"Giáo dục là kho tàng kiến thức của nhân loại"

Hoàng Loan

"Giáo dục là kho tàng kiến thức bất tận của nhân loại, và những người đóng vai trò quan trọng trong hành trình giáo dục là những người thầy vĩ đại" - Bà Nguyễn Hữu Thiên Nga ,Tổng Giám đốc Thương hiệu Faifoo nhấn mạnh.

Bà có thời gian sinh sống tại nước ngoài rất lâu và có một sự nghiệp khá thành công ở những quốc gia phát triển trên thế giới. Lý do gì khiến bà trở về Việt Nam lập nghiệp?

- Tôi theo gia đình sang Mỹ và Canada để tiếp tục sự nghiệp học tập của mình và sống, làm việc ở đó khá lâu. Nhưng từ khi rời khỏi Việt Nam tôi luôn có ý định sẽ trở về quê hương để cống hiến sức lực của mình cho chính mảnh đất yêu thương và ấm áp tình người, nơi tôi đã được sinh ra, lớn lên. Vì vậy khi hoàn thành xong chương trình học tại nước ngoài, ổn định về công việc tôi quyết định về Việt Nam đầu tư, kinh doanh.Ngoài Khách sạn FaifooHotel, hiện tại tôi còn đầu tư thêm một vài lĩnh vực khác như xuất khẩu và xây dựng, tập trung vào những dự án truyền thông lớn.

Ngoài vai trò là một doanh nhân, bà còn được biết đến là giáo viên đào tạo âm nhạc truyền thống, được xem là học trò “cưng” của cố GS.Trần Văn Khê. Cơ duyên nào đã đưa bà đến với lĩnh vực “trồng người”?

- Năm 1990, tại Phố Montreal, xứ Quebec, Canada cuộc đời tôi đã có những thay đổi bất ngờ. Từ một sinh viên năm thứ 2 nhút nhát tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, rời quê hương đến nơi đất khách, quê người, trong tôi luôn nung nấu hoài bão tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và thật bất ngờ tôi lại có dịp gặp thầy Trần Văn Khê qua sự giới thiệu của người bạn của thầy.

 Thầy đã giảng giải cho tôi rất nhiều thứ và cuộc đời tôi đã thật sự thay đổi.Tôi được mở mang trí tuệ và hiểu hơn về những kiến thức mà trước đây chưa bao giờ có được.Cũng bắt đầu từ đó tôi trở thành học trò, rồi trợ lý của thầy. Quá trình cắp tráp theo thầy học hỏi, thầy đã cho tôi thấy được âm nhạc truyền thống thật sự là cái hồn của quê hương. Tôi bắt đầu nối tiếp sự nghiệp của thầy với việc trao đổi kiến thức với các bạn trong nhóm Lạc Việt Association, rồi làm trợ giảng ở những lớp dạy về nhạc truyền thống và kể cả là ở sân khấu nhạc lớn của các nước. Sự nghiệp giảng dạy âm nhạc của tôi cũng bắt đầu từ đây…

Bà Nguyễn Hữu Thiên Nga ,Tổng Giám đốc Thương hiệu Faifoo
Bà Nguyễn Hữu Thiên Nga ,Tổng Giám đốc Thương hiệu Faifoo

Lĩnh vực mà bà đang theo đuổi được mang tính giáo dục rất cao. Bà nhận định như thế nào về nền giáo dục Việt Nam nói chung và nền giáo dục về âm nhạc truyền thống nói riêng trong giai đoạn hiện nay?

- Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa rất lâu đời, tuy nhiên nền giáo dục nước ta lại có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Từ tính hệ thống, kiến thức đến môi trường đào tạo, chúng ta còn không ít tồn tại, hạn chế và bất cập. Chính bởi vậy, chúng ta nên có những sự thay đổi chi tiết, rõ ràng. Có những bước tái cấu trúc mang tính chất đồng bộ để đẩy mạnh sự phát triển của nền giáo dục còn non trẻ này.

Riêng về lĩnh vực giáo dục âm nhạc truyền thống, tôi thấy rằng chúng ta có quá ít các trường Đại học, Cao đẳng, hay những trung tâm dạy về âm nhạc. Đây cũng là vấn đề mà thầy tôi - GS.Trần Văn Khê quan tâm nhất.Vì vậy, thầy đã mở một quỹ từ thiện để hỗ trợ đào tạo các bạn trẻ yêu thích, đam mê với âm nhạc truyền thống. Bản thân tôi cũng là một giáo viên âm nhạc, góp phần truyền tải những thông điệp quý báu của âm nhạc truyền thống đến với các bạn trẻ Việt Nam và thế giới, nhưng “một hạt cát chẳng làm nên biển Đông”, tôi rất cần mọi người cùng chung tay góp sức vì một sự nghiệp giáo dục âm nhạc truyền thống.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh bà luôn có bóng dáng của những người thầy.Bà có thể chia sẻ về những con người đáng trân trọng đó?

- Trong cuộc đời của tôi có rất nhiều người thầy.Nhưng đối với tôi thầy Trần Văn Khê vẫn là người đã cho tôi nhiều kiến thức và những sự thay đổi.Thầy Khê như một cuốn từ điển sống, kiến thức của thầy rất sâu và rộng không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống mà còn trên rất nhiều lĩnh vực khác.Chính thầy đã cho tôi hiểu kiến thức của một người quan trọng đến thế nào. Tôi cũng biết được bản thân cần gì, làm gì, theo đuổi điều gì. Việc mở trường dạy về nhạc truyền thống dân tộc là điều mà tôi luôn hướng tới và khát khao thực hiện.Tôi hy vọng với những kiến thức mà thầy Khê và các thầy cô đã truyền đạt lại tôi có thể sẽ tiếp thêm lửa tình yêu âm nhạc truyền thống cho các bạn trẻ Việt Nam cũng như thế giới.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 bà có lời gì tri ân những người thầy của mình? 

- Lễ giáo và tinh thần “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn thấm nhuần trong mỗi con người Việt Nam, tinh thần ấy sống mãi trong lòng người học trò và những người thầy cô kính mến. Đối với tôi, tinh thần “tôn sư trọng đạo” là một ngọn lửa lúc nào cũng bùng lên trong tôi, và những lúc như thế tôi lại nhớ về thầy Khê, nhớ về những lời dạy của thầy. Thầy đã không còn bên cạnh tôi, nhưng những kiến thức mà thầy cho tôi sẽ theo tôi đến cuối đời. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi lời chúc sức khoẻ đến tất cả thầy cô đã và đang gắn bó với sự nghiệp trồng người.Mong rằng thầy cô luôn là chỗ dựa vững chắc và sẽ là những nguời chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò.

Tin Cùng Chuyên Mục