Hội đồng quản trị mới của Vinaconex bị dừng hoạt động

Theo Minh Sơn/VnExpress

Tòa án Đống Đa bác đơn khiếu nại của Vinaconex và cho rằng việc này nhằm "đảm bảo quyền, lợi ích của các cổ đông".

Tòa án Nhân dân quận Đống Đa vừa ban hành quyết định buộc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1. Đây là nghị quyết với thay đổi lớn nhất là ông Đào Ngọc Thanh được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex và một số vị trí khác trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. 

Theo tòa án, việc dừng thực hiện nghị quyết phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của người yêu cầu, cũng như các cổ đông của Vinaconex. Như vậy, Hội đồng quản trị cùng Ban kiểm soát mới được bầu ngày 11/1 của Vinaconex tiếp tục bị đình chỉ hoạt động.

Hội đồng quản trị mới của Vinaconex bị dừng hoạt động - Ảnh 1

Cơ cấu cổ đông của VinaconexCông ty An Quý HưngCông ty An Quý HưngCông ty Bất động sản Cường VũCông ty Bất động sản Cường VũCông ty Đầu tư Star InvestCông ty Đầu tư Star InvestCác cổ đông khácCác cổ đông khác

Chia sẻ với VnExpress chiều 4/4, đại diện Vinaconex cho biết, hoạt động của Hội đồng quản trị và ban kiểm soát đã dừng kể từ ngày 27/3 sau khi Tòa Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và bác đơn khiếu nại mới đây của công ty. "Hiện tại hoạt động của Vinaconex vẫn do ban giám đốc điều hành nhưng các quyết định thuộc thẩm quyền Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát không thể thông qua do đã dừng hoạt động", đại diện Vinaconex cho biết. 

Cũng theo vị này, quyết định khẩn cấp tạm thời có hiệu lực ngay nhưng không có tính hồi tố nên các Nghị quyết HĐQT Vinaconex từ ngày 11/1 đến ngày 27/3 vẫn còn hiệu lực. Tính hợp pháp của HĐQT theo danh sách mới bầu ra ngày 11/1 sẽ được quyết định khi Tòa có phán quyết cuối cùng về tính pháp lý của Nghị quyết phiên họp cổ đông.

Cuối tháng 3, Tòa án Đống Đa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1. Quyết định được đưa ra dựa trên việc xem xét đơn yêu cầu của Công ty Bất động sản Cường Vũ và Công ty Đầu tư Star Invest cùng các chứng cứ và tài liệu có liên quan. 

Ngay sau quyết định nói trên, Vinaconex đã có văn bản khiếu nại gửi Chánh án toà án Nhân dân TP Hà Nội và Chánh án toà Đống Đa. Trong đó, doanh nghiệp này kiến nghị huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp và yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tổng công ty và các cổ đông do ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định dừng khẩn cấp.

Hội đồng quản trị mới của Vinaconex bị dừng hoạt động - Ảnh 2

Một phần dự án Splendora hiện đã được bàn giao cho người mua nhà. Ảnh: Splendora

Chia sẻ tại buổi trao đổi thông tin mới đây, đại diện Vinaconex cho biết, nhóm cổ đông gửi đơn kiến nghị đến toà có liên quan đến Công ty Địa ốc Phú Long - đơn vị đang sở hữu 50% vốn tại Liên doanh An Khánh JVC, cũng là chủ đầu tư dự án Splendora (Bắc An Khánh, Hà Nội). Vinaconex hiện cũng nắm giữ 50% vốn ở dự án này.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, dự án Splendora có 200 ha đất thương mại và đã đóng thuế. Bên cạnh đó, một số quan điểm về phát triển dự án của các nhóm cổ đông cũng có sự khác biệt. Cụ thể, phía Splendora đề xuất đào hồ chạy vòng quanh các biệt thự, trong khi Vinaconex vẫn muốn triển khai theo quy hoạch như cũ. 

Tin Cùng Chuyên Mục