Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 15: Carlos Slim Helu - ông trùm của mọi ngành kinh tế Mexico

Giang Phạm

Sau 64 năm kinh doanh, số lượng công ty người đàn ông giàu nhất Nam Mỹ có cổ phần chiếm 40% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mexico và đóng góp 6% GDP cho quốc gia này.

Thành công nhờ chiến lược mua rẻ bán đắt

Carlos Slim Helu sinh ngày 28/1/1940 trong một gia đình gốc Lebanon di cư đến Mexico. Cha ông sở hữu một cửa hàng bán đồ khô ở La Estrella de Oriente, thuộc Venustiano Carranza trước khi chuyển sang đầu tư vào bất động sản khu thương mại.

Từ khi còn nhỏ, Slim cùng các anh chị em đã được cha chỉ dạy các bài học về tài chính, quản lý kế toán, đọc báo cáo của một công ty cũng như tầm quan trọng của việc lưu giữ những số liệu sổ sách. Việc giáo dục này sớm định hình sở thích về đầu tư và kinh doanh trong cậu bé Carlos Slim vốn có tư duy toán học rất giỏi.

Slim cùng các anh chị em được cha chỉ dạy bài học về tài chính từ nhỏ.
Slim cùng các anh chị em được cha chỉ dạy bài học về tài chính từ nhỏ.

Khi đó, Slim đã thích trả giá và mua bán kiếm lời. Khoản đầu tư đầu tiên của ông là vào trái phiếu chính phủ khi mới 11 tuổi được ông ghi chép cẩn thận bằng tay trong một cuốn sổ cái. Thói quen sử dụng bút và sổ theo ông đến tận bây giờ, khi vị tỷ phú này nổi tiếng với khả năng ghi nhớ và ghi chép bằng tay thay vì dùng máy tính hay điện thoại thông minh.

Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tham gia thị trường mua bán cổ phiếu. Một năm sau, cha ông đột ngột qua đời. Carlos Slim khi ấy 13 tuổi vừa đảm đương công việc quản lý công ty của cha, vừa hoàn thành việc học trung học và thi đỗ đại học.

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp đại học, Slim bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò giao dịch viên chứng khoán. Ông làm việc tới 14 tiếng mỗi ngày, kiếm được gần nửa triệu USD sau 4 năm, và quyết định thành lập công ty bảo hiểm riêng, lấy tên Inmobiliaria Carso.

Carlos Slim có một chiến lược kinh doanh rất rõ ràng: mua lại những công ty đang gặp khó khăn, biến chúng thành những công ty cổ phần có giá trị tỷ đô và sau đó bán cổ phần của mình để thu lợi nhuận. Trong thập niên 70, ông tập trung đầu tư ngành xây dựng, in ấn, bất động sản, nước giải khát, rồi tham gia lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, hàng không, nhôm, hóa chất, sản xuất dây cáp, bán lẻ, khách sạn…

Dù ở lĩnh vực nào Carlos Slim cũng có một chiến lược kinh doanh rất rõ ràng.
Dù ở lĩnh vực nào Carlos Slim cũng có một chiến lược kinh doanh rất rõ ràng.

Năm 1982, chính phủ Mexico vỡ nợ nước ngoài và Slim đã mua lại cổ phần kiểm soát trong một số công ty với giá rất rẻ. Ông lập ra tập đoàn Grupo Carso để tiện cho việc mua gom cổ phiếu, trong đó có thương vụ chi 50 triệu USD thâu tóm Empresas Frisco - công ty chuyên khai thác và sản xuất các sản phẩm hóa chất từ kim loại quý - hay khoản chi 13 triệu USD để sở hữu công ty bảo hiểm Seguros de México. 20 năm sau, giá trị cổ phần của ông tại Seguros đã thành 1,5 tỷ USD.

Trong một khoảng thời gian dài đầu tư, chìa khóa giúp ông đạt được thành công vang dội chính là việc sở hữu công ty Teléfonos de México (Telmex). Đây là một doanh nghiệp ở vị thế độc quyền trong mảng kinh doanh điện thoại và dịch vụ viễn thông.

Khoản đầu tư này cũng giúp Carlos Slim mở rộng danh mục đầu tư của mình sang các công ty công nghệ và viễn thông hàng đầu của Mỹ. Riêng bộ phận phát triển điện thoại di động của Telmex đã có nhiều năm phát triền thần tốc và trở thành một công ty độc lập vào năm 2001.

Bắt đầu bước chân vào Mỹ năm 2009, ông đã cho tờ The New York Times vay 250 triệu USD với lãi suất 14%. Ông chỉ coi đây là một sự hợp tác liên doanh chứ không phải một bước đột phá trong báo chí. Và hiện nay, Slim là cổ đông lớn nhất của tờ báo này.

Tỷ phú duy nhất vượt mặt người Mỹ trên bảng xếp hàng Forbes

Kinh doanh thành công từ rất sớm đưa Carlos Slim đến danh hiệu tỷ phú thế giới trong danh sách Forbes vào năm 1991. Nhưng phải mất gần 20 năm sau, năm 2008, ông mới trở thành người giàu nhất thế giới.

Ông trùm Mexico này cũng là tỷ phú duy nhất không phải là người Mỹ nắm giữ vị trí người giàu nhất thế giới trong bảng danh sách được công bố thường niên của tập chí Forbes vào tháng 3 hàng năm. Slim giữ ngôi vương này suốt 5 năm, từ 2008 đến 2013.

Hồ sơ tỷ phú - Kỳ 15: Carlos Slim Helu - ông trùm của mọi ngành kinh tế Mexico - Ảnh 1

Wall Street Journal từng khẳng định rằng đối với bất cứ người nào sống ở Mexico rất khó để không chi tiền cho một số sản phẩm hoặc dịch vụ thuộc sở hữu của một trong những công ty của Slim. Ông nắm giữ tới 220 công ty trong các lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, đường sắt, nhà hàng, viễn thông, hàng không...

Số lượng công ty mà người đàn ông giàu nhất Nam Mỹ có cổ phần chiếm 40% doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mexico và đóng góp 6% GDP cho quốc gia này.

Mặc dù giàu có nhưng Slim lại có một lối sống thanh đạm. Ông vẫn sống trong ngôi nhà 6 phòng ngủ trong suốt 30 năm qua. Năm 2014, Slim đề xuất ý tưởng làm việc 11 giờ mỗi ngày, 33 giờ mỗi tuần, vì theo ông, điều ấy sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người. 

Năm 1967, Carlos Slim kết hôn với Soumaya Domit và cuộc hôn nhân này đã kéo dài cho đến khi bà qua đời vào năm 1999 do căn bệnh suy thận. Cuộc hôn nhân của họ rất hạnh phúc và Carlos không có ý định tái hôn. Họ có 6 người con và các con của ông đều được tham gia vào các vị trí chủ chốt trong các công ty mà Carlos Slim kiểm soát.

Vào năm 2015, Slim chỉ trích ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng cộng hòa Donald Trump vì những bình luận phân biệt chủng tộc về người nhập cư Mexico và dự định xây một bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên, khi ông Trump đắc cử, Slim đề nghị giúp Mexico đàm phán với vị tổng thống này trong những giao dịch với chính phủ Mỹ vào năm 2017. Lần này, ông lại thật lòng ca ngợi kỹ năng đàm phán của Trump.

Là chủ tịch danh dự của Grupo Carso nên tình hình sức khoẻ của vị doanh nhân 81 tuổi này nhận được sự quan tâm lớn. Ông từng phẫu thuật tim năm 1999 và mắc Covid-19 vào đầu năm 2021. Theo chia sẻ của con cái Slim trên truyền thông, ông hiện khoẻ mạnh sau khi tuân thủ phác đồ điều trị coronavirus một cách chính xác và khoa học.

Tin Cùng Chuyên Mục