Hồ sơ tỷ phú - Bài 3: Bernard Arnault và cuộc "thay máu" toàn diện tạo nên đế chế hàng hiệu LVMH

Giang Phạm

"Tôi yêu thích việc chiến thắng và trở thành người số một là điều làm tôi say mê”, CEO LVMH nói.

Nhiều người thường nói vui rằng, ở Pháp, mọi nẻo đường đều dẫn tới Bernard Arnault. Bởi lẽ người đàn ông 72 tuổi này là "ông trùm" của hơn 70 thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới như Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Veuve Clicquot và Dom Pérignon...

Sở hữu khối tài sản kếch xù lên tới 150 tỷ USD, theo Forbes, chủ tịch của tập đoàn LVMH đã vượt Bill Gates vươn lên vị trí thứ ba trong top siêu tỷ phú thế giới.

Người đàn ông dám nghĩ dám làm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Bernard Arnault đã chứng tỏ khả năng kinh doanh táo bạo ngay từ khi còn rất trẻ. Sau khi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng kỹ sư, ông bắt đầu tham gia công việc kinh doanh của gia đình năm 25 tuổi. Cũng chính khoảng thời gian này, ông bắt đầu ươm mầm ý tưởng đầu tiên về đế chế LVMH hiện nay.

Bernard Arnault đã chứng tỏ khả năng kinh doanh táo bạo ngay từ khi còn rất trẻ.
Bernard Arnault đã chứng tỏ khả năng kinh doanh táo bạo ngay từ khi còn rất trẻ.

Ở tuổi 27, ông thuyết phục cha mình bán mảng xây dựng và tập trung vào bất động sản. Nhờ kế hoạch kinh doanh đúng đắn của ông đã giúp công ty với tên Férinel tạo ra được nhiều dấu ấn đáng kể. Bernard trở thành CEO từ năm 1977 và kế nhiệm cha trong vai trò chủ tịch khi ông tròn 30 tuổi. 

Những khó khăn đầu tiên xuất hiện trong sự nghiệp của Bernard vào năm 1981 khi chính trường Pháp xảy ra biến động lớn khiến gia đình ông quyết định di cư đến nước Mỹ. Hai năm sau, Arnault và gia đình trở về nước.

Bước ngoặt của Bernard Arnault đến vào năm 1984 khi ông tiến thân vào làng thời trang. Nhận thấy tiềm năng của Boussac Saint Freres - công ty có vốn sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior - ông quyết "đổ" 15 triệu USD cá nhân và kêu gọi thêm 80 triệu USD bên ngoài để trở thành chủ sở hữu công ty dệt này. 

Sau khi thương vụ hoàn tất, ông rao bán các nhà máy dệt và tài sản khác, chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche. Lúc này, Arnault nắm trong tay khối tài sản 400 triệu USD và trở thành CEO của Dior vào năm 1985.

Hai năm sau, với tài năng, danh tiếng và khối tài sản không hề nhỏ, Bernard Arnault nhận được lời mời đầu tư của Chủ tịch tập đoàn LVMH. Không bỏ lỡ cơ hội, Bernard bước chân vào LVMH với số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Những năm sau đó, ông chi rất nhiều tiền để sở hữu cổ phần của LVMH.

Vào năm 1990, Arnault sở hữu 43,5% cổ phần, 35% quyền biểu quyết và trở thành Chủ tịch kiêm CEO của đế chế LVMH.

Khó tính trong quản lý và tầm nhìn chiến lược

Sau khi trở thành Chủ tịch LVMH, Bernard không ngại ngần thanh lọc toàn bộ nhân sự, lựa chọn nhân tài mới để hồi sinh tập đoàn.

Cùng lúc này, với tham vọng đưa LVMH trở thành một trong những tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, vị CEO này quyết liệt trong từng thương vụ nhằm thâu tóm loạt thương hiệu đồ da nổi tiếng Berluti, nhãn hàng nổi tiếng Kenzo, sau đó là Sephora, Givenchy, Marc Jacobs, Emilio Pucci, Fendi, LV... Ngoài thời trang, "ông trùm" hàng hiệu này cũng nhắm đến những cái tên trong ngành chế tác trang sức, kim hoàn như Bvlgari, De Beers và TAG Heur... 

Vốn hóa thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần trong 11 năm.
Vốn hóa thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần trong 11 năm.

Dưới sự lèo lái của vị tỷ phú người Pháp, chỉ trong 11 năm, vốn hóa thị trường của LVMH đã tăng lên ít nhất 15 lần, doanh thu và lợi nhuận đều tăng 500%. 

Một trong những điểm khác biệt thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bernard là những thương hiệu khi mua về tuy thuộc tập đoàn nhưng vẫn hoạt động như công ty độc lập, giữ văn hóa, bản sắc riêng. LVMH chỉ đóng vai trò hỗ trợ lợi ích chung cho từng thương hiệu.

Vài năm trở lại đây, LVMH tiếp tục thâu tóm các thương hiệu khác trong lĩnh vực đồng hồ xa xỉ như Zenith, Tag Heuer và Hublot. Đáng chú ý là cú bắt tay lịch sử giữa Bernard Arnault và “phù thủy” ngành đồng hồ Jean - Claude Biver với thương vụ được đồn đoán có giá khoảng 500 triệu USD.

Bí quyết đi đến thành công

Bên cạnh những quyết sách đúng đắn, vị CEO 72 tuổi này cũng thừa nhận mình từng có những sai lầm vào khoảng năm 2000 khi đầu tư vào mảng internet. May mắn là ông đã bán chúng đi nhanh chóng. 

"Tiền bạc chỉ là kết quả. Khi làm việc, đừng quá quan tâm lợi nhuận. Hãy cứ làm tốt đi, lợi nhuận sẽ tới", Bernard nói
"Tiền bạc chỉ là kết quả. Khi làm việc, đừng quá quan tâm lợi nhuận. Hãy cứ làm tốt đi, lợi nhuận sẽ tới", Bernard nói

Trong một cuộc phỏng vấn với Telegraph, ông chia sẻ bản thân không thích hối hận mà thích nhìn vào tương lai. "Tôi yêu thích chiến thắng và trở thành người số một là điều làm tôi say mê”, CEO của đế chế đồ xa xỉ chia sẻ. 

Theo ông, việc kinh doanh sẽ trở nên thú vị khi đưa ra những quyết định mạo hiểm. Thú vị, hạnh phúc hơn là khi ông dẫn dắt một đội ngũ quản lý tài giỏi, cùng mình leo đến đỉnh vinh quang. 

"Tiền bạc chỉ là kết quả. Khi làm việc, đừng quá quan tâm lợi nhuận. Hãy cứ làm tốt đi, lợi nhuận sẽ tới", Bernard nói. Một trong những điều khiến vị chủ tịch này quan tâm hơn cả là thương hiệu sẽ phát triển ra sao trong 5 - 10 năm tới chứ không phải lợi nhuận có được trong 6 tháng tiếp theo. Cùng với đó, ông khẳng định kiếm tiền không bao giờ là động lực khi xây dựng công ty.

Năm nay Arnaurt đã ở vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy", nhiều người thắc mắc rằng ai sẽ là người kế nhiệm vai trò chủ tịch đế chế đồ xa xỉ thế giới. Câu trả lời vẫn được ông giữ kín, thế nhưng mọi người tin rằng đó chắc hẳn là một nhà quản trị giỏi, người có thể thay ông vẽ tiếp giấc mơ của "ông trùm" hàng hiệu này.

Tin Cùng Chuyên Mục