Hạn chế tin nhắn rác: Tăng mạnh chế tài xử phạt

Phạm Diệu

Trước tình trạng người dùng điện thoại “điên đầu” khi mỗi ngày liên tục bị “dội bom” bởi tin nhắn rác thì Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đã có nhiều biện pháp mạnh tay với các nhà mạng.

Trước tình trạng người dùng điện thoại “điên đầu” khi mỗi ngày liên tục bị “dội bom” bởi tin nhắn rác thì Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết đã có nhiều biện pháp mạnh tay với các nhà mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng thừa nhận thực tế tình trạng này vẫn còn khá nhiều, biến tướng tinh vi hơn để qua mặt các nhà mạng với nhiều hình thức khác nhau.

Hạn chế tin nhắn rác: Tăng mạnh chế tài xử phạt - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội quan tâm

Liên quan đến vấn đề tin nhắn rác, không những người dân đau đầu, bức xúc mà nhiều Đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về vấn đề quản lý sim rác, sau một thời gian được cho là “mạnh tay” kiểm soát, nhưng vẫn còn. Theo đại biểu, hiện nay số sim điện thoại của cá nhân, tổ chức quảng cáo nào cũng có, được quảng cáo rao bán đất, bán nhà, các loại hàng hoá, thậm chí điện trực tiếp làm các loại bằng.

Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng đã đổi cách quản lý về vấn đề này. Theo đó, đối tượng quản lý tập trung là các nhà mạng, hiện chỉ có 4-5 nhà mạng. Quy định trách nhiệm vào Tổng giám đốc, Chủ tịch các công ty viễn thông.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, tính trong 10 tháng của năm 2019, từ 24 triệu sim rác được kích hoạt trước để bán không có thông tin khách hàng, các nhà mạng đã dùng biện pháp kỹ thuật chặn lọc đến nay chỉ còn khoảng 6 triệu, tức là đã giảm được 75%. Theo đó, sẽ giúp hạn chế tin nhắn rác. Ông cho biết, mỗi tháng chúng ta chặn từ 10 đến 15 triệu thông tin, tin nhắn rác, sự phàn nàn của khách hàng đã giảm đi. Nhưng các nhà mạng hiện nay mới tập trung vào quảng cáo bất động sản và bán sim số đẹp, còn các lĩnh vực khác chưa chú ý đến, nên hiện nay bắt đầu xuất hiện nhan nhản những quảng cáo khác. 

Mạnh tay hơn với tổ chức, cá nhân

Để khắc phục tình trạng tin nhắn rác vẫn tràn lan, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, thay thế cho Nghị định 174/2013/NĐ – CP.

Đánh giá Nghị định mới này, Luật sư Nguyễn Huy Long - Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam - cho rằng, Nghị định đã bổ sung nhiều điểm mới cũng như tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nhắn tin rác qua điện thoại, email của người sử dụng.

Phân tích sâu hơn, Luật sư Long cho biết, điểm b khoản 6 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ–CP quy định: Tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng khi có hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại. Đồng thời đối hành vi này, ngoài phạt tiền còn có thể bị áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 1 tháng đến 3 tháng; tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 1 tháng đến 3 tháng; buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm này. Hiện nay, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP mức phạt tiền đối với hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác chỉ từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. 

Ngoài ra, mức phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng nêu trên cũng được áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau: Không có đầy đủ các hình thức từ chối nhận thư điện tử quảng cáo hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo; tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo…

Theo Luật sư Long, so với Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã bổ sung hành vi “gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận” là hành vi vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ và sẽ bị xử phạt tối đa tới 10 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: a) Gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận…”.

Đặc biệt, kể từ ngày 15/04/2020, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng khi có hành vi quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận. Riêng đối với trường hợp tổ chức vi phạm không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác thì sẽ bị phạt tiền lên đến 200 triệu đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 94 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt đối với cá nhân chỉ bằng một nửa so với mức phạt của tổ chức mức phạt nêu trên.

Như vậy, với việc tăng mạnh mức phạt tiền đối với các hành vi liên quan đến gửi tin nhắn rác tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP sắp có hiệu lực tới đây có thể giúp khắc phục tình trạng gửi tin nhắn quảng cáo, tin điện tử quảng cáo một cách tràn lan, gây ảnh hưởng tới người dùng”, Luật sư Long khẳng định.

“Quy định vẫn có thể lách?”

Liên quan đến quy định gửi tin nhắn rác khi chưa được sự đồng ý của người nhận, người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, Luật sư Nguyễn Huy Long cho rằng đây có thể là kẽ hở để người gửi quảng cáo lách luật dễ dàng, tránh bị xử phạt. Vì nếu khách hàng không đăng ký từ chối thì mặc nhiên hàng ngày vẫn bị tin nhắn, thư điện tử rác gửi đến liên tục. Mặt khác, có trường hợp người dùng nhắn tin từ chối nhưng vì lý do khách quan nào đó, nội dung từ chối không đến hoặc chậm đến bộ phận tiếp nhận lệnh từ chối, hoặc cũng không loại trừ trường hợp cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo “cố ý” không nhận được... 

Theo các nhà mạng, các cá nhân quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chủ yếu dùng sim điện thoại trả trước đã kích hoạt (sim rác) để spam nội dung quảng cáo. Hiện nay, việc quản lý thuê bao di động trả trước vẫn chưa triệt để, sim rác vẫn đang tràn lan. Do đó, nếu cơ quan chức năng căn cứ theo luật xử phạt hành vi gửi tin nhắn rác thì chỉ nắm được chiếc sim điện thoại chứ không thể biết chủ nhân thật sự là ai.

Còn đối với các nhà mạng hiện nay vừa cung cấp hạ tầng dịch vụ vừa kiêm luôn chức năng cung cấp dịch vụ quảng cáo. Nhiều người dùng bức xúc về chuyện liên tục nhận được tin nhắn quảng cáo từ các nhà mạng, thế nhưng họ lại không thể từ chối nhận quảng cáo, vì người dùng vẫn muốn nhận những tin nhắn thông báo khuyến mãi nạp tiền.

Tin Cùng Chuyên Mục