Hợp tác với tập đoàn dầu khí Thái Lan, Foxconn đặt mục tiêu thống trị thị trường xe điện Đông Nam Á

Selina Nguyễn

Với khoản đầu tư từ 1 tỷ đến 2 tỷ USD và tham vọng xuất xưởng 5.000 xe/năm, dự án hợp tác giữa tập đoàn dầu khí Thái Lan và Foxconn sẽ biến nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu xe điện hàng đầu trong khu vực.

Tập đoàn dầu khí PTT dự kiến sẽ cùng với hãng sản xuất điện tử hàng đầu Đài Loan Foxconn sản xuất xe điện và các bộ phận liên quan sớm nhất là vào năm 2023.

Sự hợp tác cùng khoản đầu tư lớn này được kỳ vọng sẽ giúp Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện ở Đông Nam Á, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PTT Auttapol Rerkpiboon chia sẻ trên Nikkei Asia. 

Ông Attapol cho biết, hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu sau 2-3 năm tới với dự kiến xuất xưởng khoảng 50.000 xe/năm, trong khi các đối tác mong muốn đạt 150.000 chiếc/năm. Công ty liên doanh này sẽ đầu tư từ 1 tỷ đến 2 tỷ USD trong vòng 5 đến 6 năm cho một nhà máy ở đặc khu Hành lang Kinh tế phía đông Thái Lan và một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D.

Nền tảng xe điện do Foxconn phát triển được trưng bày tại Đài Loan. 
Nền tảng xe điện do Foxconn phát triển được trưng bày tại Đài Loan. 

Theo đó, công ty con Arun Plus của PTT sẽ nắm giữ 60% cổ phần liên doanh, trong khi Lin Yin thuộc sở hữu của Foxconn sẽ nắm giữ 40% còn lại. Công ty dự kiến sẽ hoàn tất quá trình đăng ký kinh doanh vào quý IV/2021. Vốn đăng ký sẽ không vượt quá 3,22 tỷ baht (khoảng 98 triệu USD).

Spattanapong Punmeechaow, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp xe điện đối với xứ sở chùa Vàng.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Thái Lan nổi lên vào những năm 1960, khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lao vào thành lậpcông ty. Quốc gia này sau đó đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu ô tô của Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Chiến lược này đã tạo ra việc làm và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan phát triển.

Bangkok không muốn từ bỏ vị thế trung tâm này, ngay cả sau khi chuyển dịch sang xe điện. Ủy ban xe thế hệ mới quốc gia, do Supattanapong làm chủ tịch, đã đặt ra mục tiêu táo bạo là nâng lượng xe ô tô không phát thải lên 30% tổng doanh số bán xe của Thái Lan vào năm 2030. Ủy ban cũng hy vọng, 50% ô tô sản xuất tại Thái Lan sẽ chạy hoàn toàn bằng điện vào thời điểm đó.

Trong nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, chính phủ cũng đã phê duyệt các ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sạc và hoán đổi pin vào giữa tháng 5 vừa qua.

PTT và Foxconn không phải là những cái tên duy nhất trong ngành sản xuất ô tô tại Thái Lan. Great Wall Motors của Trung Quốc đã mở nhà máy đầu tiên tại Hành lang Kinh tế phía Đông vào tháng 6, tập trung vào sản xuất xe điện cho cả thị trường trong nước và khu vực.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa tập đoàn dầu khí PTT và Foxconn có thể làm rung chuyển thị trường ở Thái Lan, nơi các thương hiệu lớn của Nhật Bản như Toyota Motor, Nissan Motor và Honda Motor hiện đang nắm giữ 90% thị phần. Các công ty đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của xe điện trong tương lai. Đó cũng là lý do khiến các tập đoàn lớn trên thế giới đang ngày càng để ý hơn đến lĩnh vực này.

Sản xuất xe điện là một thị trường tương đối dễ gia nhập, vì xe điện chứa ít bộ phận cơ khí hơn xe chạy bằng khí đốt. Các nhà sản xuất ô tô hiện đại, bao gồm cả Nhật Bản, gặp khó khăn lớn trong việc chuyển đổi sang sản xuất xe điện vì họ phải xem xét tái cấu trúc một phần chuỗi cung ứng của mình. Quá trình này có thể gây ra tình trạng mất việc làm tại một số nhà sản xuất linh kiện cơ khí, đồng thời tạo thêm việc làm cho các nhà sản xuất điện và dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo một nghiên cứu của Frost & Sullivan do Nissan ủy quyền và được công bố vào tháng 2 vừa qua, 66% người tiêu dùng Đông Nam Á cho rằng họ sẽ sử dụng phương tiện di chuyển bằng điện trong tương lai gần.

Tin Cùng Chuyên Mục