Họp ĐHĐCĐ HDBank: Bắt đầu chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 65% từ quý IV, tiến tới IPO HDSaison

Theo Người đồng hành

Sáng ngày 13/6, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank, HoSE: HDB) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) 2020 để thông qua các báo cáo và tờ trình của HĐQT, bao gồm phương án chia cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2019 tổng cộng 65%.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT phát biểu năm 2020 là năm then chốt trong chiến lược 5 năm 2017-2021. Theo đó, HDBank xác định 2020 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trên nền tảng big data đồng thời thực hiện số hóa quy trình, kênh phân phối, sản phẩm dịch vụ và toàn bộ hoạt động ngân hàng, là một bước đổi mới quyết định trong điều kiện thế giới bước vào giai đoạn về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, bình thường mới đời sống xã hội.

Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, HDBank chú trọng tăng thu nhập dịch vụ, ngân hàng số, các sản phẩm bán chéo tới khách hàng các đơn vị trong hệ sinh thái và đối tác chiến lược; cung cấp sản phẩm dịch vụ mới cho khách hàng.

Năm 2020, ngân hàng đề ra các chỉ tiêu kinh doanh gồm tổng tài sản đạt 305.372 tỷ đồng, tăng 33% so với 2019; huy động vốn đạt 275.246 tỷ đồng, tăng 35%; dư nợ tín dụng lên 177.970 tỷ đồng. Theo đó, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13% so với 2019.

Nhìn về năm 2019, HDBank ghi nhận hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh tăng so với năm 2018 như tổng tài sản 229.477 tỷ đồng, tăng 6,2%; lợi nhuận trước thuế đạt 5.018 tỷ đồng, tăng 25,3%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 153.004 tỷ đồng, tăng 18%; trong đó mảng tín dụng Xanh thể hiện vai trò tiên phong; tổng huy động vốn đạt 203.869 tỷ đồng. Ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành với 1,36% bao gồm tài chính tiêu dùng, trong đó nợ xấu riêng lẻ ngân hàng chỉ 0,98%.

Đến cuối năm 2019, quy mô hoạt động của HDBank đã được mở rộng lên 286 điểm giao dịch.

Theo đó, HĐQT trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần tổng tỷ lệ 65% gồm 50% trả cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ phiếu thưởng. Việc chia cổ phiếu cổ tức và cổ phiếu thưởng được chia là 2 đợt, đợt 1 trả 30% và đợt 2 trả 35%, bắt đầu thực hiện từ quý IV và hoàn thành trong năm. Vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng từ 9.810 tỷ đồng lên 16.088 tỷ đồng sau chia.

Họp ĐHĐCĐ HDBank: Bắt đầu chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 65% từ quý IV, tiến tới IPO HDSaison - Ảnh 1

Cổ đông bỏ phiếu tại đại hội. Nguồn: HDBank

Để tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn cũng như triển khai các chiến lược phát triển, HĐQT trình phương án phát hành tối đa 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, chia làm nhiều đợt phát hành. Kỳ hạn trái phiếu tối thiểu 3 năm và tối đa 10 năm. Trái phiếu được phát hành cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore. Phát hành tối đa 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, tiến tới IPO HDSAISON.

Đồng thời, ngân hàng cũng muốn phát hành 500 triệu USD hoặc 10.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế hoặc Việt Nam, kỳ hạn 5 năm 1 ngày kể từ ngày phát hành. Giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách của ngân hàng căn cứ BCTC gần nhất thời điểm tiến hành chuyển đổi. Thời gian thực hiện trong năm 2020 hoặc 2021.

Lý giải quyết định phát hành trái phiếu quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết với quy mô của ngân hàng thì việc tham gia thị trường trái phiếu quốc tế là điều tất yếu. Hiện nay, ảnh hưởng Covid-19, Chính phủ các nước bơm tiền ra thị trường rất nhiều với lãi suất thấp thậm chí 0%. Do vậy, ban lãnh đạo nhận định đây là cơ hội thu hút nguồn vốn rẻ cho các kế hoạch phục hồi sau dịch và các dự án đầu tư của ngân hàng.

Bên cạnh đó, bà Thảo tiết lộ ngân hàng có kế hoạch chuyển đổi HDSAISON từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và tiến tới IPO.

Ngoài ra, HĐQT trình miễn nhiệm Thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Thị Phụng và bầu bổ sung bà Đường Thị Thu. Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 cũng được điều chỉnh thành tối thiểu 3 thành viên giảm so với 4 thành viên trước đó.

Họp ĐHĐCĐ HDBank: Bắt đầu chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 65% từ quý IV, tiến tới IPO HDSaison - Ảnh 2

Cổ đông đăng ký tham dự đại hội. Nguồn: HDBank

- Hiện nay, nhiều công ty tài chính, ngân hàng đã triển khai chuyển đổi số, ngân hàng cạnh tranh như thế nào?

- Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh: Xu hướng số hóa trong thời đại 4.0, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, tầng lớp thu nhập trung lưu tăng và là một trong những quốc gia chuyển đổi nắm bắt công nghệ nhanh. HDBank không nằm ngoài xu hướng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, trong nhiều năm qua đã giành ngân sách hợp lý cho quá trình này.

Vừa rồi ngân hàng đã ra ứng dụng mobile banking mới tăng trải nghiệm cho khách hàng. Bên mảng khách hàng cá nhân và phục vụ khách hàng doanh nghiệp cũng có bước tiến mạnh chuyển đổi số hóa, như trở thành ngân hàng đầu tiên tịa Việt Nam phát hành LC cho thanh toán quốc tế trên blockchain. Hay ngân hàng triển khai chương trình mở tài khoản cho khách hàng doanh nghiệp thông qua internet banking với chữ ký số, không cần đến ngân hàng.

Trong nội bộ, ngân hàng triển khai nền tảng số hóa hoạt động giảm tối đa chứng từ, tài liệu bằng giấy. Tới hết tháng 6, ngân hàng giảm hơn 600 tài liệu giấy trong hoạt động, mục tiêu giảm thêm 200 tài liệu giấy để tiết kiệm, tăng bảo mật và tăng thời gian xử lý.

- Ngân hàng tận dụng hệ sinh thái gồm các đối tác xung quanh như Vietjet, Vinamilk, HDSAISON, Petrolimex như thế nào? Hiệu quả tạo được ra sao?

- Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh: Hệ sinh thái là đặc quyền của HDBank cho phép phát triển sâu khách hàng. Trong thời đại hiện nay, hệ sinh thái, big data là thế mạnh để ngân hàng cạnh tranh và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. HDBank có hệ sinh thái lớn 40 triệu khách hàng và mở rộng ra nhiều đối tác khác như Sài Gòn Coop, Vinamilk, Petrolimex nâng lên 60 triệu khách hàng.

- Việc sáp nhập PGBank vào HDBank tiến trình ra sao?

- Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh: Ngân hàng đã hoàn thiện hồ sơ nộp ngân hàng nhà nước. Ban lãnh đạo làm việc với ngân hàng nhà nước để đốc thúc tiến độ.

- Ảnh hưởng Covid-19, nhiều ngân hàng đề lợi nhuận tăng trưởng âm hoặc đi ngang, kế hoạch của ngân hàng tăng 13% nhờ đâu?

- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực: Kế hoạch của HDBank so với toàn ngành có vẻ thách thức nhưng so với năng lực nội tại của ngân hàng thì thận trọng và hoàn toàn khả thi.

Trong mảng vực tín dụng, ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng theo phân bổ của Ngân hàng Nhà nước. Ban lãnh đạo sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để đạt được mức tăng trưởng tín dụng thuộc nhóm cao nhất trong ngành.

Về phần tài sản, ngân hàng đã đầu tư một phần cho ngân hàng số và các tài sản cố định. Giai đoạn vừa qua, ngân hàng đầu tư trung tâm công nghệ tại khu công nghệ cao TP HCM, đó là tòa tháp đôi, nơi dự kiến tập trung các công tác nghiên cứu, vận hành chuyển đổi số ngành ngân hàng, tương lai là cái nôi sinh ra các startup công nghệ.

Về hoạt động kinh doanh, ngân hàng tăng đầu tư vào các giấy tờ có giá, những tài sản an toàn có tính thanh khoản cao.

Bên cạnh đó, ngân hàng là một trong các đơn vị đầu tiên ứng dụng Basel II, và duy trì mức đánh giá B1 với triển vọng ổn định, tích cực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Tỷ lệ nợ xấu duy trì 0,98% riêng lẻ và hợp nhất 1,36% (bao gồm tài chính tiêu dùng).

- Ban lãnh đạo có thể cập nhật kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm?

- Tổng giám đốc Phạm Quốc Thanh: Ban đầu Ban điều hành dự phóng mức ảnh hưởng của Covid-19 lên đến 15% danh mục cho vay, nhưng tới nay thì ngân hàng chỉ phải cơ cấu khoảng 3% (5.000 tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với dự phóng.

Trong quý I, ngân hàng huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế khoảng 157.000 tỷ, tăng 4,61%; tổng dự nợ 162.000 tỷ, tăng 5,92%. Tính đến hết tháng 5, tốc độ tăng tín dụng riêng lẻ HDBank là 8%, huy động tăng 11% so với cuối năm 2019. Hết tháng 6, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng ước trên 2.300 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Như vậy, nếu giữa năm mà ngân hàng đã thực hiện được 50% kế hoạch năm thì gần như chắc chắn cả năm sẽ đạt được.

Tin Cùng Chuyên Mục