Giấy Bãi Bằng - quyển vở bìa xanh với cậu bé cưỡi trâu, một huyền thoại kinh tế quốc doanh vật lộn với thua lỗ

Hoàng Thư

Không còn ai dùng quyển vở bìa xanh với cậu bé cưỡi trâu nữa. Chúng đã bị thay thế bởi nhiều quyển vở đẹp đẽ, bìa bóng, in hình ca sĩ, cầu thủ, nhân vật hoạt hình…

Chung tình cảnh với giày Thượng Đình, xe đạp Thống Nhất…, tên tuổi “vang bóng một thời” của ngành giấy Việt Nam - giấy Bãi Bằng dần mất đi vị trí độc tôn. Để thích ứng với thị trường sôi động hiện tại, thương hiệu lâu năm này đang phải loay hoay tồn tại khi những đối thủ trong ngành đã tiến lên phía trước rất xa.

Bầu trời ký ức của thế hệ học sinh 7X, 8X 

Tháng 9/1969, Bộ trưởng Cơ khí luyện kim Nguyễn Văn Kha sang thăm Thụy Điển, phía Việt Nam đề xuất hỗ trợ xây dựng một nhà máy giấy. Chưa đầy nửa năm sau đó, nhóm chuyên gia lâm nghiệp Thụy Điển đầu tiên đến Việt Nam khảo sát các cánh rừng phía Bắc.

Và đến đầu năm 1975, một nhà máy giấy được khởi công ở Phù Ninh, Phú Thọ, tọa lạc trên diện tích gần 100ha, là một biểu tượng cho sự hợp tác hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển với tổng số vốn là 2,5 tỷ SEK (tương đương với 415 triệu USD) bằng tiền viện trợ không hoàn lại do Chính phủ và nhân dân Thụy Điển giúp đỡ.

Nhà máy Giấy Bãi Bằng được xây dựng với quy mô lớn và hiện đại lúc bấy giờ, có công suất thiết kế là 55.000 tấn/năm. Trong đó 50.000 tấn là giấy viết và giấy in tẩy trắng, 5.000 tấn là giấy bao gói tự dùng.

Một góc Nhà máy giấy Bãi Bằng cũ kỹ, hoang tàn (ảnh chụp năm 2019) 
Một góc Nhà máy giấy Bãi Bằng cũ kỹ, hoang tàn (ảnh chụp năm 2019) 

Cuối năm 1980, cuộn giấy Bãi Bằng đầu tiên ra lò. Cuộn giấy nặng gần 5 tấn, dài 3,8 mét hoàn thành lúc 11h30. Hai năm sau, vào cuối năm 1982, Nhà máy Giấy Bãi Bằng mới chính thức thành lập với sự giúp đỡ tài chính và kỹ thuật công nghệ của các chuyên gia Thụy Điển. Sau 15 năm xây dựng, đào tạo và chuyển giao, năm 1990, toàn bộ đoàn chuyên gia Thụy Điển rời khỏi Việt Nam.

Năm 2004, 16 lâm trường cung cấp nguyên liệu làm bột giấy vốn trước kia thuộc Công ty Nguyên liệu giấy Vĩnh Phú được sáp nhập vào Bãi Bằng. Công ty còn sản xuất cả phân bón vi sinh từ phế thải của quá trình sản xuất giấy. Năm 2006, Công ty Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng giấy in và giấy viết của Tổng công ty này.

Vào những năm tháng đó, quyển vở giấy Bãi Bằng với hình ảnh cậu bé cưỡi trâu đã là vật phẩm quen thuộc, thân thương, là vật bất ly thân của của các cô, cậu nhóc những năm 1970, 1980, dù chất lượng giấy không cao, vở cũng không dày. Bây giờ thì các loại vở có chất giấy tốt hơn, bắt mắt hơn song không thể nào khiến người ta hoài niệm được như vở giấy Bãi Bằng. 

Không chỉ được đánh giá cao trong nước, giấy Bãi Bằng còn được phân phối khắp trên toàn lãnh thổ Việt Nam và xuất khẩu sang các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Hong Kong…

Câu hỏi khó dành cho Bãi Bằng

Vài năm gần đây, Công ty Giấy Bãi Bằng đang phải vật lộn với những khoản thua lỗ. Trong một lần trả lời báo chí, ông Mạc Mạnh Đang, Phó tổng giám đốc đương nhiệm Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), thừa nhận khó khăn lớn nhất mà Vinapaco và Nhà máy Giấy Bãi Bằng đang đối mặt chính là việc không thoát khỏi các di sản thời trước Đổi mới: từ dây chuyền sản xuất cho đến cây giống đều là sản vật từ 30 - 40 năm trước.

Năm 2006, Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng giấy. 
Năm 2006, Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng giấy. 

Chỉ trong vòng 2 năm 2014 - 2015, Công ty Giấy Bãi Bằng lỗ 255 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 218,5 tỷ. Trong báo cáo tài chính gần nhất của Vinapaco, cái tên Bãi Bằng chỉ xuất hiện nổi bật ở phần nợ xấu với 37 tỷ chưa thể thu hồi. Năm 2017, hiện trạng của công ty này được cho là một trong những lý do chính khiến Tổng giám đốc Vinapaco bị thay thế.

Nhìn lại hai thập niên qua, ngoại trừ vàng mã, phần lớn nhu cầu liên quan đến giấy của người Việt đều tăng. Tổng lượng tiêu thụ giấy của Việt Nam tăng với tỷ lệ hai con số trong suốt 10 năm qua, giờ đã đạt gần 5 triệu tấn một năm. Nhưng Vinapaco và Nhà máy Giấy Bãi Bằng nằm ngoài bức tranh sôi động ấy - một kịch bản thường thấy dành cho nhiều huyền thoại kinh tế quốc doanh khác.

Thị trường giấy Việt Nam hiện do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Một thực tế đáng buồn đã được thừa nhận rằng khả năng “làm ra tiền” của doanh nghiệp nhà nước luôn thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân hoặc FDI. Một trong những lý do được nêu ra là phương pháp quản lý của doanh nghiệp nhà nước mang những đặc thù riêng.

Ông Trần Ngọc Quế, nguyên Phó Tổng giám đốc Vinapaco từng chia sẻ “số phận” những đề xuất đổi mới của mình sau năm 90. Năm 1994, Giấy Bãi Bằng đệ trình kế hoạch nâng công suất gấp đôi, 100.000 tấn mỗi năm. Ông Quế đưa ra ý tưởng mua công nghệ xeo giấy của Nhật, còn công nghệ xử lý bột của Thụy Điển, đắt hơn 25% so với dự toán ban đầu, nhưng “tận dụng được cái tốt của cả hai nước”.

Ông Quế cùng lúc hứng chịu chỉ trích từ Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và cả Văn phòng Chính phủ.

"Cái rẻ không làm, tự dưng muốn làm cái tốn tiền tốn của", nhà máy bị mắng.

Bốn năm sau đó là quãng thời gian "không thể áp lực hơn" với lãnh đạo nhà máy. Điều này chỉ kết thúc khi cố Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì một cuộc họp đủ các bên. Nhưng cũng mất thêm 5 năm nữa, kế hoạch tăng năng suất mới được thực hiện. Chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ thực hiện gấp rút trong thập kỷ qua.

Nhưng Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa nằm trong danh sách. Thế hệ lãnh đạo mới của Vinapaco đang loay hoay tìm cách “đổi mới” trên nền tảng các di sản đó trước khi quá muộn. Họ tìm cách đầu tư công nghệ mới, chủ động nhập giống cây trồng mới, cho ra các sản phẩm mới phù hợp hơn với thị trường sôi động hiện nay.

Tuy nhiên, cũng như thời ông Quế, vai trò của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn phải thiên về tư cách "cán bộ nhà nước" hơn tư cách "doanh nhân", tức là các sáng kiến đều phải vượt qua thử thách báo cáo và giải trình nhiều cấp trước khi được đưa vào thực nghiệm.

Không còn ai dùng quyển vở bìa xanh với cậu bé cưỡi trâu nữa. Chúng đã bị thay thế bởi nhiều quyển vở đẹp đẽ, bìa bóng, in hình ca sĩ, cầu thủ, nhân vật hoạt hình…

Thời điểm hiện tại, việc thương hiệu Bãi Bằng sẽ còn tồn tại bao lâu vẫn là câu hỏi khó trả lời trước sự cạnh tranh quyết liệt của hàng loạt tên tuổi giấy ngoại nhập.

Tin Cùng Chuyên Mục