Giá pin xe điện tăng lần đầu tiên sau hơn 10 năm

Kim Dung

Giá pin lithium-ion, loại pin sử dụng phổ biến ở xe điện, lần đầu tiên tăng sau hơn 10 năm vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Đây là thách thức lớn trong nỗ lực đưa xe điện trở thành sản phẩm đại chúng của ngành công nghiệp ô tô.

Giá lithium, cobalt, niken và chi phí linh kiện tăng vọt đã đẩy giá pin EV lên mức 151 USD/kWh, cao hơn 7% so với một năm trước. Đây là đợt tăng đầu tiên kể từ khi BloombergNEF bắt đầu tiến hành khảo sát vào năm 2010. Dự báo giá pin sẽ tiếp tục tăng lên mức 152 USD/kWh vào năm tới. 

Từ lâu, ngành công nghiệp xe hơi đã coi chi phí sản xuất pin ở mức 100 USD/kWh là điểm mạnh giúp xe điện tăng sức cạnh tranh với các phương tiện động cơ đốt trong. Tuy nhiên, giá lithium hiện tại đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu năm 2021. Đồng thời, trong năm nay giá niken cũng tăng 75% và giá cobalt cao gấp đôi mức trung bình của năm 2020.

Chính vì thế, BloombergNEF dự báo đến năm 2026 chi phí sản xuất pin mới có thể "gói gọn" trong mức 100 USD/kWh, muộn hơn hai năm so với kế hoạch trước đây. Điều này sẽ “tác động tiêu cực đến các hãng sản xuất và bán xe điện cho thị trường đại chúng ở những khu vực không có trợ cấp”.

Giá kim loại sản xuất pin và chi phí linh kiện cao hơn đã đẩy giá pin EV tăng 7% so với một năm trước.
Giá kim loại sản xuất pin và chi phí linh kiện cao hơn đã đẩy giá pin EV tăng 7% so với một năm trước.

BloombergNEF cho biết thêm, chi phí cao hơn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của dự án lưu trữ năng lượng bằng hệ thống pin. Hệ thống pin có vai trò rất quan trọng với việc ổn định lưới điện phòng trường hợp năng lượng tái tạo không thể sản xuất liên tục do bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.

Thực tế, giá pin lithium-ion thậm chí có thể cao hơn nếu hãng xe và nhà sản xuất pin tại thị trường Trung Quốc không chuyển sang sử dụng pin LFP (lithium iron phosphate). LFP có giá rẻ hơn vì không sử dụng cobalt và niken nhưng phạm vi vận hành ngắn hơn. Trong ba năm qua, pin LFP đã giành được thị phần đáng kể và dự kiến sẽ được sử dụng cho khoảng 40% xe điện trong năm 2022 trên toàn cầu.

Trong năm 2022, nhu cầu pin lithium-ion toàn cầu sẽ chạm mức 603 GWh, gần gấp đôi so với năm trước. Chuỗi cung ứng đang phải vật lộn để kịp đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh mẽ này.

Giá pin lithium-ion khác nhau đáng kể ở từng khu vực. Tại Trung Quốc, pin lithium có giá trung bình 127 USD/kWh, trong khi tại Mỹ và châu Âu có giá cao hơn lần lượt là 24% và 33%. Sự chênh lệch đó là do các thị trường phương Tây có chi phí sản xuất cao hơn và người tiêu dùng khu vực này ưa thích loại pin sử dụng nhiều niken và cobalt để có thể di chuyển xa hơn.

Theo Evelina Stoikou, một đối tác về lưu trữ năng lượng tại BloombergNEF, chi phí nguyên liệu và linh kiện tăng cao đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô tìm phương án để đảm bảo nguồn lực và giảm chi phí.

Bà Stoikou cho biết : “Trong bối cảnh giá kim loại pin tăng, các nhà sản xuất pin và hãng xe lớn đã chuyển sang các chiến lược chủ động hơn để phòng ngừa sự biến động, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án khai thác và tinh chế nguyên liệu”.

Thị trường vẫn chưa chắc chắn khi nào giá kim loại sẽ giảm. Các công ty khai thác lithium lớn nhất thế giới đã cảnh báo về những khó khăn trong việc tăng sản lượng để ứng phó nhu cầu tăng vọt. Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và các nước khác đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng pin của Trung Quốc.

Tin Cùng Chuyên Mục