Google mất gần 400 triệu USD để giải quyết cáo buộc theo dõi người dùng

Phong Vân

Google cho biết công ty sẽ cải tiến các bản cập nhật trong vài tháng tới để có thể kiểm soát tốt và minh bạch hơn với dữ liệu vị trí.

Trong những tháng gần đây, Google của tập đoàn Alphabet đã vướng vào rắc rối pháp lý tại Mỹ. "Gã khổng lồ" bị 40 tiểu bang cáo buộc có hành vi theo dõi bất hợp pháp vị trí của người dùng.

Một cuộc điều tra đã diễn ra do tiểu bang Oregon và Nebraska dẫn đầu. Ngày 14/11, hãng Reuters đưa tin, Google sẽ phải trả 391,5 triệu USD để giải quyết vấn đề lùm xùm trên.

Ngoài khoản tiền phạt hàng trăm triệu USD, Google còn phải minh bạch hơn về thời điểm theo dõi vị trí, đồng thời cung cấp rõ ràng cho người dùng những dữ liệu theo dõi vị trí trên trang web đặc biệt.

Ông Tom Miller, Tổng chưởng lý bang Iowa cho biết: "Động thái này nhấn mạnh rằng, các công ty cần phải minh bạch trong hoạt động theo dõi khách hàng và tuân thủ luật riêng tư của tiểu bang và liên bang. Khi người dùng không cho phép truy cập vị trí trên thiết bị, họ có thể an tâm sẽ không còn ai có thể theo dõi mình nữa."

Google chi gần 400 triệu USD để giải quyết cáo buộc theo dõi người dùng tại Mỹ
Google chi gần 400 triệu USD để giải quyết cáo buộc theo dõi người dùng tại Mỹ

Google đã phản hồi trong một bài đăng trong ngày 14/11 rằng, công ty sẽ cải tiến các bản cập nhật trong những tháng tới để có thể kiểm soát tốt hơn và minh bạch hơn đối với dữ liệu vị trí. Bản cập nhật sẽ có cả tính năng cho phép xóa dữ liệu vị trí thuận tiện hơn. Người dùng có thể cài đặt tự động xóa một số thông tin trong khoảng thời gian nhất định.

Trước đó, Google từng không ít lần dính vào các lùm xùm liên quan đến vấn đề theo dõi vị trí người dùng bất hợp pháp tại Mỹ.

Năm 2018, các luật sư của bang Arizona đã bắt đầu điều tra sau một báo cáo từ Associated Press cho thấy Google theo dõi vị trí của người dùng điện thoại Android thông qua nhiều ứng dụng và dịch vụ, ngay cả khi cài đặt quyền riêng tư được bật. 

Tháng 5/2020, tiểu bang Arizona đệ đơn kiện Google, cáo buộc công ty theo dõi vị trí dù không được cho phép. Các tài liệu khi đó chỉ ra rằng Google đã cho các tác vụ khởi chạy ngầm nhằm theo dõi vị trí người dùng. Cuộc điều tra kéo dài hơn 2 năm. Cuối cùng, Google phải nộp phạt với số tiền 85 triệu USD.

Đến đầu năm nay, tiểu bang Texas, tiểu bang Indiana, bang Washington và quận Columbia đồng loạt kiện Google vì hành vi theo dõi vị trí và xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.

Dữ liệu người dùng là cơ sở để đưa ra các đề xuất phù hợp hơn đến từng đối tượng, gia tăng hiệu quả quảng cáo. Nguồn dữ liệu người dùng mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google. Trong nửa đầu năm 2022, Google có doanh thu 111 tỷ USD từ quảng cáo, đứng đầu trong các công ty bán quảng cáo trực tuyến. 

Tin Cùng Chuyên Mục