Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 14: Pony Ma - người giàu nhất Trung Quốc với bộ óc chiến lược thiên tài

Giang Phạm

Sở hữu cả QQ, Wechat và loạt game online gây nghiện, Pony Ma nắm trong tay 2/3 lượng người dùng di động và internet ở quốc gia tỷ dân.

Từ 120.000 USD đến 190 triệu USD

Sinh năm 1971 tại đảo Hải Nam, Quảng Đông, Trung Quốc, Ma Huateng sử dụng từ “Pony” làm tên tiếng Anh cho mình phỏng theo chính họ của gia đình ông (Mã trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là ngựa). Thời còn niên thiếu, gia đình Pony Ma chuyển chỗ ở nhiều lần vì bố ông phải đi khắp nơi để mưu sinh. Sau này, gia đình ông an cư tại Thâm Quyến.

Năm 1993, Pony Ma tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến, lấy bằng cử nhân kỹ thuật phần mềm. Sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân cho nhiều công ty trong lĩnh vực viễn thông như China Motion Telecom Development, Ltd. hay Runxun Communications Co., Ltd., phụ trách nghiên cứu và phát triển. Những công việc này mang lại mức thu nhập gần 200 USD/tháng cho Pony Ma, đồng thời giúp ông tiếp cận với máy tính và internet ở thời điểm chỉ 1% dân số Trung Quốc biết đến những công nghệ này.

Pony Ma cùng 3 người bạn đã thành lập Tencent vào năm 1998
Pony Ma cùng 3 người bạn đã thành lập Tencent vào năm 1998

Nhận thấy thị trường Trung Quốc đang cần một dịch vụ tin nhắn qua internet riêng của mình, Ma cùng 3 người bạn đã thành lập Tencent vào năm 1998 với số vốn 120.000 USD chủ yếu có được nhờ chơi chứng khoán.

Thời điểm mới thành lập, công việc của Pony Ma gặp nhiều khó khăn. Ông phải kiêm cả công việc gác cổng lẫn kỹ sư thiết kế web do công ty ít vốn, lại thiếu nhân sự đảm trách có kinh nghiệm và trình độ, chỉ có thể tập trung vào việc phát triển các dịch vụ nhắn tin trên nền email.

Một năm sau, Tencent tung ra sản phẩm của riêng mình, là dịch vụ tin nhắn tức thời OICQ, lấy cảm hứng từ ứng dụng của một công ty Israel có tên ICQ. Lúc đầu, OICQ chìm nghỉm giữa một rừng các ứng dụng tương tự tại thị trường Trung Quốc, và chỉ bất ngờ bứt tốc khi Pony Ma quyết định cho phép người dùng tải miễn phí, chỉ kiếm tiền tự nhiên thông qua quảng cáo và phí hàng tháng với các gói VIP. Ngay lập tức, ứng dụng thu hút hàng triệu khách hàng trẻ tuổi, nhưng đồng thời mang đến vấn đề mới cho Tencent.

Công ty này không có hệ thống máy chủ đủ lớn để cung cấp không gian hoạt động cho ứng dụng. Lúc này, Ma cố gắng bán OICQ, nhưng không thoả thuận nào đi đến điểm chốt.

Cuối cùng, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã rót vài triệu USD cho Tencent, với điều kiện công ty tiếp tục phát triển dự án, đồng thời đổi tên OCIQ thành QQ để tránh khỏi những rắc rối liên quan đến vấn đề bản quyền.

Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 14: Pony Ma - người giàu nhất Trung Quốc với bộ óc chiến lược thiên tài - Ảnh 1

Từ đây, Ma phát triển thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng cho QQ, từ việc cho phép khách hàng trả tiền một số dịch vụ thông qua ứng dụng, đến cho phép khách hàng VIP được điều chỉnh dịch vụ đi kèm. Đến năm 2004, QQ trở thành dịch vụ nhắn tin PC nổi bật nhất Trung Quốc, với khoảng 335 triệu người, chiếm 74% thị trường, đã sử dụng dịch vụ của Tencent. 

Cùng năm đó, Tencent lên sàn, đồng thời ra mắt nền tảng chơi game online, nhanh chóng đứng số một tại Trung Quốc và vẫn giữ vị trí này đến nay. Lúc này, tài sản của Pony được định giá khoảng 190 triệu USD, được tạp chí Time vinh danh là trong danh sách Doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Con khủng long Wechat

Đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, mảng PC có dấu hiệu chững lại và di động nổi lên, Tencent nhanh chóng trình làng ứng dụng Wechat - nền tảng tương tự WhatsApp ở Mỹ - vào năm 2012. Nhiều nhà quan sát khi ấy cho rằng Pony Ma đã để hai đứa con cưng của mình là QQ và Wechat cắn xé lẫn nhau, nhưng thực tế chứng minh điều ngược lại. Wechat tạo nên hệ sinh thái riêng biệt, cho phép người dùng có thể sử dụng mọi dịch vụ liên quan đến đời sống như thanh toán di động, gọi taxi, mua hàng… chỉ thông qua một ứng dụng duy nhất.

Thậm chí, thành công của Wechat dễ dàng vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc. Chỉ trong 12 tháng, ứng dụng này đã có 100 triệu người dùng ngoài Trung Quốc, và đứng thứ hai về lượt tải ở Ấn Độ chỉ sau một năm ra mắt.

Cũng lúc này, trong mảng game, Tencent đã âm thầm mua cổ phần của các công ty lớn như Activision Blizzard, công ty phát hành Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush. Công ty này cũng đứng sau Epic Games với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tới 40%.

Tencent đã trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc vượt qua mốc định giá 500 tỷ USD.
Tencent đã trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc vượt qua mốc định giá 500 tỷ USD.

Năm 2017, Tencent đã trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc vượt qua mốc định giá 500 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, vượt qua Facebook. Các nhà phân tích ước tính rằng hơn 2/3 trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ của Tencent, và thời gian dùng trung bình mỗi ngày lên tới 1,5 giờ.

Thành công của Tencent mang lại khối tài sản khổng lồ cho Pony Ma. Dù chỉ nắm giữ chưa đầy 10% cổ phần của Tencent, ít hơn nhiều nếu so sánh với cổ đông lớn nhất là Naspers của Nam Phi với 34%, nhưng như thế cũng đủ để Pony trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản hiện đạt 65,8 tỷ USD. Pony cũng góp mặt vào danh sách cổ đông của công ty mẹ Snapchat và Snap và Tesla Mortor của Elon Musk.

Hơn hết, nhờ chính “đứa con cưng của mình”, Pony Ma đã gặp định mệnh của mình. Ông và vợ biết nhau qua QQ, nói chuyện mỗi ngày trong suốt 3 tháng, sau đó mới quyết định gặp mặt.

Dù là ông hoàng trên nền tảng ứng dụng trực tuyến, Pony Ma lại để cuộc sống riêng tư của mình xa rời thế giới ảo. Gia đình ông sống kín đáo, tránh xa sự xoi mói của công chúng, và không giống như người đồng nghiệp Jack Ma, Pony Ma rất ít khi lên báo. Thậm chí, khi con gái ông vướng vào tin đồn hẹn hò với một phú nhị đại, ông đã quyết định chuyển dịch hoạt động trên Wechat của mình sang một nền tảng riêng tư hơn là Wechat Moments.

Nỗi lo lắng của Pony Ma

Năm 2006, Pony Ma đứng trước đại hội cổ đông và công bố kế hoạch kinh doanh trong một năm của Tencent, trong đó có mục tiêu doanh thu 10 tỷ nhân dân tệ. 10 năm sau, con số đặt ra với công ty này đã là 238 tỷ nhân dân tệ, gấp gần 24 lần. Tuy nhiên, mức độ gia tăng này chẳng thấm vào đâu so với lượng nhân sự gia nhập vào công ty hàng năm. Nếu năm 2004, Tencent mới có 1.000 người, thì 10 năm sau số lượng đã lên tới 40.000 người.

Lo sợ công ty sẽ trở thành “gã khổng lồ phức tạp và cồng kềnh, phiến diện và quan liêu, chẳng có gì ngoài sức ì len lỏi vào mỗi bộ phận”, Ma đã tạo ra 7 nguyên tắc quan trọng cho công ty này, gồm linh hoạt, cởi mở, ưu tiên người dùng, tốc độ, khả năng phục hồi, tiến hóa và đổi mới

Ma đã tạo ra 7 nguyên tắc quan trọng cho công ty này, gồm linh hoạt, cởi mở, ưu tiên người dùng, tốc độ, khả năng phục hồi, tiến hóa và đổi mới. 
Ma đã tạo ra 7 nguyên tắc quan trọng cho công ty này, gồm linh hoạt, cởi mở, ưu tiên người dùng, tốc độ, khả năng phục hồi, tiến hóa và đổi mới. 

Ma nói mình không có tham vọng xây dựng một công ty lớn. Thay vào đó, ông muốn tạo ra một công ty mà mỗi nhà đầu tư đều có thể nhận ra lợi tức của họ khi rót tiền hay công sức vào đây, do đó, ông sẵn sàng trao quyền cho những người trẻ tuổi trong công ty.

Ngay trước đêm công bố ứng dụng Wechat, Pony Ma cần thực hiện một điều chỉnh khẩn cấp trên bảng beta của ứng dụng này. Ông gửi email đến các bộ phận, và ngay hôm sau đã nhận được bản phát hành của phần mềm đã được sửa. “Đó là lý do vì sao chúng tôi cho phép những người hiểu về nhu cầu người dùng trẻ thực hiện dự án này”.

Pony Ma thần tượng Steve Jobs, người nổi tiếng với câu nói đầy mỉa mai “Nếu bạn không róc thịt chính mình thì kẻ khác sẽ làm thay” khi cho phép iPhone ra đời dù sản phẩm này đe doạ trực tiếp tới iPod đang vô cùng thành công trước đó. Học theo Jobs, Ma sẵn sàng bật đèn xanh cho dự án Wechat, dù rằng nó có thể khiến QQ lâm vào bước đường cụt. Và ông đã đúng. 

Rất nhiều người đánh giá thành công của Tencent phần lớn nhờ vào đặc điểm bất thường của thị trường Trung Quốc, nơi các ứng dụng phương Tây khó có thể chen chân vào. Nhưng trên thực tế, để có thể làm hài lòng tới 89% người dùng di động tại Trung Quốc, Pony Ma xứng đáng được coi là thiên tài chiến lược.

Một trong những chiến dịch marketing xuất sắc bậc nhất thế giới cũng gọi tên Wechat, khi công ty của Pony Ma cho phép người dùng có thể gửi phong bao lì xì (với mệnh giá rất nhỏ) cho bất cứ người dùng nào. Nhờ động tác nhỏ này, chỉ trong 8 ngày đầu năm mới, Wechat có thêm 8 triệu người dùng.

Tin Cùng Chuyên Mục