Hơn một nửa số nhà máy mía đường đang hoạt động bị thua lỗ

Ngọc Trìu

Nhiều doanh nghiệp phải cắt xén quỹ lương hoặc nợ lương công nhân, thậm chí còn chưa thanh toán hết tiền mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3,4 tháng.

Diện tích trồng mía chỉ còn 50%

Tọa đàm "Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới" do báo Nhân dân điện tử tổ chức diễn ra ngày 16/9. 

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết, qua 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo việc làm cho hơn 350.000 hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2020, khi Việt Nam thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại và đặc biệt là hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN), trong đó mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5% từ 1-1-2020. 

Bên cạnh đó, việc Chính phủ một số nước trong ASEAN trợ giá cho ngành mía đường nội địa, dẫn đến cuộc chơi không công bằng trong cạnh tranh. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 như một cú đấm kép, khiến bà con nông dân và doanh nghiệp mía đường của Việt Nam cực kỳ khó khăn. 

Nhiều nhà máy đường đang lâm vào cảnh khó khăn, do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân, cũng như chi trả tiền lương cho người lao động. Do tác động của dịch Covid-19 nên 1/3 nhà máy đường đã phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ phá sản. 

Dẫn chứng về những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, từ diện tích mía vụ 2014-2015 là 305.000 ha hiện chỉ còn 157.000 ha trong vụ 2019-2020 (giảm gần 50%), nhiều nhà máy đã không có mía để hoạt động.

Việt Nam có 300.000 ha với khoảng 41 nhà máy thì bắt đầu niên vụ 2019-2020 chỉ còn 1,57 triệu ha và 28 nhà máy hoạt động. Theo ông Lộc, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cộng với việc nhập khẩu đường và chất tạo ngọt với khối lượng lớn khiến nguồn cung dư thừa, giá lại thấp nên đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được. 

Quang cảnh toạ đàm về ngành mía đường diễn ra ngày 16/9. 
Quang cảnh toạ đàm về ngành mía đường diễn ra ngày 16/9. 

"Các nhà máy không thể đưa ra giá mía đủ đảm bảo đời sống cho nông dân trồng mía. Người nông dân không có cách nào khác là đành phải bỏ cây mía. Thực tế giá đường và mía tại Việt Nam những năm gần đây là mức giá thấp nhất trong khu vực", đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay. 

Ông Lộc thông tin thêm, quốc gia láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng có sản lượng sụt giảm mạnh, từ 10 triệu tấn xuống còn 7,45 triệu tấn. Tuy nhiên, theo ông, Chính phủ nước này tài trợ cho ngành 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD. Trong khi đó Việt Nam, khoản tài trợ cho ngành mía đường là con số không. Điều này khiến giá thành đường của Thái Lan thấp hơn nên tình trạng nhập lậu tràn lan.

Ông cũng nêu tình trạng bên cạnh tình trạng tồn kho, các doanh nghiệp bị cạn kiệt dòng tiền hoạt động dẫn đến ngân sách sửa chữa bảo dưỡng bị thu hẹp, quỹ lương công nhân bị cắt xén phải nợ lương. Thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán hết tiền mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3,4 tháng rồi. Tình trạng thứ hai là doanh nghiệp nghiến răng bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động.

Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch HĐQT Thành Thành Công cũng nêu những con số rất cụ thể để chứng minh sự sụt giảm của ngành mía đường, Theo ông, từ trước khi Hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc. Có khoảng 300.000 ha mía đường, 300.000 nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy đóng cửa. Tuy nhiên, trong 30 nhà máy đó, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Số lượng nông dân còn trồng mía hiện vào khoảng 170.000 người. 

"Vào những năm 2015-2016, cả Việt Nam có thể sản xuất 1,5 triệu đến 1,6 triệu tấn mía đường, nhưng hiện nay chỉ sản xuất được 700.000 tấn. Đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 810.000 tấn đường và dự kiến, hết năm 2020 nhập 1,2 triệu tấn. Thị phần trong nước phụ thuộc vào người  nước ngoài, do đó, người nông dân đang ở thế khó, không biết nên trồng cây gì", ông Dương nêu thực trạng. 

Các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, những khó khăn của ngành là do các loại đường phá giá bao gồm nhập khẩu chính ngạch, nhập lậu và gian lận thương mại trong nhiều năm. Bên cạnh đó giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất ở trong khu vực do không có chính sách hỗ trợ....

Lần đầu tiên và duy nhất Việt Nam xin hoãn thực thi cam kết vì ngành mía đường

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết  trong tất cả các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường đường từ năm 1995 tới nay, từ WTO, các FTA, CPTPP hay EVFTA, Chính phủ đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành mía đường. 

Kể từ khi bắt đầu hội nhập kinh tế quốc tế vào năm 1995, ngoại trừ cam kết với ASEAN, thị trường đường của Việt Nam về cơ bản là đóng cửa với bên ngoài. Trong khi tất cả các ngành khác, kể cả những ngành cực kỳ nhạy cảm như chăn nuôi, rau quả, sắt thép, ô tô…, đều đã mở cửa.

Hơn một nửa số nhà máy mía đường đang hoạt động bị thua lỗ  - Ảnh 1

Hơn nữa, ông cho rằng, theo thỏa thuận của Việt Nam tại các hiệp định, các thành viên WTO và các đối tác FTA hằng năm chỉ được quyền bán vào Việt Nam một số lượng đường rất nhỏ, khoảng 5-6% tổng tiêu thụ của Việt Nam với mức thuế thấp. Còn lại, nếu muốn nhập khẩu, doanh nghiệp phải trả thuế nhập khẩu rất cao

Tuy nhiên trước những khó khăn của ngành mía đường, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xem xét tạm hoãn hai năm việc mở cửa thị trường đường cho các nước ASEAN theo ATIGA. Kiến nghị này đã được Chính phủ chấp thuận tại Nghị quyết số 130 ngày 17/10/2018. Theo đó, Việt Nam sẽ hoãn mở cửa thị trường đường cho các nước ASEAN tới năm 2020.

"Trong lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế, đây là lần đầu tiên và duy nhất Việt Nam xin hoãn thực thi cam kết, qua đó thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm cao của Chính phủ đối với người dân trồng mía và các nhà máy đường", ông Chinh nói. 

Cùng với việc chỉ ra những khó khăn của ngành, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt trong việc phòng vệ thương mại và có biện pháp cứng rắn hơn nữa trong việc kiểm soát việc nhập lậu đường. 

Ông Chinh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay cho buôn lậu. Bên cạnh đó, chủ trương của cơ quan này là khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hướng xuất khẩu tại các thị trường có hiệp định thương mại, tìm đầu ra ổn định cho mía đường. 

Ông Phạm Hồng Dương - Phó chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar cho biết tìm hướng khai thác khác như đầu tư vào sản phẩm dược từ bã mía, tiến hành sản phẩm có quy mô công suất tốt hơn để mang lại hiệu quả cao hơn. 

Ngoài các sản phẩm đường, ngành đường còn có hai phụ phẩm là mật rỉ và bã mía. Từ mật rỉ có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thành cồn thực phẩm hoặc cồn nhiên liệu để làm xăng sinh học.

Tại Việt Nam, tuy đã có chính sách phát triển xăng sinh học, nhưng hiện còn nhiều khó khăn trong việc kinh doanh xăng sinh học E5 khiến việc sản xuất cồn nhiên liệu chưa phát triển được. Hầu hết mật rỉ của ngành đường Việt Nam hiện không chế biến mà bán trực tiếp cho các ngành hàng thực phẩm hoặc thức ăn gia súc.

Từ bã mía có thể dùng làm nhiên liệu đốt để tạo ra năng lượng điện sinh khối. Tuy nhiên giá điện đồng phát bã mía tại Việt Nam còn thấp nên chưa khuyến khích được sự phát triển của các dự án đồng phát bã mía.  Ngành đường Việt Nam đã phát triển được 9 dự án điện đồng phát bã mía.

Đại diện của Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, để đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, cuối năm 2019, cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng kiến nghị cho phép áp dụng mức giá 7,03 cent/kWh đối với điện sinh khối.

Tin Cùng Chuyên Mục