Gong Cha bán thêm cà phê Việt Nam với giá 39.000 - 50.000 đồng, mở lại hoạt động nhượng quyền

Trúc Linh

Từ tháng 3, hệ thống 38 cửa hàng Gong Cha tại Việt Nam chính thức bổ sung cà phê vào menu với nguyên liệu pha hoàn toàn cà phê của Việt Nam với giá từ 39.000 đến 50.000 đồng.

Mở lại hoạt động nhượng quyền

Mới đây, Gong Cha trở thành thương hiệu trà sữa đầu tiên mở hội nghị nhượng quyền toàn cầu với đại diện gần 30 quốc gia và 300 khách mời tham dự.

Gong Cha bán thêm cà phê Việt Nam với giá 39.000 - 50.000 đồng, mở lại hoạt động nhượng quyền - Ảnh 1

Ông Martin Berry - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Gong Cha Global - cho biết, Gong Cha là thương hiệu trà sữa duy nhất dẫn đầu thị phần trà sữa toàn cầu, xét về số lượng quốc gia nhượng quyền (29 quốc gia) với 1.906 cửa hàng, đứng thứ 2 là The Alley (21 quốc gia), Sharetea (13 quốc gia)...

CEO Gong Cha Paul Reynish đặt mục tiêu đạt số lượng 10.000 cửa hàng vào năm 2030. Một số chính sách đối với đối tác nhượng quyền tại các quốc gia cũng có thể sẽ được thay đổi điều chỉnh cho phù hợp.

Gong Cha vào Việt Nam từ năm 2014, được nhượng quyền độc quyền, vận hành và quản lý bởi công ty TNHH Golden Trust (hoặc công ty TNHH Gong Cha Việt Nam), hiện có 38 cửa hàng trên toàn quốc.

So với các nước khác trên thế giới và khu vực, Gong Cha Việt Nam thuộc nhóm có số lượng cửa hàng trung bình nhưng được Gong Cha toàn cầu và các nước bạn đánh giá là đất nước có sức bán sôi động (xét theo tiêu chí số lượng ly bán ra), giá thành hợp lý và thấp hơn so với các nước trong khu vực, cửa hàng được đầu tư, chăm chút thường xuyên trong thiết kế để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng.

Hoạt động nhượng quyền của Gong Cha không hề dễ dàng, với các cửa hàng của Gong Cha, chính chủ cửa hàng hoặc quản lý trực tiếp bắt buộc phải tham gia các khóa học về pha chế cũng như văn hóa kinh doanh của Gong Cha.

Điều đặc biệt nằm ở chính văn hóa kinh doanh, nếu thực sự bạn không có niềm yêu thích ẩm thực, không cùng tư tưởng trong kinh doanh thì công ty nhất quyết sẽ không đồng ý hợp đồng nhượng quyền. Theo đại diện Gong Cha Việt Nam, chất lượng của 10 cơ sở phải như 1, để khách hàng cảm nhận được trọn vẹn hương vị Gong Cha ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào.

Lấn sân cà phê

Phía Gong Cha Việt Nam cho biết từ tháng 3, được sự cấp phép Gong Cha toàn cầu, các cửa hàng Gong Cha Việt Nam chính thức bán cà phê, sử dụng hoàn toàn cà phê của Việt Nam. Việc sử dụng hoàn toàn nguyên liệu địa phương là động thái tiên phong của Gong Cha Việt Nam trong bối cảnh các nguyên liệu phải sử dụng tập trung theo nguyên tắc của Gong Cha toàn cầu, ví như trà phải sử dụng trà từ Đài Loan.

Mặc dù lấn sân bán thêm cà phê, Gong Cha cho biết thị trường trà sữa vẫn rất tiềm năng. Theo dữ liệu tháng 1/2023 từ Reputa, “trà sữa” là nhóm thức uống được tìm kiếm và thảo luận nhiều nhất trong danh sách ẩm thực.

Cũng trong năm 2023, Golden Trust có kế hoạch phát triển thêm hệ thống cửa hàng thông qua mở thêm “quota” số lượng các cửa hàng nhượng quyền thứ cấp, tạo cơ hội cho các đối tác mới vốn được rất hạn chế và thận trọng trong những năm trước đó, tham gia vào việc phát triển, vận hành thương hiệu Gong Cha tại Việt Nam.

Đây được đánh giá là bước đi táo bạo và kỳ vọng của Gong Cha, khi tại Việt Nam, cà phê là một nét văn hóa thường ngày trong xã hội chứ không phải thứ đồ sang chảnh để khoe khoang. Nhiều quán cà phê cóc đông khách không chỉ vì hương vị đồ uống, mà còn hiểu rõ khẩu vị cũng như thân quen với khách hàng. Việc sử dụng nguyên liệu Việt Nam và giá cả không quá đắt đỏ sẽ là hướng đi khá phù hợp của Gong Cha tại Việt Nam.

Khảo sát của iPOS cho thấy, nhiều người ở Hà Nội và TP HCM sẵn sàng chi 40.000-70.000 đồng để mua đồ uống, cao hơn cả số tiền dành cho ba bữa ăn chính.

Kết quả trên được rút ra từ khảo sát của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự cho hơn 100.000 thương hiệu nhà hàng và quán cà phê, thực hiện trên 3.490 người tiêu dùng chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM.

58% người tham gia khảo sát sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu trong khoản 41.000-70.000 đồng. Mức này tương đương giá đồ uống ở các thương hiệu tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long…Khoảng 14% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn 70.000 đồng, tương đương giá đồ uống ở thương hiệu cao cấp khác.

Khảo sát của iPOS cũng chỉ ra nhiều điểm tích cực của ngành dịch vụ ăn uống trong năm 2022. Đơn vị này dẫn số liệu Euromonitor tính đến hết năm rồi, Việt Nam có khoảng 338.600 cửa hàng F&B. Số lượng cửa hàng có xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR) giai đoạn 2016-2022 khoảng 2%. Quy mô doanh thu ngành này đạt gần 610.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021.

Tuy nhiên trong quý IV/2022, ngành F&B chứng kiến sự chững lại so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này được giải thích vì sự ảnh hưởng chung của nền kinh tế và dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023. Theo iPOS, năm nay, các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ trở nên thận trọng, nhường sân chơi cho các thương hiệu lớn. Bằng nguồn vốn tích lũy, nhiều thương hiệu đang tăng tốc chiếm thị phần như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House... Thế nhưng tính cạnh tranh trên thị trường ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới như Phê La, Katinat hay cà phê Gong Cha... hứa hẹn một năm nhiều biến số.

Tin Cùng Chuyên Mục