Hứa Gia Ấn: Người đàn ông từng giàu nhất châu Á nay phải đối mặt với khoản nợ 300 tỷ USD

Như Quỳnh

Ông Hứa từng giữ vị trí giàu nhất châu Á 4 năm trước với khối tài sản lên tới 45,3 tỷ USD. Hiện tại, ông chỉ có 17,2 tỷ USD và đang trên đà giảm. 

Ông trùm bất động sản Trung Quốc Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) đang tụt hạng nhanh chóng trên các bảng xếp hạng tài sản. Giá trị tài sản ròng ông sở hữu đã giảm tới 3,35 tỷ USD trong tuần thứ 3 tháng 7, sau khi cổ phiếu tập đoàn Evergrande của ông giảm 26%. 

Trong vòng 12 tháng qua, cổ phiếu Evergrande đã giảm 68% và các chuyên gia cho rằng nhà tài phiệt 62 tuổi đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nợ leo thang. 

Đây là một tin không dễ chịu đối với ông Hứa - người từng giữ vị trí giàu nhất châu Á chỉ 4 năm trước với khối tài sản lên tới 45,3 tỷ USD. Hiện tại, ông chỉ có 17,2 tỷ USD và vẫn tiếp đà giảm. 

Ông Hứa Gia Ấn - chủ tịch tập đoàn Evergrande.
Ông Hứa Gia Ấn - chủ tịch tập đoàn Evergrande.

Ông chủ Evergrande đang chật vật tìm cách giảm số nợ khổng lồ 1.950 tỷ NDT (tương đương 301,6 tỷ USD). Báo cáo thường niên của tập đoàn cho thấy Evergrande chỉ có 158,8 tỷ NDT tiền mặt và các khoản tài sản tương đương tiền vào cuối năm 2020. Trong khi đó số nợ phải trả trong năm 2021 đã lên tới 335,5 tỷ NDT. 

Theo Shen Chen, một đối tác tại Shanghai Maoliang Investment Management, Hứa Gia Ấn từng nhiều lần đưa Evergrande thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trong quá khứ nhờ bán nợ, bán cổ phần... Tuy nhiên lần này mọi chuyện đã khác. 

"Cuộc khủng hoảng nợ ở Evergrande đang leo thang. Công ty không thể tiếp cận nguồn vốn mới cũng như không thể xử lý tài sản đủ nhanh để gây quỹ", Shen nói. 

Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh ngày càng thắt chặt các quy định vay nợ, Evergrande không thể phát hành bất kỳ trái phiếu mới nào ở thị trường nước ngoài trong năm nay. 

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng tỷ phú Hứa vẫn có thể huy động vốn bằng cách bán bớt tài sản với giá chiết khấu hoặc niêm yết các công ty con ít quan trọng ra thị trường chứng khoán. 

Theo Forbes, Evergrande đã thu về 321 tỷ NDT tiền mặt từ việc bán bất động sản trong nửa đầu năm 2021. Năm ngoái, tập đoàn huy động được 1,8 tỷ USD sau khi niêm yết một công ty con chuyên về dịch vụ bất động sản trên sàn chứng khoán Hồng Kông. 

Ở thời điểm hiện tại, Evergrande đang xem xét đưa công ty con sản xuất nước đóng chai - Evergrande Spring lên sàn chứng khoán Hong Kong. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng Evergrande Spring IPO thành công, nhất là trong bối cảnh công ty mẹ đang sa lầy vào những rắc rối tài chính như vậy. 

Nhà phân tích Shen Chen lấy tập đoàn HNA Group và công ty sản xuất chip Tsinghua Unigroup như những ví dụ về tương lai của Evergrande. Đây đều là những tập đoàn khổng lồ, từng phải tái cơ cấu sau những vụ vỡ nợ trái phiếu hay do tình hình kinh doanh ảm đạm.

Trong khi đó Zhou Chuanyi, một nhà phân tích tín dụng tại Lucror Analytics thì lấy ví dụ về tỷ phú Trương Cận Đông - một người bạn của ông Hứa và là cựu chủ tịch tập đoàn bán lẻ điện tử Suning. Ông Trương từng buộc phải từ chức tại Suning sau khi tình hình nợ nần tại đây vượt tầm kiểm soát, khiến chính quyền Trung Quốc phải vào cuộc. 

"Thu hút các nhà đầu tư chiến lược mới là hướng đi tốt nhất cho Evergrande. Tuy nhiên ông Hứa có thể không muốn từ bỏ quyền kiểm soát hoàn toàn ngay lập tức mà sẽ bán dần cổ phần từng chút một", Bà Zhou nhận định. 

Tin Cùng Chuyên Mục