Grab và mối quan hệ đối tác nửa vời dựa trên mô hình chia sẻ nửa vời

Theo Kinh tế Sài Gòn

Câu chuyện về thu hộ thuế giá trị gia tăng (VAT), giá cước, chiết khấu... của các hãng xe công nghệ, cụ thể là Grab, đã đẩy xung đột giữa các bên tham gia bước vào cao trào. Đây không phải lần đầu xung đột được khơi lên nhưng nhìn lại hành trình phát triển của Grab ở Việt Nam, có thể nhận thấy sự cấu thành từ những khái niệm chưa rõ ràng. Trong đó, mối quan hệ đối tác nửa vời, vận hành trên một mô hình kinh tế chia sẻ cũng nửa vời và chỉ có thói quen tiêu dùng đang được thay đổi gần như toàn phần.

Các nền tảng gọi công nghệ như Uber, Grab đến Việt Nam cách đây 6 năm. Họ mang theo lý thuyết "kinh tế chia sẻ" để xây dựng hình ảnh thương hiệu theo kiểu hiện đại, mới mẻ.

Nhưng về cơ bản, họ thuyết phục đại đa số người dùng bằng một công thức không thể hợp lý hơn cho thị trường Việt Nam là công nghệ cộng với giá rẻ. Người tiêu dùng bước đầu tiếp cận công nghệ đã bị thuyết phục bởi mức giá hấp dẫn, quá trình này được thực hiện đủ lâu để hình thành nên một thói quen tiêu dùng mới của người Việt.

Quan hệ đối tác giữa tài xế và Grab đang bị đặt câu hỏi.
Quan hệ đối tác giữa tài xế và Grab đang bị đặt câu hỏi.

Chiến dịch lớn để thay đổi thói quen người dùng

Chiến lược đốt tiền từ lúc mới đến với thị trường Việt Nam đã giúp các hãng xe công nghệ thắng được các đối thủ truyền thống trong vòng đầu tiên tiếp cận khách hàng. Tiếp đó là một chuỗi hành trình thay đổi thói quen người dùng khi đưa họ vào nột hệ sinh thái mới bằng siêu ứng dụng. Điều này cũng khiến cho các mối quan hệ trong mô hình kinh tế chia sẻ bị xô lệch đi ít nhiều.

Khi một hình thái kinh tế mới xuất hiện, để khung pháp lý điều chỉnh cho phù hợp cần mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian điều chỉnh đó Grab ngoài việc cạnh tranh bằng giá thì cũng được hưởng lợi khi chỉ chịu 3% thuế VAT. Đến một thời điểm Grab chiếm lĩnh thị trường và khi các khung chính sách dần điều chỉnh cho mô hình này thì họ bắt đầu tính toán đến lợi ích của mình. Mức giá gần đây của ứng dụng gọi xe này được cho là không còn rẻ nữa.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng một mô hình dịch vụ mới có sức mạnh thay đổi hành vi người tiêu dùng đang nắm trong tay lợi thế của riêng mình. Dù lần này tăng giá cước, nhưng các hãng gọi xe công nghệ vẫn sở hữu lợi thế cạnh tranh chủ yếu nằm ở thói quen người dùng. 

Trong buổi gặp gỡ với báo chí mới đây, Christian Nguyễn, Nhà sáng lập kiêm CEO của Wee Digital chia sẻ: “Đến hôm nay, bạn có thực sự nghĩ đến khuyến mại không? Có còn phân vân so sánh giá của những chiếc taxi đang xếp hàng chờ sẵn gần nơi bạn đứng hay vẫn mở điện thoại lên gọi xe? Hầu hết sẽ trả lời là không, vì hành vi của bạn đã thực sự thay đổi rồi".

Câu chuyện “đốt tiền” thu hút khách hàng cũng đến lúc dừng lại và Nghị định 126 về hướng dẫn Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực là thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, khi dừng lại, các hãng xe công nghệ cũng kịp trói chân khách hàng vào một hệ sinh thái lớn hơn thông qua siêu ứng dụng với dịch vụ đa nền tảng (giao hàng, thức ăn, thanh toán…). Khách hàng phải bỏ đi một thói quen đã khó thì việc bỏ đi nhiều thói quen lại càng khó hơn.

Cơ cấu doanh thu của các hãng đang ngày một chuyển dịch từ dịch vụ đi xe sang dịch vụ giao hàng hay đồ ăn. Lãnh đạo của Grab cũng thừa nhận các mảng ngoài gọi xe đang có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn và là động lực tăng trưởng trong tương lai. Như vậy câu chuyện cạnh tranh giữa các nền tảng gọi xe với các hãng taxi truyền thống đã không còn quá quan trọng, dù Nghị định 126 có thể là cơ hội để nhóm truyền thống này tìm lại sự cân bằng.

Câu hỏi về ý nghĩa của đối tác

Trong lần điều chỉnh chính sách thuế vừa qua, Grab đã chọn cách tăng giá, điều này khiến thu nhập của tài xế giảm và khách hàng phải trả thêm tiền cho mỗi cuốc xe. Trong khi “đối tác” của mình gặp khó khăn, Grab vẫn giữ nguyên mức hoa hồng mà họ được hưởng.

Cách phản ứng của Grab đối với chính sách mới lần này cho thấy, “đối tác” của họ là tài xế không có quyền được đàm phán. Nhiều lái xe cũng chỉ chọn cách đình công, tụ tập và diễu hành trên đường phố.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Thuế Trọng Tín, chính sách thuế của nhà nước là phù hợp và không phải là câu chuyện đáng để bàn luận. “Đã là kinh doanh dịch vụ thì phải xuất hóa đơn, nhà nước không thu hơn, cũng không phân biệt đối xử, mà là đảm bảo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh trong xã hội”, ông Được đánh giá.

Tuy nhiên, theo vị này, bản chất những xung đột gần đây nằm ở chỗ thỏa thuận dân sự giữa Grab và đối tác tài xế. Grab có thể chọn cách hỗ trợ đối tác nộp phần thuế để bù cho thu nhập không bị giảm đi, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và vấn đề an sinh xã hội đang là một thách thức lớn.

Grab đang thay đổi thói quen của người dùng trong cả hệ sinh thái với siêu ứng dụng.
Grab đang thay đổi thói quen của người dùng trong cả hệ sinh thái với siêu ứng dụng.

Dĩ nhiên, chúng ta đều thấy Grab không chọn cách chia sẻ. Thay vì chấp nhận đồng hành và trả mức chi phí thuế cao hơn cùng với đối tác, Grab lại chọn cách tăng giá cước chuyến đi với lời giải thích là để bảo đảm thu nhập cho tài xế. Việc người dùng trả mức thuế 10% là đúng với bản chất về quản lý thuế, nhưng ứng xử tăng giá kiểu này chẳng khác gì chuyện Grab “vỗ về” đối tác bằng cách “quay lưng” với người dùng.

Trong dự thảo “báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” của Bộ kế hoạch đầu tư đang lấy ý kiến mới đây, cơ quan quản lý đánh giá mô hình kinh doanh chia sẻ đang có xu hướng phá vỡ kết cấu của kinh tế truyền thống và gây ra xung đột lợi ích với các ngành nghề kinh doanh truyền thống.

“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ khi đã chiếm được thị phần đáng kể và tạo lập được thương hiệu có sức cạnh tranh cao trên thị trường bằng cách sử dụng nguồn vốn lớn huy động được để trợ giá, tạo ra lợi thế cạnh tranh, sẽ gây bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Cạnh tranh không bình đẳng còn thể hiện qua việc cung cấp những sản phẩm dịch vụ không đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của pháp luật”, báo cáo nhận định.

Tại hội thảo lấy ý kiến về báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế sáng 8/12, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng tài xế không phải là “người làm chủ cuộc chơi” trong nền tảng kinh doanh mà Grab gọi là kinh tế chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện từ Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng mô hình kinh tế chia sẻ của Grab là nửa vời, chưa thực chất, không phải sử dụng phương tiện nhàn rỗi kinh doanh lấy tiền.

Thực tế, kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) là thuật ngữ mô tả một phương thức trao đổi, chia sẻ tài sản, dịch vụ giữa các cá nhân với nhau, thông qua một bên thứ ba là các công ty ứng dụng công nghệ thông tin. Mô hình này tận dụng tối đa nguồn lực dư thừa trong xã hội, dựa trên việc cho thuê, trao đổi tài sản giữa người sở hữu với người có nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên, với hoạt động hiện hành của các mô hình gọi xe ở Việt Nam thì hình thái kinh tế này đã mất đi bản chất chia sẻ thuần túy. Nhiều năm liền mô hình này là hoạt động kinh doanh kiếm lời hơn là lấy thu bù chi, hay khai thác tài sản dư thừa.

Từ cơ hội nhìn nhận được cơ hội, nếu đứng ra vận hành cơ chế chia sẻ sẽ thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ. Và các loại hình gọi xe hiện nay đang là một dạng của biến thể này. Thay vì chỉ thu bù chi, các công ty đúng như bản chất của mình hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận càng cao càng tốt. Thậm chí, bên nhận chia sẻ cũng xác lập cơ chế hoạt đông chuyên nghiệp hơn, khi trang bị phương tiện để hành nghề “chia sẻ”.

Grab không phải là người môi giới mà là quan hệ cung ứng dịch vụ độc lập với cả đối tượng khách hàng - tài xế và người có nhu cầu). Trong đó, họ sử dụng công nghệ như là một công cụ để vận hành hoạt động kinh doanh và kiểm soát hoạt động kinh doanh của hai nhóm khách hàng nói trên.

Các nhóm khách hàng trên không tự lựa chọn hay đưa ra giá cụ thể mà chỉ có thể chấp nhận hay không mức giá từ đơn vị này đưa ra. Các chương trình khuyến mãi là để kích thích sự tham gia của một nhóm khách hàng. Việc chia sẻ với đối tác trong những lần biến động chính sách dường như là rất nhạt nhòa, thậm chí là không thể.  Kinh tế chia sẻ đã không còn “sẻ chia”.

Tổng cục Thuế thông tin về trách nhiệm kê khai, nộp thuế của Grab

Thông tin từ Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế khẳng định quy định tại Nghị định 126/2020 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế và làm tăng giá cước vận tải, do mức thuế giá trị gia tăng 10% áp dụng với dịch vụ vận tải không thay đổi.

Cụ thể, các tổ chức kinh doanh có hợp tác với cá nhân sẽ phải kê khai thuế giá trị gia tăng và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu, theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.

“Tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân”, cơ quan thuế cho biết.

Như vậy, các tài xế công nghệ có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm chỉ phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân với mức 1,5% tính trên tổng doanh thu. Còn Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng và tài xế.

“Grab cho rằng do tác động của Nghị định 126/2020 dẫn tới phải điều chỉnh tăng giá cước từ 8% đến 18% với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng”, cơ quan thuế cho biết.

Cũng theo cơ quan thuế, Grab được xác định là đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải do giữ vai trò quyết định về giá cước, chính sách với khách hàng. Ngoài ra, đơn vị này chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng.
Vì vậy, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực, bao gồm nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp, nếu có.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục