Giám đốc điều hành GlobalFoundries: Sản lượng ngành công nghiệp chip phải tăng gấp đôi trong 10 năm tới

Selina Nguyễn

Ngành công nghiệp chất bán dẫn sẽ cần phải tăng gấp đôi công suất trong vòng 8 đến 10 năm tới để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và những mối lo ngại ngày càng tăng của chính phủ về an ninh chuỗi cung ứng.

Phát biểu trong hội thảo trực tuyến tại Semicon Southeast Châu Á, Tom Caulfield, Giám đốc điều hành GlobalFoundries cho biết, các khu vực trên thế giới đang cạnh tranh về năng lực sản xuất chip và ngành công nghiệp này cần phải bắt kịp xu hướng, tăng gấp đôi công suất trong vòng 8 đến 10 năm tới.

"Phải mất 50 năm nữa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển thành khối công nghiệp trị giá 500 tỷ USD, chúng ta sẽ cần phải làm điều tương tự trong khoảng 10 năm nữa", Tom Caulfield nhận định.

Để đạt được điều này, ngành công nghiệp chip cần một mô hình kinh tế mới dựa trên quan hệ đối tác công tư mạnh mẽ với các chính phủ, quan hệ đối tác với khách hàng, nhà sản xuất và nhà cung cấp.

Sản lượng ngành chip phải tăng gấp đôi trong 10 năm tới
Sản lượng ngành chip phải tăng gấp đôi trong 10 năm tới

Tom Caulfield cũng chia sẻ, do sự hợp nhất của ngành trong những năm qua, thế giới hiện chỉ có 5 công ty khả thi trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng. Đó là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Samsung Electronics, GlobalFoundries, United Microelectronics Corp và Semiconductor Manufacturing International Co..

Caufield cho biết, năng lực sản xuất của hầu hết các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là TSMC, UMC và SMIC đều nằm ở khu vực Trung Quốc Đại lục. Điều này mang lại cho GlobalFoundries cơ hội thực hiện các chiến dịch mở rộng "táo bạo" trên toàn thế giới, giúp giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung toàn cầu chưa từng có từ trước đến nay.

Nhận xét của Caulfield được đưa ra khi GlobalFoundries muốn mở rộng năng lực sản xuất ở nhiều quốc gia để giải quyết tình trạng thiếu chip và thu hút sự hỗ trợ từ nhiều chính phủ khác nhau.

Tháng 6/2021, GlobalFoundries thông báo sẽ chi hơn 4 tỷ USD để mở rộng các cơ sở sản xuất chip tại Singapore. Vào tháng 7, doanh nghiệp thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất ở New York và tìm kiếm nguồn đầu tư từ chính phủ liên bang, tiểu bang cũng như khách hàng đang có để xây dựng thêm một nhà máy chip tại địa phương. Công ty cũng có kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào việc mở rộng năng lực sản xuất ở Dresden, Đức.

Không chỉ có GlobalFoundries, nhiều đối thủ khác cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Cụ thể, TSMC cho biết, họ sẽ chi 100 tỷ USD trong vòng ba năm tới để tăng sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ trong cuộc khủng hoảng chip.

Nhà sản xuất chip vi xử lý hàng đầu của Mỹ Intel thông báo cũng sẽ chi 20 tỷ USD cho hai nhà máy sản xuất chip ở Arizona khi họ đẩy mạnh nỗ lực mở lại hoạt động kinh doanh xưởng đúc. Trong khi đó, UMC có kế hoạch chi 5,36 tỷ USD trong ba năm tới để tăng công suất tại thành phố Đài Nam, miền nam Đài Loan.

Tình trạng thiếu hụt chip đã gây tổn hại đến ngành sản xuất ô tô và cản trở sự phát triển của một số ngành công nghiệp khác ở nhiều quốc gia.

Mối lo ngại về an ninh quốc gia đối với chip cũng đang gia tăng trong thời gian gần đây. Mỹ đã thông qua dự luật lưỡng đảng trị giá 52 tỷ USD nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn ở nước này trong 5 năm tới.

Tin Cùng Chuyên Mục