Gỡ “nút thắt” hàng không để phát triển du lịch

Anh Vũ

Trong rất nhiều “nút thắt” của ngành du lịch, hàng không được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai phá khi lĩnh vực này đang được nhiều doanh nghiệp “để mắt” đến. Câu chuyện còn lại vẫn là chính sách và thực thi...

Gỡ “nút thắt” hàng không để phát triển du lịch - Ảnh 1

 

Hạ tầng hàng không đang “nghẽn”

Đóng vai trò quan trọng, mật thiết đối với sự phát triển của ngành du lịch, với 80% lượng khách du lịch đi bằng đường hàng không nhưng cở sở hạ tầng hàng không đang tắc nghẽn. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển du lịch nước nhà.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015-2018 có tốc độ tăng trưởng rất cao từ 7,9 triệu lượt/năm 2015 tăng lên 15,5 triệu lượt/năm 2018.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 18 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt hơn 14 triệu lượt, đường biển đạt hơn 264 nghìn lượt, đường bộ đạt hơn 3,3 triệu lượt.

Đối với ngành Hàng không Việt Nam, trong thời gian vừa qua cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể, góp phần quan trọng vào việc vận chuyển khách du lịch.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Hàng không Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.

Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay, trong đó có 11 sân bay nội địa và 11 sân bay quốc tế với sự tham gia của 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác gần 140 đường bay quốc tế đến 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện hạ tầng hàng không tại Việt Nam đang bị quá tải. Cả nước hiện có khoảng 22 sân bay lớn, nhỏ đang hoạt động, nhiều sân bay luôn trong tình trạng vượt 100% công suất. Trong khi đó, các tuyến bay thẳng quốc tế và nội địa đến những địa danh du lịch nổi tiếng chưa nhiều. Giá vé máy bay vẫn còn cao, dẫn đến giá tour trọn gói cao. Điều này đang hạn chế sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Ông Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, chuyên gia hàng không, dẫn chứng: Việt Nam có 22 sân bay nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia)...  

Thừa nhận thực trạng này, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam bổ sung, tắc nghẽn không riêng tại khu bay, đường tiếp cận vào sân bay cũng quá tải, điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất.

Nghiên cứu khai thác hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý

Liên quan tới vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về các vấn đề liên quan phương án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan nghiên cứu việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý. Trên cơ sở đó, lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Thông báo số 349/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ. 

Trong thời gian Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý chưa được phê duyệt, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì hoạt động bảo trì thường xuyên, liên tục, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải hàng không thông suốt, an toàn và hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật.

Tin Cùng Chuyên Mục