HoREA kiến nghị Thủ tướng cho phép giãn nộp tiền sử dụng đất, không siết trái phiếu doanh nghiệp

Vũ Lành

(Doanhnhan.vn) – Đây là lần thứ hai trong tháng 5 Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa gửi công văn tới Thủ tướng với mong muốn được tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách.

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng HoREA nêu rõ, để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau đại dịch Covid -19, các doanh nghiệp bất động sản “không xin hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách”. Văn bản gồm 10 nội dung kiến nghị.

Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thi hành Luật Đất đai”, trong đó có cơ chế xử lý các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, để tái khởi động lại hàng trăm dự án nhà ở đang bị ách tắc hiện nay.

HoREA cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 theo kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và đã được Thủ tướng kết luận, để giảm áp lực tài chính và không gây áp lực cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mẹ-con.

Về huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp, Hiệp hội kiến nghị không "siết" quy định tại thời điểm hiện nay, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản. Cũng với đó, đơn vị này mong muốn các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ đến hạn, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ, với lãi suất hợp lý theo phương thức tín chấp, hoặc thế chấp bằng chính căn nhà đó….

Vấn đề về giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cũng được HoREA nêu ra trong văn bản. Trong đó, các đối tượng được HoREA đề nghị được hưởng chính sách này gồm doanh nghiệp bất động sản; cá nhân, hộ gia đình. Hiệp hội đề nghị đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội ngay từ năm 2020, ban hành quy trình “chuẩn” về thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp.

Cuối cùng, Hiệp hội đề xuất Thủ tướng làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thực hiện quy trình rút gọn đối với Luật Đầu tư (sửa đổi), để Luật sớm có hiệu lực. Theo quy trình thủ tục lập pháp bình thường, thì nếu Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 6, thì sẽ có hiệu lực kể từ năm 2021.

Nếu sớm được thông qua, Luật Đầu tư (sửa đổi) được đánh giá là sẽ sớm giải quyết “ách tắc” của các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp hiện nay. Đồng thời, giúp khai thông thị trường bất động sản, kéo theo hơn 90 ngành nghề liên quan, tạo được việc làm cho nhiều người lao động.

Tin Cùng Chuyên Mục