Giá đất “nhảy múa”, nhà đầu tư có nên “lướt sóng” cuối năm

Quỳnh Chi

Vào thời điểm cuối năm, nhiều nhà đầu tư đổ xô đi xem đất khiến giá đất lại nhảy múa tại những “tâm chấn” sốt đất đầu năm.

Sốt đất trở lại tại các “tâm chấn”

Ghi nhận thông tin từ một số sàn giao dịch, môi giới nhà đất và qua khảo sát thực tế cho thấy giá đất nền tại vùng ven Hà Nội và một số địa phương lân cận đang “nhảy múa”.

Điển hình như tại xã Quang Minh (Mê Linh), theo chia sẻ của môi giới Nguyễn Đức Giáp, tháng 12 năm ngoái, một khách đã mua lô đất với giá 22 triệu đồng/m2, thời điểm hiện tại lên 45 - 46 triệu đồng/m2.

“Chắc chắn, đến giữa năm 2022 sẽ lên tối thiểu gấp rưỡi. Giá tuy cao, nhưng người đến hỏi mua khá nhiều, gần như ngày nào cũng có khách đến hỏi thăm, khoảng trên dưới chục khách. Một văn phòng bất động sản ở khu vực này, trung bình mỗi tuần có 5 - 6 giao dịch thành công”, anh Giáp chia sẻ.

Tương tự, một nhân viên của dự án của Long Việt tại khu vực xã Quang Minh cho biết, giá đất ban đầu của dự án Long Việt Riverside Mê Linh là 12 triệu đồng/m2; hiện tại giao dịch với giá 28 - 32 triệu đồng tùy theo lô. Tương tự, khu Vinaconex 2 tại khu vực này đã xây thô, gần như chưa có người ở nhưng cũng đã bán hết với mức giá cao tương đương.

Nhiều nhà đầu tư xem đất nền dự án tại vùng ven Hà Nội (Ảnh: NVCC)
Nhiều nhà đầu tư xem đất nền dự án tại vùng ven Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Tất Thái, một nhà đầu tư bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm tham gia đấu giá đất tại Hà Nội cũng cho biết: “Trước đó, tại 3 xã Liên Ninh, Đại Áng, Tả Thanh Oai (Thanh Trì) tôi đã khảo sát qua, mức giá chỉ trong khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Không ngờ, đến khi đấu giá, nhiều người đã trả giá cao ngất ngưởng như vậy. Tôi nhận thấy rõ, trong các phiên đấu giá này không chỉ có người mua thực mà còn cả những “cò đất” nộp hồ sơ, sau khi mua được sẽ sang tay đẩy mức giá lên cao”, anh Thái nói. 

Không chỉ ở vùng ven, ngay sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, các thị trường lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá đất lại rục rịch dậy sóng. Chính báo cáo từ Bộ Xây dựng cũng khẳng định, thời gian qua, giá đất các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Giang, Bắc Ninh 20%, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên là 26%...

Theo ghi nhận của phóng viên tại “tâm chấn” sốt đất Bắc Giang, chỉ trong quý III, hàng loạt phiên đấu giá đất được tổ chức, nhà đầu tư kéo nhau về nộp hồ sơ đông như trẩy hội, giá trúng đều tăng gấp đôi giá khởi điểm. Đáng chú ý, giá đất gần khu công nghiệp tiếp tục tăng “phi mã”, có những mảnh đã tăng lên tới 30%, chỉ trong vài ngày.

Tương tự tại “tâm chấn” Bắc Ninh, khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, từ tháng 9 đến nay - khi Từ Sơn chính thức lên thành phố, giá đất tiếp tục tăng mạnh. Trong vài ngày gần đây đất nền ở khu vực đắc địa trên đường Nguyễn Văn Cừ, huyện Từ Sơn được rao bán với giá 37 - 38 triệu đồng/m2.

Đất mặt tiền kinh doanh trên đường Lý Tự Trọng, gần ngã 4 Lý Thánh Tông - Nguyên Phi Ỷ Lan, tăng từ mức 55 - 57 triệu đồng/m2 lên mức 60 - 64 triệu đồng/m2. khu phố Bính Hạ, Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh tăng lên 33 triệu đồng/m2, trong khi trước đó 2 tháng, giá đất mới chỉ ở mức 24 - 28 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư tập trung đông tại phiên đấu giá đất của huyện Lạng Giang (Bắc Giang). (Ảnh: NVCC) 
Nhà đầu tư tập trung đông tại phiên đấu giá đất của huyện Lạng Giang (Bắc Giang). (Ảnh: NVCC) 

Nhà đầu tư có nên “lướt sóng” vào cuối năm?

Chia sẻ về cơ hội “lướt sóng” vào thời điểm cuối năm, ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trước đây “lướt sóng” ra đời trong những lúc thị trường bất động sản sôi động đã mang lại một số thành công nhất định mang tính ngắn hạn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc “lướt sóng” để đi tắt đón đầu đã vướng phải vật thể lạ mang tên Covid-19.

“Cuộc chơi đầu tư “lướt sóng” trước đây được cho là dễ hái ra tiền nhưng hiện nay đã bị phá vỡ do dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng giữ không được mà bán cũng không xong. Để đầu tư hiệu quả trong giai đoạn chuyển giao mới ngoài vấn đề tài chính còn cần có sự phân tích nguồn thông tin mới hi vọng tìm kiếm được lợi nhuận”, ông Hoàng nhận định.

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cũng cho hay, hiện tượng sốt đất cục bộ ở một số nơi nhưng chỉ là một hiện tượng bề nổi của thị trường.

Bởi sau thời gian thị trường đứng im, khi bắt đầu nới lỏng giãn cách, chúng ta chấp nhận sống chung với dịch sẽ nhiều có thông tin về bán đất, nhiều dự án mới đưa ra thị trường, người đi lại nhiều, phòng công chứng đông hơn. Thực ra do thị trường nghẽn lại trong đợt dịch và giờ chỉ là trở lại bình thường. Do đó đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Tin Cùng Chuyên Mục