Gốm Chu Đậu: Tự hào gốm cổ người Việt

Anh Thùy

Chu Đậu là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam. Từ những dấu tích cùng sự phục hồi dòng gốm cổ từng thất truyền suốt mấy thế kỷ đã cho thấy sức sống mạnh mẽ cũng như sự tiếp biến của dòng chảy văn hóa Việt trong từng sản phẩm để định hình, phát triển dòng gốm cổ Chu Đậu trở thành thương hiệu quốc gia như ngày hôm nay.

Sự hồi sinh của dòng gốm cổ

Gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp ngự dụng dành cho Vương triều có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII – XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV – XVI. Đến đầu thế kỷ XVII, do cuộc nội chiến giành quyền lực tại vùng Châu Nam sách giữa nhà Trịnh và nhà Mạc, làng nghề gốm đã bị tàn phá và thất truyền.

Chuyện hồi sinh của làng gốm Chu Đậu bắt nguồn từ lá thư của ngài Makoto Anabuki gửi ông Ngô Duy Đông – Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng năm 1980. Đến năm 1983, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ Chu Đậu được bắt đầu bằng một chuyên đề khảo sát các làng nghề cổ truyền của tỉnh Hải Dương, trong đó thôn Chu Đậu là một trong những địa điểm được khảo sát, khai quật.

Gốm Chu Đậu: Tự hào gốm cổ người Việt  - Ảnh 1

Sau quá trình nghiên cứu và xác minh, các nhà sử học đã khẳng định Chu Đậu là một làng nghề gốm cổ xưa. Tháng 10/2001, nhận thấy tiềm năng và tâm huyết của ban lãnh đạo muốn khôi phục dòng gốm cổ truyền, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định thành lập Xí nghiệp gốm Chu Đậu nay là Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Tháng 5/2003, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Tây Ban Nha. Từ đó đến nay, xí nghiệp đã có nhiều lô hàng cho khách hàng trong nước cũng như xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Với những nỗ lực của mình, năm 2008, gốm Chu Đậu đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho 9 chữ vàng “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”. Trải qua không ít thăng trầm, gốm Chu Đậu hiện là dòng gốm duy nhất của nước ta được trưng bày ở 46 bảo tàng của 32 quốc gia trên thế giới.

Ngày nay, bên cạnh những dòng sản phẩm truyền thống, tâm linh, gốm Chu Đậu còn có các dòng sản phẩm gia dụng, xuất khẩu và đặc biệt là vẽ vàng kim. Khác với những dòng gốm khác, gốm Chu Đậu sử dụng nguyên liệu men tro trấu - một dòng men thiên nhiên chỉ có ở Việt Nam. Một nét điển hình nữa để nhận diện sản phẩm gốm Chu Đậu là nước men rạn “xoáy đồng tiền” không nơi nào có.

Gốm Chu Đậu: Tự hào gốm cổ người Việt  - Ảnh 2

Không ngừng đổi mới, sáng tạo và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là những bí quyết để Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu. Sản phẩm gốm Chu Đậu được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chọn làm quà tặng ngoại giao cho các đoàn khách quốc tế. Năm 2020, gốm Chu Đậu đã được công nhận là Thương hiệu Quốc gia.

Nâng tầm thương hiệu

Năm 2014 bằng sự nỗ lực, sáng tạo, công ty đưa ra thị trường dòng sản phẩm gốm vẽ vàng kim cao cấp – là dòng sản phẩm được kết hợp giữa truyền thống, hiện đại được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Gốm Chu Đậu: Tự hào gốm cổ người Việt  - Ảnh 3

Đến năm 2019, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã chính thức cổ phần hóa 100% thuộc Tập đoàn BRG. Tiếp nối những giá trị mà nữ doanh nhân Bùi Thị Hý để lại, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga sẽ tiếp tục gìn giữ và phát triển, đưa gốm Chu Đậu tăng cường xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam tới thị trường quốc tế.

Nói về phương châm hoạt động của công ty hiện nay, đại diện Tập đoàn BRG cho hay, bên cạnh việc phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh thì phải giữ được bản sắc văn hóa về kiểu dáng, họa tiết, hoa văn, chất men độc đáo...của gốm Chu Đậu.

Ngoài ra, phải luôn giữ đặc trưng sản phẩm với việc bảo tồn nét văn hóa và nghệ thuật làm gốm Chu Đậu, vừa kế thừa tinh hoa văn hóa Việt Nam. Sản xuất theo dây chuyền với kỹ thuật phục nguyên nhiều màu sắc cổ kết hợp với kiểu dáng, màu men mới, hoa văn phù hợp với thẩm mỹ đương đại đáp ứng thị hiếu khách hàng.

Do định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, sản phẩm của Chu Đậu kiên trì theo hướng sản xuất sạch. Sản phẩm không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào, dùng nguyên liệu tinh và son quặng cho màu vẽ, vẫn nung ở nhiệt độ cao, nhằm đảm bảo độ bền cho thành phẩm, đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái.

Với mục tiêu nâng tầm thương hiệu, gốm Chu Đậu sẽ được đẩy mạnh hoạt động marketing giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh và thành phố lớn trên cả nước và thúc đẩy mạnh hơn công tác xuất khẩu sản phẩm gốm ra thị trường nước ngoài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc khách hàng, công ty thường xuyên thăm dò thị hiếu của các thị trường để cải tiến mẫu mã, hình thức nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn hồn cốt của một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Sản phẩm mà nhiều khách hàng ưa chuộng là bình hoa, đồ trang trí, ấm chén…được vẽ lên những họa tiết truyền thống kết hợp với hiện đại. Đó chính là những sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng kim.

Bên cạnh đó, nhằm mục đích đa dạng hóa các hình thức marketing, quảng bá hình ảnh gốm Chu Đậu, công ty đã mở rộng quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử, đăng bài lên báo chí và thường xuyên tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu đều được dán tem chống hàng giả để khách hàng có thể nhận biết và phân biệt được sản phẩm chính hãng.

 

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã tạo ra những sản phẩm gốm Chu Đậu thực sự khác biệt, luôn bắt kịp xu thế của thời đại nhưng vẫn giữ bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Tin Cùng Chuyên Mục