Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức xin được thử thách để không bị hủy niêm yết

Quỳnh Chi

Lãnh đạo HAGL kiến nghị các cơ quan nhà nước "cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã CK: HAG) vừa có văn bản giải trình liên quan đến điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, đồng thời trình bày kiến nghị của cổ đông về việc duy trì niêm yết cổ phiếu HAG tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức xin được thử thách để không bị hủy niêm yết - Ảnh 1

Theo đó, vào ngày 25/11/2021, HAGL đã có văn bản số 2511/CV-HAGL về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/11/2021, cổ đông HAG đã thống nhất nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu.

Theo HAGL, các cổ đông mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm. Do đó, công ty xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết.

Bên cạnh đó, đại diện công ty cũng cho biết biết tình hình sản xuất đã có nhiều cải thiện so với trước đây. HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý được các khoản đầu tư không hiệu quả trong lĩnh vực nông ngiệp, thủy điện, khoáng sản và công nợ phải thu của Công ty Đầu tư bất động sản An Phú.

Năm 2021, HAGL ước lãi trên 120 tỷ đồng và dự kiến năm 2022 nâng con số này lên 1.120 tỷ đồng. Công ty cho biết sẽ cố gắng giảm nợ vào cuối năm còn 5.000 tỷ đồng và tập trung vào hai mảng chủ lực là trồng chuối, nuôi heo.

Với những biến chuyển trên, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước "cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".

Trên thị trường, cổ phiếu HAG bị HoSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ tháng 4/2021 do các khoản lỗ trên báo cáo và nghi ngờ của kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn biết cách thu hút sự chú ý của nhà đầu tư với điệp khúc tăng sốc, giảm sâu đầy bất ngờ.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức xin được thử thách để không bị hủy niêm yết - Ảnh 2

HAG bắt đầu nổi sóng từ cuối tháng 10/2021 với nhiều phiên tăng trần liên tiếp và chỉ sau chưa đầy 2 tháng cổ phiếu này đã tăng gần 3 lần lên đỉnh 6 năm quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu. Sau giai đoạn giằng co vùng đỉnh, cổ phiếu này đã quay đầu giảm sâu từ trung tuần tháng 1/2022 với nhiều phiên nằm sàn.

Hiện thị giá HAG đang dừng ở mức 12.650 đồng/cổ phiếu, giảm 19% từ đỉnh nhưng vẫn cao gấp 2,5 lần thời điểm chân sóng cách đây gần 3 tháng. Vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng 11.700 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục