Giá hồ tiêu 'rời đáy', đường xuất khẩu vẫn gập ghềnh

Theo Kinh tế Sài Gòn

Hàng loạt doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu có nguy cơ phải xuất hàng lỗ hoặc phải chấp nhận bồi thường hợp đồng cho bạn hàng nước ngoài do đến hạn giao hàng mà chưa thấy hàng đâu. Giá hồ tiêu tăng phi mã khiến nhà chế biến và xuất khẩu hồ tiêu lo lắng vì không mua được hàng, trong khi nhà nông và đại lý địa phương vẫn ghim hàng đợi giá cao hơn.

Hàng loạt hệ lụy từ “sốt giá” tiêu

Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Duy Tường – Giám đốc Công ty TNHH Bách Sinh, một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu ở tỉnh Đăk Nông – cho hay một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhận đơn khiếu nại của bạn hàng quốc tế do đã trễ hạn giao hàng mà hàng không thấy đâu. 

Đây là điều mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cũng đã dự báo được trong cuộc họp khẩn vào thứ Sáu tuần trước (12/3) khi giá hồ tiêu tăng đột biến nhưng nhà xuất khẩu không thu mua được hồ tiêu để đủ đơn hàng đã ký xuất trước đó. VPA gợi ý các nhà xuất khẩu thương thảo lại với bạn hàng quốc tế hoặc mua hồ tiêu từ các nước khác bù vào hoặc tệ hơn là sẽ phải chấp nhận bồi thường hợp đồng.

Trừ một số doanh nghiệp FDI trong ngành, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu năm nay đều đứng trước tình trạng không có hàng trong kho. Như với Bách Sinh của ông Tường, doanh nghiệp này muốn chi tiền để vào “chân hàng” (tức mua hàng vào kho để từ đó phân phối đi các nơi khác – PV) cũng không được vì không có hồ tiêu để mua. Hiện các đại lý thu mua tại vùng trồng tiêu đều ghim hàng đợi giá lên, trong khi nông dân trồng hồ tiêu cũng không bán ra dù đang chính vụ thu hoạch.

“Nghĩa là giá hồ tiêu tăng cao, nhưng hàng hóa chỉ di chuyển từ tay nông dân đến đại lý thu mua nhỏ ở địa phương rồi đến đại lý thu mua cấp cao hơn chứ không đến tay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (như Bách Sinh). Chưa năm nào tôi rảnh như năm nay, vì không mua được hàng thì lấy gì mà chế biến với xuất khẩu?”, ông Tường chia sẻ.

Giá hồ tiêu tăng đột biến khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không mua được hồ tiêu có thể đối mặt với việc phải bồi thường hợp đồng đã ký. 
Giá hồ tiêu tăng đột biến khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không mua được hồ tiêu có thể đối mặt với việc phải bồi thường hợp đồng đã ký. 

Ngày 19/3, giá hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn dao động quanh mức 74.500-75.500 đồng/kg. Đây là mức giá cơ sở, giá thu mua hồ tiêu cho nông dân trên thực tế sẽ được cộng thêm 10-12% tùy theo chất lượng hạt tiêu. Tại vùng Đông Nam bộ, giá tiêu cơ sở cũng ở mức 74.000-76.500 đồng/kg, riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 77.500 đồng/kg. Mức giá này đã tăng hơn 100% so với mức 35.000 đồng/kg ở thời điểm cùng kỳ năm 2020 nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trước đó, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tiêu phần lớn dự báo giá sẽ tăng và ký hợp đồng giao xa với mức khoảng trên 50.000 đồng/kg. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hy vọng sau thời điểm thu hoạch rộ (tức khoảng giữa năm 2021), giá hồ tiêu sẽ giảm và họ sẽ mua hàng vào được.

Tuy nhiên, những dự báo nêu trên nay không còn đúng, khi mùa vụ hồ tiêu năm nay rải đều, hàng bán ra thị trường rất chậm một phần do nông dân chưa chịu bán ngay vì kỳ vọng giá còn trăng cao.

Vẫn "mạnh ai nấy làm"

Là nước nắm giữ hơn 60% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên thị trường thế giới, “nội bộ” chuỗi hồ tiêu Việt Nam, từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu được cho là "vẫn trong tình trạng mỗi người mỗi ý, mạnh ai nấy làm mà chưa có sự hợp tác để cùng phát triển". Đây là một trong những nguyên nhân khiến con đường xuất khẩu hồ tiêu sau bao năm vẫn gập ghềnh, khó khăn.

Năm 2010, khi giá hồ tiêu xuất khẩu tăng cao kỷ lục, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, lượng doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu hồ tiêu cũng tăng theo. Diện tích hồ tiêu cả nước theo đúng quy hoạch của ngành đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 là khoảng 50.000 ha, nhưng vào năm 2016 con số này đã là 124.529 ha – nghĩa là so với quy hoạch, diện tích trồng hồ tiêu đã tăng hơn gấp đôi.

Diện tích trồng tăng nhưng số mô hình hợp tác hữu ích giữa người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu không nhiều. Vào đầu mỗi niên vụ, các doanh nghiệp chỉ làm khảo sát qua các vùng trồng để dự báo sản lượng trong năm, từ đó đưa ra các định hướng kinh doanh trong năm tới.

Năm 2016, giá hồ tiêu rơi xuống mức “đáy”. Lúc đó, kết quả khảo sát tại sáu tỉnh trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng cho thấy, diện tích liên kết sản xuất hồ tiêu chỉ đạt xấp xỉ 2.700 ha (tương đương 3,5% diện tích trồng tiêu tại các tỉnh này). Các liên kết được xây dựng chủ yếu thông qua những chương trình, dự án, chỉ một số ít thông qua doanh nghiệp như tại Đắk Nông, Đắk Lắk, Phú Yên.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đứt gãy chuỗi cung ứng hồ tiêu như hiện nay là việc thiếu mối liên kết giữa người trồng, người bán. Ảnh: Nam Bình.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đứt gãy chuỗi cung ứng hồ tiêu như hiện nay là việc thiếu mối liên kết giữa người trồng, người bán. Ảnh: Nam Bình.

Đến năm 2017, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phát động xây dựng các chuỗi hồ tiêu bền vững. Thế nhưng đến nay, hầu hết các mô hình này không đem lại hiệu quả. Nguyên nhân, theo ông Tường, là từ năm 2017 đến nay, giá tiêu liên tục tụt dốc khiến nông dân bỏ bê vườn tiêu, không tái đầu tư hay chăm sóc vườn tiêu.

Cùng với đó, các liên kết với doanh nghiệp nhằm phát triển tiêu bền vững cũng không thực hiện được do giá tiêu ở mức thấp, hơn nữa, khi nông dân – doanh nghiệp cùng làm chung, các bên thường xảy ra xung đột về lợi ích nên các mô hình không duy trì được lâu.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cũng đồng tình rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng hồ tiêu hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ mối liên kết không bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp.

Không đưa ra số liệu thống kê cụ thể nhưng theo ông Bính, ngay như tại “thủ phủ” hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) hiện cũng không có nhiều các mô hình hợp tác giữa nông dân trồng tiêu và các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu. Trong khi các ngành hàng nông sản khác như lúa gạo, cây ăn trái… đã triển khai liên kết 3 nhà, 4 nhà… từ nhiều năm qua, thì trong ngành hồ tiêu vẫn tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Hay như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi giá tiêu ở mức cao hơn các địa phương khác trên cả nước, đến giữa năm 2020, cả tỉnh có khoảng 13.000 ha hồ tiêu, trong đó khoảng 11.000 ha đang cho thu hoạch. Đặt mục tiêu phát triển bền vững ngành hồ tiêu, Hội hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục phát động, kêu gọi hội viên xây dựng các chương trình, dự án hợp tác, liên kết phát triển hồ tiêu. Thế nhưng, đến giữa năm 2020, cũng chỉ có khoảng gần 1.300 ha tham gia vào các dự án phát triển hồ tiêu bền vững, có liên kết với đơn vị thu mua tại hai huyện là Châu Đức và Xuyên Mộc.

Theo ông Bính, trong sản xuất, kinh doanh phải chấp nhận chuyện lời lỗ. Thế nhưng, khi giá tiêu xuống quá thấp, nông dân phải tự gánh hậu quả thì nay, khi giá tiêu tăng, khó có thể kêu gọi nông dân san sẻ cùng doanh nghiệp. Do đó, việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phải đối mặt với tình trạng phá sản vì không có hàng để xuất khẩu, trong khi nông dân và các đầu mối thu mua tiêu ở địa phương “khư khư” ôm hàng hiện nay cũng là điều dễ hiểu.

Giá hồ tiêu đã tạm thời "rời đáy" và theo tình hình hiện tại có thể còn tăng, nhưng câu chuyện xây dựng chuỗi cung ứng hồ tiêu xuất khẩu sao cho bền vững chắc còn rất lâu nữa mới có.

 

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu. Trong đó, 18 doanh nghiệp chế biến lớn với công suất khoảng 80.000 tấn/năm. Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu gồm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột. Ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối...

Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10-15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục