Giá trị các tập đoàn truyền thông "bốc hơi" 500 tỷ USD trong năm nay

Kim Dung

Để đối phó với thách thức hiện nay, một số công ty lớn nhất trong ngành buộc phải tăng giá dịch vụ, cắt giảm nhân sự và tung ra nhiều chính sách hỗ trợ quảng cáo.

Theo Financial Times, giá trị thị trường của những công ty truyền thông lớn nhất thế giới đã "bốc hơi" hơn 500 tỷ USD trong năm nay trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn mặn mà với cuộc cách mạng phát trực tuyến. Điều này dẫn đến giá cổ phiếu ngành phát thanh và giải trí bị sụt giảm xuống mức thấp nhất lịch sử.

Nguyên nhân của sự suy giảm toàn ngành là do sức cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt, chi phí tăng cao, ngành quảng cáo chậm lại và chi tiêu của người dùng giảm.

Lĩnh vực truyền thông, bao gồm các hoạt động từ sản xuất phim, quảng cáo đến truyền hình cáp, là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong năm qua.

Theo Michael Nathanson, nhà phân tích truyền thông tại SVB MoffettNathanson, ngành truyền thông đang lâm vào hoàn cảnh éo le nhất. “Tôi đã theo dõi lĩnh vực này trong một thời gian dài và tôi chưa từng những con số dữ liệu tồi tệ như thế này trước đây".

Các tập đoàn truyền thông mất 500 tỷ USD trong năm nay
Các tập đoàn truyền thông mất 500 tỷ USD trong năm nay

Cổ phiếu của tập đoàn Walt Disney đã giảm 45% và có xu hướng đạt mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1974. Cổ phiếu của hãng phim đang phải chịu nhiều áp lực hơn trong những ngày gần đây do doanh thu phòng vé của bộ phim Avatar 2 công chiếu tuần trước không được như kỳ vọng.

Song song đó, giá cổ phiếu tập đoàn giải trí và truyền thông đại chúng của Mỹ Paramount Global giảm 42% và nền tảng phát trực tuyến Netflix giảm 52%. Ngoài ra, cổ phiếu công ty truyền thông Warner Brothers Discovery cũng giảm 63% kể từ sau khi sáp nhập Discovery và WarnerMedia của AT&T.

CEO của các tập đoàn đang cố gắng hợp nhất hoạt động truyền thông trong thời điểm hỗn loạn hiện tại. Tuần trước, các tập đoàn cho biết khoản phí phải chi cho hoạt động tái cơ cấu có thể lên tới 5,3 tỷ USD và còn nhiều khoản phí khác liên quan đến hoạt động sáp nhập.

Triển vọng của nhóm công ty phát trực tuyến tăng lên khi đại dịch bùng phát thúc đẩy lượng người dùng tăng nhanh, từ đó kéo giá cổ phiếu toàn ngành lên cao. Đến khi các công ty này chi hàng chục tỷ USD cho nội dung phát trực tuyến thì chi phí tăng vọt khiến hộ gia đình ngưng sử dụng dịch vụ hoặc chuyển đổi sang gói đăng ký khác.

Bên cạnh nhóm phát trực tuyến, nhóm truyền thông cũng ghi nhận sự sụt giảm trong năm qua. Dow Jones Media Titans index, chỉ số đo lường hoạt động của 30 công ty truyền thông lớn nhất thế giới, đã giảm 40%. Tổng giá trị thị trường giảm từ 1,35 nghìn tỷ USD xuống còn 808 tỷ USD.

Lãi suất toàn cầu tăng đã làm giảm định giá của các công ty, đặc biệt là nhóm công ty sở hữu “cổ phiếu tăng trưởng”. Định giá nền tảng âm nhạc Spotify đã giảm 69% và trình phát video Roku giảm 81%.

Các đài phát thanh vốn là "cash cow" (một sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại lợi nhuận cao và lâu dài) cũng chịu ảnh hưởng. Cổ phiếu công ty cáp viễn thông Charter Communications đã giảm 53% và Comcast giảm 31%. Trong quý III/2022, số lượng đăng ký gói dịch vụ truyền hình tại Mỹ đã giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, các thương hiệu tiếp tục cắt giảm ngân sách quảng cáo khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại, gây tổn hại cho các công ty phương tiện truyền thông như ITV của nước Anh đã mất 36% giá trị cổ phiếu. Dù là tại thời điểm World Cup diễn ra, doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình cũng không khá hơn là bao.

Để đối phó với thách thức hiện nay, một số công ty lớn nhất trong ngành buộc phải tăng giá dịch vụ, cắt giảm nhân sự và tung ra nhiều chính sách hỗ trợ quảng cáo.

Tin Cùng Chuyên Mục