Hòa Phát: Xe lu cứ đường thẳng mà đi!

Đức Dũng/TTXVN

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Hoà Phát - một trong 6 đại diện của Việt Nam được Tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 cho biết, nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hòa Phát là "xe lu cứ đường thẳng mà đi".

Tập đoàn Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu những khu liên hợp sản xuất lớn, tầm cỡ thế giới.

Cùng với đó, tập đoàn này còn hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, bất động sản, điện lạnh.

Chốt phiên giao dịch ngày 19/4, giá cổ phiếu của Hòa Phát là 57.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm và tăng hơn 2,7 lần so với mức giá cùng thời điểm năm 2020.

Lò cao Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Lò cao Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng với tên gọi Công ty TNHH Thiết bị phụ tùng Hòa Phát, nay là Công ty TNHH Chế tạo kim loại Hoà Phát, sau 9 năm vào năm 2001, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản.

6 năm sau, Hòa Phát đã tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, với công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và các công ty thành viên.

Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.

Cũng trong thời gian này, Tập đoàn Hòa Phát chính thức triển khai dự án Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.

Đây là năm Hòa Phát lập kỷ lục với kết quả kinh doanh ấn tượng, giúp tập đoàn dần vươn lên khẳng định vị thế doanh nghiệp thép hàng đầu.

Năm 2013, khi giai đoạn 2 Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn này tại Hải Dương hoàn thành, Hoà Phát đã lần đầu tiên vươn lên chiếm thị phần số 1 về thép xây dựng cùng với sản phẩm ống thép.

Hòa Phát tiếp tục phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất gang thép khi thành lập Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất vào năm 2017, triển khai Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi, quy mô trên 5 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới.

Trong suốt hơn 10 năm (2007-2017), doanh thu Hòa Phát đã tăng trưởng gần 10 lần. Nếu năm 2007, doanh thu ở mức 5.734 tỷ đồng thì đến năm 2017 con số này đã là gần 47.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng.

Hiện nay, sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận toàn tập đoàn này.

Các sản phẩm chính trong chuỗi sản xuất thép của Hòa Phát bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), thép dự ứng lực, thép rút dây, ống thép và tôn mạ màu các loại.

Với công suất lên đến trên 8 triệu tấn thép các loại, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần lần lượt là 32,5% và 31,7%.

Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Hòa Phát đã có một năm "ngược dòng" thành công với tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Cả năm 2020, tập đoàn đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; đạt 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 80% so với năm 2019.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát chia sẻ, với Hòa Phát, khởi nghiệp trong lĩnh vực thép khi chỉ là "tay mơ" nhưng bằng quyết tâm lấy khó khăn làm cơ hội, không ngại thử thách, Hòa Phát đã tiến lên.

"Một quốc gia đang công nghiệp hóa phải xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng..., để làm được việc đó cần rất nhiều sắt thép. Nếu nền kinh tế tăng trưởng từ 7 – 8%. Nhu cầu thép sẽ tăng từ 10 – 12%", ông Long nhận định.

Tập đoàn Hòa Phát dự kiến sẽ triển khai dự án Hòa Phát Dung Quất 2 vào đầu năm 2022 với công suất 5,6 triệu tấn/năm, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng HRC với công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Hiện tại nhu cầu thị trường trong nước mỗi năm khoảng 12 triệu tấn HRC và Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 60% số này.

Sản phẩm HRC là nguyên liệu cho các ngành sản xuất: ống thép, tôn mạ, kết cấu thép, chế tạo cơ khí, ôtô, sản phẩm gia dụng.

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, hiện nay, các mặt hàng thép cuộn cán nóng của tập đoàn đều ở trong tình trạng "cháy hàng", sản xuất không kịp cung ứng cho thị trường.

Hiện việc chuẩn bị, đào tạo nhân sự, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã sẵn sàng. Địa phương cũng rất hỗ trợ, cùng với những kinh nghiệm từ việc xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, dự án này sẽ được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả.

Theo ông Trần Đình Long, lĩnh vực thép luôn được Hòa Phát ưu tiên, còn lợi nhuận sẽ là hệ quả tất yếu. Hòa Phát xây dựng các khu liên hợp thép với một tầm nhìn lâu dài 20 - 30 năm.

Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ sản xuất thêm 5,6 triệu tấn thép/năm; trong đó 4,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao.

Sản lượng tiêu thụ HRC của Việt Nam năm 2020 là 12 triệu tấn và có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng từ 8 - 10%, trong khi cả nhà máy của Hòa Phát và Formosa mới cung cấp được 8 triệu tấn cho thị trường mỗi năm. Như vậy, ngay cả khi Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, thì cung vẫn chưa đủ cầu.

"Chúng tôi rất tự tin làm giai đoạn 2 và nhà máy mới sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới bây giờ", ông Long chia sẻ.

Năm nay, Hòa Phát đặt ra kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.

Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt, dự án Hòa Phát Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.

Tổng thời gian thi công trong 3 năm sớm hơn so với Dự án Dung Quất 1 nhờ tập đoàn này đã có kinh nghiệm thi công từ dự án Sản xuất gang thép Dung Quất 1; kinh nghiệm thi công cảng nước sâu. Đặc biệt, nguồn vốn tự có sẽ dồi dào hơn nhờ lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 20.000 tỷ đồng/năm.

Tận dụng thời cơ nguồn cung HRC còn thiếu hụt lớn, trong nước chưa đáp ứng đủ, Hòa Phát tiếp tục đầu tư dự án Dung Quất 2 giúp đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Kỳ vọng dự án Dung Quất 2 sẽ thành công như dự án Hải Dương và Dung Quất 1 giúp đưa sản lượng thép thô của HPG có thể tăng lên 14 triệu tấn/năm, vào top 30 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục