Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bác tin đồn thất thiệt về bầu Đức, lấy chuối, heo, gà làm giải pháp khắc phục

Lam Lê

Phía HAGL khẳng định, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn trực tiếp chỉ đạo hoạt động sản xuất tại các nông trường, nông trại của tập đoàn, di chuyển hàng ngày giữa các nông trường, nông trại để giám sát và điều hành.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã CK: HAG) mới đây đã có thông cáo bác bỏ các tin đồn thất thiệt về hiện trạng hoạt động của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL và tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bác tin đồn thất thiệt về bầu Đức, lấy chuối, heo, gà làm giải pháp khắc phục - Ảnh 1

Phía HAGL khẳng định, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn trực tiếp chỉ đạo hoạt động sản xuất tại các nông trường, nông trại của tập đoàn, di chuyển hàng ngày giữa các nông trường, nông trại để giám sát và điều hành.

"Ông Đức vẫn trực tiếp chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị công ty, các cuộc họp với Ban Tổng Giám đốc và các cấp quản lý để phổ biến triển khai các chủ trương, nhằm đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được đại hội đồng cổ đông thông qua", thông cáo của HAGL nêu rõ.

Thông tin này được Công ty công bố sau đà bán tháo cổ phiếu trên thị trường, thị giá HAG hiện giảm xuống dưới mức 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu HAG bị bán tháo liên quan đến các thông tin được lan truyền trên các diễn đàn chứng khoán về việc bầu Đức bị phá sản, bị điều tra liên quan đến phát hành trái phiếu, hành vi bắt tay với "tay to" để thao túng giá cổ phiếu trong giai đoạn giá cổ phiếu ở vùng 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu…

Được biết, nếu tính từ vùng đỉnh trên 14.000 đồng/cổ phiếu hơn 2 tuần trước, giá cổ phiếu HAG hiện đã giảm trên 30% và về dưới mệnh giá.

Mới đây nhất, bà Đoàn Hoàng Anh - con gái bầu Đức - cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HAG. Giao dịch dự kiến thực hiện khớp lệnh trên sàn từ ngày 17/10-15/11/2022. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của bà Anh tại HAGL sẽ là 10 triệu cổ phiếu, tương đương 1,08% vốn.

Lấy chuối, heo, gà làm giải pháp khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo

HAGL cũng đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) công bố biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Theo văn bản, từ ngày 11/10/2022, cổ phiếu của công ty được chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo theo Quyết định số 740 vì: Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là 203 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2021 là -4.467 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.

Công ty xin đưa ra một số biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo cụ thể như sau:

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022 đã được soát xét, lỗ lũy kế của Công ty đã giảm, phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo, cụ thể:

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022: 530 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30/6/2022: - 3.938 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu mức 475 tỷ đồng, LNST đạt 113 tỷ đồng. Theo Công ty, chỉ số ghi nhận trong bối cảnh giá xuất khẩu chuối chưa tăng cao như kỳ vọng, đồng thời giá heo thấp hơn tháng trước.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu HAGL đạt 3.183 tỷ đồng, bao gồm 981 tỷ từ chăn nuôi và 1.707 tỷ cây ăn trái, ngành phụ trợ đóng góp 495 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm theo đó đạt 894 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch cả năm 2022. HAGL cho biết thêm, quý 4 kỳ vọng giá chuối sẽ tăng trở lại và sản lượng heo xuất bán nhiều hơn các quý trước, Công ty chắc chắn sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2022.

Mặt khác, HAGL cũng chú trọng giảm dư nợ vay tại ngân hàng. Mới đây, HAGL vừa công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn, với giá trị là 605 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV. Lần mua lại nợ trước hạn gần nhất vào giữa năm 2021, HAGL đã mua lại 328 tỷ nợ trước hạn tại HDBank.

Tại thông báo lần này, Công ty cũng công bố chi tiết các khoản trái phiếu hiện còn lại bao gồm: Trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016: dư nợ gốc hiện nay là 5.271 tỷ đồng, ngày đáo hạn 31/12/2026; Trái phiếu phát hành ngày 18/6/2012: dư nợ gốc hiện nay là 300 tỷ đồng, ngày đáo hạn 30/9/2023.

Cả 2 khoản trái phiếu này đều có đủ tài sản đảm bảo cho dư nợ hiện tại.

Tin Cùng Chuyên Mục