Gỡ bỏ giãn cách xã hội, chỉ số CPI tháng 5 tiếp tục giảm 0,03%

Giang Phạm

(Doanhnhan.vn) - Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 29/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của riêng tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, nhưng tính tổng 5 tháng vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Tổng cục thống kê, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến CPI tháng 5 giảm là do Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương - Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt.

Cụ thể, so với tháng trước, có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất là nhóm giao thông giảm 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu ngày 28/4 và 13/5.

Nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông, văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%; nhóm may mặc giảm nhẹ khoảng 0,01%.

Bên cạnh các nhóm có chỉ số giá giảm, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng, chủ yếu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thiết bị, đồ dùng gia đình, dịch vụ y tế

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao.

Tính đến ngày 24/5, bình quân giá vàng thế giới tăng 1,41% so với tháng 4. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 2,41% so với tháng trước; tăng 14,84% so với tháng 12/2019 và tăng 30,52% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Do vậy, chỉ số giá USD tháng 5 giảm 0,41% so với tháng trước; tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước.

Tin Cùng Chuyên Mục