tuấn cho biết nguyên nhân chủ yếu là do hợp nhất VGC và vay nợ mới cho dự án điện gió 140 MW/năm vốn được hưởng mức giá ưu đãi là 8,5 cent. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ròng giảm xuống dưới 1 lần là an toàn và hợp lý.

GEX tự tin rằng các thủ tục M&A của công ty cho đến nay tuân thủ tất cả các quy định và quy tắc. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết ông đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu GEX và cam kết mua, đầu tư lâu dài cùng với các cổ đông và nhà đầu tư khác.

Về vấn đề phát hành trái phiếu, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định Gelex luôn làm đúng quy trình. Đối tác phát hành của Gelex là các định chế tài chính lớn như Maritimebank, Techcombank, Shinhan, ... “nên chúng tôi tuân thủ đầy đủ quy định về phát hành trái phiếu”. Việc phát hành trái phiếu này tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Đại hội, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước gần đây. Trong đó, đáng chú ý là việc Gelex "thâu tóm" VGC - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng trong năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, về việc mua lại cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, khi Chính phủ có chủ trương thoái vốn, Gelex tham gia đấu giá, chào mua công khai, giao dịch theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận trên sàn theo đúng luật chứng khoán.

Trong suốt một thời gian, Gelex nổi lên như một hiện tượng với là “ông trùm” M&A với hai thương vụ nổi tiếng nhất là thâu tóm lượng lớn cổ phần tại các tổng công ty có “gốc” Nhà nước, là Gelex (mã CK: GEX) và Viglacera (mã CK: VGC).

Cụ thể, ngay sau khi thâu tóm được Gelex, hoạt động tái cấu trúc đã được triển khai ngay với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp trực thuộc. Trong đó, thoái vốn tại Công ty cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương (mã CTB-HNX) ước thu lãi 20 tỷ đồng, thoái vốn tại Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng Hà Nội (HMCC).

Ngoài ra, Gelex Group cũng góp thêm vốn vào Công ty cổ phần khí cụ điện 1 và thành lập thêm các công ty thành viên mới như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Gelex, Công ty cổ phần Cadivi miền Bắc...

Với nền tảng có sẵn, Gelex Group tiếp tục “thâu tóm” hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước có tên tuổi trên thị trường, điển hình là Tổng công ty Viglacera (VGC), doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng.

Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ đông lớn nhất của Gelex Group có ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex Group, sở hữu hơn 192 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 22,58% vốn điều lệ; bà Đào Thị Lơ (mẹ ông Tuấn) sở hữu 24 triệu cổ phiếu GEX, chiếm tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ; .

Hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan đến Gelex của đại gia Tuấn "mượt" còn có Chứng khoán VIX (VIX - Ông Tuấn là em trai bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chứng khoán VIX), Tổng Công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), và Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex (GEE), Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW), và Công ty cổ phần Đầu tư Và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).

Gelex tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, được thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện thuộc Bộ Công Thương. Cuối năm 2015, Bộ Công Thương thoái toàn bộ 78,74% vốn của Gelex thông qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán, tạo nên phiên giao dịch lịch sử trên UPCoM. Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của Gelex sau thương vụ thoái vốn này.

Tin Cùng Chuyên Mục