Giáp Tết, nguồn hàng lớn hơn sức mua

Nhật Thu

Đại diện các siêu thị đều khẳng định, số lượng hàng hóa được chuẩn bị đều cao hơn sức mua mà các cơ quan chức năng đã dự đoán. Thậm chí, việc chuyển hàng từ miền Nam ra miền Bắc cũng đã được các siêu thị tính đến khi có hiện tượng khan hàng…

Giáp Tết, nguồn hàng lớn hơn sức mua - Ảnh 1
Sau 20 tháng Chạp, người dân bắt đầu đi mua sắm Tết

Không tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm 

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ở các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Hapro, Big C…  tỉ lệ hàng Việt bày bán trong năm đã ở mức tương đối cao nhưng dịp Tết cũng là thời điểm đẩy mạnh các hoạt động để đưa hàng Việt có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào các hệ thống phân phối để phục vụ cho người tiêu dùng cao hơn nên chuyện người Việt sử dụng hàng Việt ăn Tết đã trở thành một thói quen tốt. 

Đại diện Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C cho biết, mùa Tết năm 2020, Big C đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng các loại bánh kẹo đóng hộp phục vụ Tết thì hàng Việt là chủ đạo, chiếm trên 95% (các thương hiệu như Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hương Việt, Hải Hà, Vinabico… ). Mỗi nhà cung cấp đều có nguồn hàng rất phong phú, kể cả hàng cao cấp. Dự kiến, riêng bánh kẹo Việt, số lượng Big C dự kiến chuẩn bị khoảng 2.200 tấn. 

 Bên cạnh đó, Big C đã áp dụng chương trình Khóa Giá trong suốt 40 ngày ngay trước Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa). Như vậy, khoảng 6 tuần trước Tết, Big C đã giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, bình thường, ở các siêu thị thuộc hệ thống Co.op mart,  hàng Việt đã chiếm đến 97% lượng hàng trưng bày bán trong siêu thị. Dịp này, số lượng hàng Việt chuẩn bị cho tiêu dùng Tết cũng vẫn đảm bảo số lượng, đặc biệt, Saigon Co.op vẫn giữ truyền thống bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và những khu chế xuất, khu công nghiệp ở 2 thành phố Hà  Nội và Hồ Chí Minh. 

Trong số các mặt hàng chuẩn bị cho Tết Canh Tý, mặt hàng thịt lợn được quan tâm nhất. Trong những ngày này, giá thịt lợn đã có dấu hiệu giảm, bình quân giá thịt lợn tại siêu thị đã giảm từ 10.000-12.000 đồng/kg, thậm chí có siêu thị  giảm giá đến 22.000 đồng/kg, có mặt bằng giá ngang bằng với giá tại các chợ truyền thống.

Theo dự báo, sau ngày 17/1/2020 (ngày 23 âm lịch) sức mua sẽ tăng, giá cả hàng hóa Tết tại thị trường sẽ biến động sau ngày này. Tuy nhiên, các siêu thị đều đã cam kết không tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm chuẩn bị Tết, thậm chí mặt hàng thịt lợn, các siêu thị đều phải cam kết bán với mức giá giảm 5% so với thị trường. 

Không để xảy ra hiện tượng khan hàng cục bộ

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo sức mua những ngày cận Tết sẽ tăng khoảng 15-20% tùy từng địa phương so với những tháng bình thường trong năm và tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở đánh giá sức mua, Bộ cũng đã có yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối lớn có dự trữ lượng hàng lớn hơn. 

Ông Đông cho biết thêm, giai đoạn từ ngày ông Công, ông Táo (23 âm lịch) cho đến ngày sát Tết là thời điểm mà nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Thông thường hay có tâm lý té nước theo mưa và tăng giá. Chính vì thế Bộ Công Thương đã đề nghị lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát bán đúng giá niêm yết, đặc biệt là những doanh nghiệp đã đăng ký chương trình tham gia bình ổn giá để bình ổn thị trường.

Có một điểm đáng chú ý là năm nay thực ra ngân sách nhà nước hỗ trợ cho việc bình ổn thị trường không nhiều, chủ yếu là dùng nguồn vốn xã hội hóa. Cụ thể, tham gia thực hiện các chương trình bình ổn giá đều là các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính nhất định như Saigon Co.op,  Big C, Hapro…

Khi tham gia chương trình này họ thường tự cân đối nguồn tài chính của họ và có những ưu tiên các mặt hàng tùy từng thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, thời điểm này, theo yêu cầu Bộ Công Thương nên tập trung vào câu chuyện bình ổn mặt hàng thịt lợn. 

Còn những doanh nghiệp khác mà tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh thì Bộ hỗ trợ bằng cách kết nối với nguồn tài chính của các địa phương. Ví dụ như Hà Nội có nguồn tài chính để bình ổn giá dịp cuối năm hoặc là kết nối các tổ chức tín dụng để doanh nghiệp có thể được vay với lãi suất rất thấp. 

Ông Đông cũng cho biết, Bộ cũng đã tính đến câu chuyện có những địa điểm có thể thiếu hàng hóa cục bộ hoặc có hiện tượng khan hàng sốt giá nên Bộ đã yêu cầu các hệ thống phân phối có phương án điều hàng để điều phối khi cần thiết và đề nghị những nhà phân phối lớn chung tay khi có sự mất cân đối cục bộ ở một số địa phương.

Ngoài ra, một trong những nội dung quan trọng mà Bộ luôn yêu cầu và nhắc nhở các địa phương, các Sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường là phải tăng cường về công tác kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ nguồn gốc, hàng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cao điểm trong dịp Tết.

Tin Cùng Chuyên Mục