Giá căn hộ Hà Nội khó tăng nóng, các dự án định tung giá quá cao sẽ phải xem xét lại

Các dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải đánh giá lại tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của họ để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường, theo Savills.

Theo chuyên gia của Savills, giá căn hộ Hà Nội sẽ khó có biến động lớn trong năm 2021 bởi Hà Nội sẽ không có tình trạng khan hiếm nguồn cung giống như TP HCM. Thị trường căn hộ Hà Nội cũng sẽ không xảy ra bong bóng bất động sản khi kinh tế đang tăng trưởng khá tốt, lực cầu vẫn mạnh và giá có thể kiểm soát được. 

"Một số dự án kỳ vọng mức giá quá cao sẽ phải xét lại về tổng thể, giá bán và điều kiện thực tế của dự án để giảm áp lực cho chính dự án khi tung sản phẩm ra thị trường", ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định. 

Savills cho biết, chất lượng của nhiều dự án nhà ở khác nhau đã có sự thay đổi tích cực. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò quan trọng cho quá trình “cởi trói” nguồn cung vì đây là điều kiện cần để mở rộng các khu vực dự án ra các quận và thành phố lân cận.

Giá căn hộ Hà Nội sẽ khó có biến động lớn trong năm 2021.
Giá căn hộ Hà Nội sẽ khó có biến động lớn trong năm 2021.

Đánh giá về thị trường căn hộ Hà Nội năm 2020, đơn vị nghiên cứu ghi nhận các chỉ số có chiều hướng tích cực hơn trong quý IV. Tổng nguồn cung căn hộ để bán đạt 27.100 căn, tăng 1% theo quý nhưng giảm 19% theo năm. Trong đó, nguồn cung mới đạt 5.500 căn từ 10 dự án mở bán mới và giai đoạn tiếp theo của 8 dự án. 

Lượng giao dịch đạt 6.700 căn hộ, tăng 27% theo quý. Tỷ lệ hấp thụ cũng đạt 25%, tăng 5 điểm % so với quý trước.

"Điều này giúp củng cố niềm tin rằng người đầu tư đã quay lại với thị trường. Tuy nhiên, lượng giao dịch chủ yếu được ghi nhận là khách mua để ở và sử dụng. Số lượng giao dịch mang tính chất đầu tư không có nhiều”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên vứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết. 

Về giá bán, Savills chỉ ra giá bán sơ cấp trung bình năm 2020 tăng khoảng 3-4% theo năm. Hiện tượng tăng giá này bị tác động bởi nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do phân khúc hạng B.

Trong các phân khúc, căn hộ hạng B chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 2/3 tổng số căn bán ra của cả thị trường và ghi nhận mức tăng giá khoảng 5-6% so với cùng kỳ 2019. Các chủ đầu tư hạng B trên thực tế đã phải nghiên cứu và chú trọng đầu tư hơn vào hệ thống tiện ích dịch vụ để gia tăng sức cạnh tranh trong cùng phân khúc.

Trong khi đó căn hộ hạng C và hạng A gần như không có tác động đến mức tăng giá nhà của cả thị trường. Phân khúc hạng C ghi nhận mức tăng 3-4% so với cùng kỳ quý IV/2019 nhưng giá của căn hộ hạng C lại thấp hơn hẳn với trung bình thị trường. Đối với phân khúc hạng A, nguồn cung căn hộ không nhiều và cũng không có sự tăng trưởng về giá nên ảnh hưởng không rõ rệt cho thị trường.

Savills chỉ ra yếu tố làm tăng giá căn hộ ở thị trường Hà Nội bao gồm giá đất để đầu tư phát triển, chi phí cơ hội, chi phí đầu tư ban đầu có chiều hướng tăng lên trong bối cảnh thời gian để một dự án ra hàng trong giai đoạn Covid kéo dài rất lâu.

Thêm một điều kiện tích cực nữa thúc đẩy giá nhà chính là hệ thống cơ sở hạ tầng của Hà Nội đã có những cải thiện đáng kể trong năm 2020. Một số dự án ở gần những công trình hạ tầng mới cải thiện hoặc sắp hoàn thiện sẽ có mức giá ra hàng cao hơn so với mặt bằng chung thị trường. Tổng cục Thống kê ước tính khi vốn đầu tư công tăng 1 điểm %, GDP tăng trưởng 0,06 điểm %.

Tuy nhiên, theo Savills, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực, giá căn hộ cao cấp tại Việt Nam còn thấp hơn. 

"Giá nhà không chỉ phụ thuộc vào các chi phí đầu vào mà còn ảnh hưởng nhiều từ cung cầu. Việc điều hành thị trường bất động sản hoạt động ổn định, bền vững tương tác cùng phát triển với nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Một khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập của người dân tăng, thị trường bất động sản đa dạng về sản phẩm mua, thuê… sẽ đảm bảo cơ hội cho mọi đối tượng có nhu cầu", chuyên gia Savills đánh giá.

Tin Cùng Chuyên Mục