Intel đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip ở Ohio

Như Quỳnh

Nhà máy sẽ được khởi công ngay trong năm nay và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025.

Tập đoàn Intel cho biết họ có kế hoạch đầu tư ít nhất 20 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất chip mới ở Ohio (Mỹ). Vào năm ngoái, Intel cam kết đầu tư hơn 100 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới để xây dựng mới 8 nhà máy sản xuất chip.

Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết, tập đoàn sẽ chế tạo một số bộ vi xử lý tiên tiến nhất tại nhà máy mới. Việc xây dựng cũng sẽ được tiến hành khẩn trương ngay cuối năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Ngoài ra, Intel cam kết chi 100 triệu USD để hợp tác với các tổ chức giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ các chương trình nghiên cứu trong khu vực.

Ông Gelsinger cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn vừa đạt doanh thu hàng năm 500 tỷ USD vào năm ngoái và con số dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này.

Một nhà máy Intel ở Arizona (Mỹ). Ảnh: Intel. 
Một nhà máy Intel ở Arizona (Mỹ). Ảnh: Intel. 

“Ý định của tôi với tư cách là giám đốc điều hành là tăng thị phần mà Intel nắm giữ trong thị trường đang phát triển này. Vì vậy, tôi phải đầu tư và mở rộng năng lực của Intel nhanh hơn gấp đôi”, ông nói.

Vị CEO 60 tuổi nhận định tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn có thể kéo dài sang năm sau và thậm chí có khả năng đến tận năm 2024, mặc dù có một số dấu hiệu giảm bớt trong những tháng tới.

Vào ngày 21 tháng 1, Nhà Trắng tỏ ra hoan nghênh kế hoạch đầu tư mới của Intel và gọi đây là minh chứng cho nỗ lực đưa các nhà máy sản xuất chip về Mỹ. Chính phủ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và châu Âu trong vài năm trở lại đây tỏ ra hết sức quan tâm đến việc bảo đảm nguồn cung chất bán dẫn sau nhiều năm đưa các nhà máy về các quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn ở châu Á. 

"Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự mong manh trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu", thông báo từ Nhà Trắng viết. 

Ông Pat Gelsinger - CEO Intel. Ảnh: AnandTech.
Ông Pat Gelsinger - CEO Intel. Ảnh: AnandTech.

Đối với ông Gelsinger, nhà máy 20 tỷ USD ở Ohio là bước đi mới nhất trong nỗ lực đưa Intel khôi phục vị thế là nhà thiết kế chip tiên tiến và trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu. Vào năm 2020, nhà sản xuất chip đồ họa Nvidia đã vượt qua Intel để trở thành công ty bán dẫn có giá trị nhất nước Mỹ.

Năm ngoái, Samsung Electronics vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất tính theo doanh thu hàng quý. Các nhà phân tích kỳ vọng công ty Hàn Quốc sẽ vẫn giữ vững vị trí đó trong tương lai gần.

Năm ngoái, Intel tuyên bố họ đã lên kế hoạch đầu tư lớn vào nhà máy sản xuất chip ở Arizona và New Mexico và cam kết đầu tư khoảng 95 tỷ USD cho các nhà máy ở châu Âu. 

Việc Chính phủ các nước đặc biệt ủng hộ ngành bán dẫn, kết hợp với việc nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế đã thúc đẩy làn sóng đầu tư giữa các ông lớn trong ngành. 

Năm 2021, Samsung thông báo sẽ chi hơn 205 tỷ USD trong vòng 3 năm, trong đó ưu tiên cho các nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD ở Texas. TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới cho biết sẽ thiết lập mức ngân sách kỷ lục 100 tỷ USD trong 3 năm để tăng công suất nhà máy. Nhiều công ty khác trong ngành, chẳng hạn như nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology và Texas Instruments cũng công bố các kế hoạch đầu tư khủng. 

Tin Cùng Chuyên Mục