Gửi "tiết kiệm đầu tư" để lãi hơn nhưng lại thành "bảo hiểm nhân thọ", khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình

Giang Phạm

Để đảm bảo tính kịp thời, hiện nay, khách hàng có thể phản ánh trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước đối với những hành vi có dấu hiệu “ép’’ mua bảo hiểm có liên quan đến ngân hàng thông qua số điện thoại đường dây nóng.

Năm 2021, chị Bình (Tây Hồ, Hà Nội) biết đến sản phẩm "Tâm An đầu tư" khi đến chi nhánh của ngân hàng tại Hà Nội đáo hạn sổ tiết kiệm 150 triệu đồng.

Chị được nhân viên ngân hàng gợi ý chuyển sang hình thức tiết kiệm đầu tư linh hoạt kỳ hạn 6 năm, được rút trước hạn và hưởng lãi suất cao hơn. Nhân viên nói sẽ tặng kèm quyền lợi bảo hiểm tử vong khi tham gia sản phẩm này. 

Gửi "tiết kiệm đầu tư" để lãi hơn nhưng lại thành "bảo hiểm nhân thọ", khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình - Ảnh 1

Với tâm thế tin tưởng nhân viên ngân hàng nên trong quá trình được tư vấn, khách hàng đã không ghi âm/ghi hình làm bằng chứng. Đồng thời chị vẫn tin khoản tiền 150 triệu kia đã được ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đi đầu tư kiếm lãi. Song đến cuối năm 2022, chị nhận được cuộc gọi từ công ty bảo hiểm nhắc đóng phí lên tới mấy chục triệu đồng/năm mới vỡ lẽ mình mua bảo hiểm nhân thọ từ bao giờ. 

Chị khẳng định trong suốt quá trình trao đổi, tư vấn viên của ngân hàng chưa bao giờ đề cập đây là bảo hiểm nhân thọ.

Câu hỏi chị Bình thắc mắc là, khách đến gửi tiết kiệm nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm. Liệu ngân hàng thương mại có thể trở thành đại lý bán bảo hiểm được hay không? Và nhân viên ngân hàng đứng ra thực hiện giao dịch bán bảo hiểm nhân thọ với khách hàng liệu có sai luật?  

Chia sẻ với Doanhnhan.vn, Luật sư Ngô Ngọc Diễm – Công ty luật TNHH ThinkSmart cho biết, căn cứ Điều 98 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, được sửa đổi năm 2017 quy định về hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại thì ngân hàng thương mại vẫn có thể trở thành đại lý bảo hiểm và thực hiện các hoạt động như: Giới thiệu khách hàng; Chào bán bảo hiểm; Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; Thu phí bảo hiểm; Thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; Thực hiện các hoạt động, nghĩa vụ khác có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm và theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm…. khi thỏa mãn các điều kiện theo quy định pháp luật như: (i) Có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm được đào tạo, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm; (ii) Ngân hàng đã ký hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm; (iii) Được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

Gửi "tiết kiệm đầu tư" để lãi hơn nhưng lại thành "bảo hiểm nhân thọ", khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình - Ảnh 2

Đối với trường hợp khách hàng đến ngân hàng gửi tiết kiệm lại biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo Luật sư Diễm thường xảy ra do 02 nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, nhân viên ngân hàng chưa cung cấp, giải thích hoặc cung cấp, giải thích sai cho khách hàng về nội dung của các văn bản được thực hiện trong quá trình làm việc, thực hiện giao dịch giữa các bên.

Thứ hai là nhân viên ngân hàng đã hướng dẫn, giải thích nhưng khách hàng chưa hiểu, hoặc hiểu sai dẫn đến nhầm lẫn giữa giao dịch gửi tiền và giao dịch mua bảo hiểm nhân thọ.

Nếu không may rơi vào trường hợp này, tùy vào việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về giao dịch giữa các bên, khách hàng có thể cân nhắc để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền Tuyên bố Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã giao kết bị vô hiệu do bị nhầm lẫn hoặc lừa dối theo quy định tại Điều 126 và Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015.

Mặt khác, đối với tính hợp pháp của giao dịch mua bán bảo hiểm do các nhân viên ngân hàng thực hiện, bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng, để có thể thực hiện các giao dịch mua bán bảo hiểm nhân thọ với khách hàng, nhân viên ngân hàng trong trường hợp này phải đồng thời là cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Theo đó, các cá nhân này phải thỏa mãn một số điều kiện theo quy định pháp luật mà trong đó nổi bật và quan trọng nhất là phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm nhân thọ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và dẫn chiếu đến điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Đồng thời, căn cứ khoản 3, khoản 5 Điều 127 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về Nguyên tắc hoạt động của Đại lý bảo hiểm, để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì đại lý đại lý bảo hiểm, nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm chỉ được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với những sản phẩm bảo hiểm đã được đào tạo mà trong trường hợp này là hoạt động mua bán bảo hiểm nhân thọ.

Đồng thời, việc hoạt động đại lý bảo hiểm cũng có quy định về khoảng thời gian không thực hiện không được gián đoạn quá 03 năm để đảm bảo kiến thức, kỹ năng được cập nhập phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, theo luật sư Diễm, trên thực tế rất khó kiểm tra, giám sát về việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho các cá nhân đang thực hiện song song cả công việc ngân hàng và bảo hiểm.

Do đó, việc nhân viên ngân hàng đứng ra thực hiện giao dịch mua bán bảo hiểm nhân thọ với khách hàng chỉ đúng với quy định pháp luật khi nhân viên này hoạt động với tư cách cá nhân làm đại lý bảo hiểm hoặc ngân hàng họ làm việc là đại lý bảo hiểm và bản thân họ phải có chứng chỉ đó phải đảm bảo điều kiện về hiệu lực.

Đối với các trường hợp còn lại, nhân viên ngân hàng chưa đủ các điều kiện nêu trên nhưng vẫn tiến hành bán bảo hiểm cho khách hàng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và tùy vào tình tiết, mức độ vi phạm mà sẽ phải chịu các chế tài khác nhau.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng. Ông cho rằng, việc nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ thông tin, "cố tình" lừa khách hàng mua bảo hiểm là hành vi nghiêm trọng, cần phải xử lý. 

Để hạn chế các tình trạng muốn gửi tiết kiệm nhưng lại trở thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và tự bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cần lưu ý:

Đầu tiên, khi được mời mua bảo hiểm nhân thọ, nếu thật sự không có nhu cầu, khách hàng nên trình bày bản thân và gia đình đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. Trong trường hợp nếu bạn đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì có thể khai báo kèm vào hồ sơ vay vốn để ngân hàng nắm thông tin. Trường hợp chưa có thì cũng không ngân hàng nào bắt buộc bạn phải chứng minh đã mua bảo hiểm nhân thọ rồi hay chưa.

Gửi "tiết kiệm đầu tư" để lãi hơn nhưng lại thành "bảo hiểm nhân thọ", khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình - Ảnh 3

Tiếp đến, khách hàng cần kiểm tra, yêu cầu nhân viên ngân hàng giải thích và đảm bảo mình hiểu rõ nội dung và các văn bản sẽ tiến hành giao kết với ngân hàng và bên thứ ba theo sự giới thiệu của nhân viên ngân hàng.

Luật sư Diễm khuyến khích khách hàng tham vấn ý kiến của chuyên gia, người tư vấn pháp luật để có hiểu về bản chất, hậu quả pháp lý và quyền, nghĩa vụ của mình trước khi quyết định xác lập giao dịch này.

Đặc biệt, trong quá trình làm việc với nhân sự của ngân hàng và bên cung cấp bảo hiểm, khách hàng nên khéo léo lưu giữ lại các tài liệu, thông tin trao đổi về nội dung, mục đích của các giao dịch hay tài liệu mình được yêu cầu giao kết.

Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm hoặc xuất hiện những nghi vấn, khách hàng có thể phản ánh về vụ việc kèm theo các tài liệu, chứng cứ tới Thanh tra chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để được giải thích, giải quyết.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính kịp thời, hiện nay, khách hàng có thể phản ánh trực tiếp đến Ngân hàng Nhà nước đối với những hành vi có dấu hiệu “ép’’ mua bảo hiểm có liên quan đến ngân hàng thông qua số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng nhà nước: (024) 38266344/(024) 3936.1017 hoặc Email:duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn

Tin Cùng Chuyên Mục