Giữa tranh chấp, tình hình kinh doanh của Trung Nguyên ra sao?

Theo Bình Nguyên/Zing

Trong thông cáo về việc bãi nhiệm chức phó tổng giám đốc của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tối 21/9, lần đầu tiên chỉ số lợi nhuận của Tập đoàn Trung Nguyên được công bố.

Trong thông cáo phát đi tối 21/9, Tập đoàn Trung Nguyên có đề cập đến câu chuyện kiện tụng thời gian qua giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồng thời văn bản cũng thông báo việc ông Vũ đã ban hành quyết định về việc "bãi nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo".

Quyết định được đưa ra ngay sau khi Toà án Nhân dân cấp cao TP.HCM ra phán quyết khôi phục chức vụ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ngày 20/9. Đây không phải lần đầu tiên Trung Nguyên có quyết định đi ngược với phán quyết của toà án.

Đáng chú ý, thông cáo này có đưa ra con số lợi nhuận hàng năm tính từ năm 2012 đến nay. Trong đó, 4 năm gần nhất con số này đã có dấu hiệu giảm dần.

Thông báo dẫn nguồn báo cáo tài chính được KPMG Việt Nam kiểm toán. Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên từ năm 2012 đến nay ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế có mức tăng trưởng đột biến trong 2 năm đầu và có dấu hiệu giảm dần từ năm 2014.

Giữa tranh chấp, tình hình kinh doanh của Trung Nguyên ra sao? - Ảnh 1
 

Cụ thể, con số lợi nhuận sau thuế năm 2012 là 152 tỷ đồng tăng lên 287 tỷ đồng trong năm 2013. Bước sang năm 2014, tập đoàn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gấp 5 lần  với 1.294 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng thần kỳ này, 3 năm tài chính tiếp theo (2015 đến 2017) lợi nhuận tập đoàn đang có dấu hiệu giảm nhanh chóng. Trong đó năm 2015 ghi nhận mức lợi nhuận giảm còn 808,5 tỷ đồng, năm 2016 giảm còn 768,4 tỷ đồng và năm 2017 chỉ còn 682 tỷ đồng.

Năm 2014 cũng là thời điểm bắt đầu xảy ra những mâu thuẫn trong nội bộ Trung Nguyên với việc kiện ly hôn của vợ chồng nhà sáng lập. Một năm sau đó là quyết định miễn nhiệm chức danh phó tổng giám đốc điều hành của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Từ thời điểm đó đến nay lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đã bốc hơi gần một nửa giá trị.

3 năm gần nhất, từ 2015, Tập đoàn Trung Nguyên liên tiếp xảy ra những mâu thuẫn pháp lý và rơi vào một vòng xoáy kiện tụng. Vụ lùm xùm bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Trong đơn kiện, bà Thảo cho biết tháng 10/2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.

Sau đó, vụ việc được TAND TP.HCM thụ lý. Ngày 22/9/2017, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện với phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015.

Đồng thời, chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên được khôi phục. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.

Tuy nhiên, sau khi có kết quả phúc thẩm, bà Thảo vẫn chưa thể về lại Trung Nguyên. Ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.

Mới đây, ngày 20/9 Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, khôi phục tư cách phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Xen kẽ giữa vụ kiện tranh chấp quyền lực này, hai vợ chồng vua cà phê còn đối đầu với nhau ở rất nhiều phiên tòa khác như ly hôn, tranh đoạt con dấu, nhà máy… Đến nay các vụ kiện này vẫn chưa thể ngã ngũ.

Giữa tranh chấp, tình hình kinh doanh của Trung Nguyên ra sao? - Ảnh 2

Tin Cùng Chuyên Mục