Grab bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ sau thương vụ sáp nhập kỷ lục 40 tỷ USD

Gã khổng lồ gọi xe và giao hàng Grab sẽ bắt đầu giao dịch trên Nasdaq vào ngày 2/12 với mã GRAB. 

Là công ty kinh doanh dịch vụ đặt xe và giao hàng qua ứng dụng di động lớn nhất Đông Nam Á, Grab đã chính thức ra mắt thị trường chứng khoán sau thương vụ sáp nhập kỷ lục (SPAC) trị giá 40 tỷ USD. Grab sẽ bắt đầu giao dịch trên Nasdaq vào ngày 2/12 với mã GRAB. 

Kỳ lân công nghệ Singapore này đã có 9 năm hoạt động, khởi đầu là một ứng dụng gọi xe và hiện có mặt trên 400 thành phố ở nhiều quốc gia, cung cấp các sản phẩm giao hàng, thanh toán, bảo hiểm và đầu tư.

Grab bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ sau thương vụ sáp nhập kỷ lục 40 tỷ USD - Ảnh 1

SPAC là dạng doanh nghiệp đặc biệt, huy động vốn thông qua niêm yết trên thị trường sau đó sáp nhập với một công ty tư nhân hiện có. Trong vài năm trở lại đây, lộ trình này trở nên phổ biến với các startup vì nó mang lại con đường đến thị trường đại chúng nhanh và đơn giản hơn so với đợt chào bán công khai ban đầu như truyền thống.

Grab chọn niêm yết cổ phiếu thông qua việc sáp nhập với Altimeter Growth - công ty đã thực hiện IPO vào tháng 10/2020 vì thương vụ này mang lại cho Grab khoảng 4,5 tỷ USD. Khi thương vụ sáp nhập được công bố vào tháng 4, Altimeter định giá Grab sau sáp nhập gần 40 tỷ USD, khiến nó trở thành một trong những thương vụ SPAC lớn nhất trên toàn cầu.

Là một trong những startup công nghệ đáng chú ý nhất Đông Nam Á, Grab niêm yết sẽ tạo cơ hội hoàn toàn mới cho các nhà đầu tư Mỹ tiếp cận thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh như Đông Nam Á. Bên cạnh đó, định giá thị trường của Grab cũng sẽ được chú ý khi đây được cho là "thước đo" khi startup Đông Nam Á khác "lên sàn" trong tương lai gần.

Anthony Tan và Tan Hooi Ling đã thành lập Grab vào năm 2012 từ ý tưởng cho một cuộc thi của trường đại học Harvard.

Giám đốc điều hành Anthony Tan, 39 tuổi đã mở rộng Grab thành một ứng dụng hoạt động trong khu vực với loạt dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng gọi taxi ở Malaysia. Sau đó, công ty này đã chuyển trụ sở chính sang Singapore.

Việc niêm yết của Grab mang lại lợi nhuận ngắn hạn cho những công ty hậu thuẫn từ sớm như SoftBank Group và gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing. Một số tên tuổi lớn khác cũng tham gia đầu tư vào Grab có thể kể đến như Toyota Motor, Microsoft và ngân hàng Nhật Bản MUFG. 

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2021, Grab lỗ ròng 988 triệu USD, cao hơn nhiều so với khoản lỗ 621 triệu USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo của Grab cho biết, phần lớn của khoản lỗ trong quý III năm nay đến từ các chi phí phi tiền mặt ví dụ như chi phí lãi vay và khấu hao. Bên cạnh đó, trong quý III, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng áp dụng biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và điều này đã tạo ra một môi trường hoạt động nhiều thách thức.

Tin Cùng Chuyên Mục