Jetstar Pacific: Ngôi sao không thể cất cánh

Hiếu Nguyễn - Anh Anh

(Doanhnhan.vn) - Logo của Jetstar Pacific Airlines có biểu tượng ngôi sao 5 cánh, tượng trưng cho sự tỏa sáng trên bầu trời. Nhưng 13 nắm gắn bó với hình ảnh này lại chỉ mang đến cho cổ đông của hãng những thua lỗ chồng chất.

Chuyến bay cuối thời Covid-19

Ngày cuối cùng của tháng 3/2020, Jetstar Pacific thực hiện chuyến bay cuối cùng trước khi lệnh hạn chế hàng không có hiệu lực nhằm phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Đó là chuyến bay trên đường bay vàng Hà Nội - TP HCM, nơi Jetstar Pacific đang khai thác tối đa 8 chuyến mỗi ngày.

Sau thời điểm tháng 3, khi các hãng hàng không trong nước vẫn duy trì hoạt động bay với chỉ một chuyến một ngày, thì Jetstar Pacific nằm yên chờ đợi cuộc tái cơ cấu cổ đông lần thứ ba trong gần 3 thập kỷ hoạt động của mình.

Lúc này, cổ đông nước ngoài là Qantas Airways đã ngồi lại với Vietnam Airlines, bàn thảo về tương lai của hãng bay cũng như cái tên mang theo biểu tượng khát vọng bay cao như những ánh sao. Theo kế hoạch được vạch ra, Qantas Airways sẽ từ bỏ quyền cổ đông, bàn giao lại 30% vốn cho hãng hàng không quốc gia Việt Nam - đơn vị vốn đã nắm giữ 68,85% vốn của Jetstar Pacific Airlines.

Đồng thời, hãng bay giá rẻ thuộc Vietnam Airlines cũng sẽ quay trở lại hoạt động với cái tên ban đầu là Pacific Airlines sau 13 năm. Đây được xem là cái kết cho thương vụ có giá trị 50 triệu USD cũng như tham vọng dùng Việt Nam làm cửa ngõ xâm nhập thị trường châu Á của thương hiệu hàng không nổi tiếng xứ kangaroo.

Jetstar Pacific: Ngôi sao không thể cất cánh - Ảnh 1

 

Những năm tháng lỗ triền miên

Trên thực tế, việc giữ lại Jetstar Pacific trong hệ thống không mang lại lợi ích tích cực nào cho Qantas Airways. Trong lịch sử của ngành hàng không Việt Nam, Jetstar Pacific là một trường hợp đáng tiếc, khi hãng bay này từng một mình một thị trường, là kẻ tiên phong cung cấp dịch vụ bay giá rẻ, nhưng lại không thể bật lên trở thành người khổng lồ. Thay vào đó, hãng chìm trong nợ nần vì giá vốn quá cao (do khấu hao đội bay lớn), quản trị không hiệu quả và chiến lược đầu cơ giá nhiên liệu sai lầm.

Năm 2008, ngay trước khi Qantas trở thành cổ đông, Pacific Airlines (tiền thân của Jetstar) đã ôm khoản lỗ được cho lên tới 2,2 triệu USD mỗi tháng. Số vốn 50 triệu USD mà Qantas đổ vào để đổi lấy 30% cổ phần từ SCIC và cái tên Jetstar Pacific được xem là chiếc phao cứu sinh của Pacific Airlines, giúp hãng bay này cắt lỗ.

Nhưng 3 năm đầu dưới quyền khai thác và vận hành của của SCIC lẫn Qantas, tình cảnh của Jetstar Pacific thậm chí còn bết bát hơn, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản. Năm 2011, hãng lỗ 450 tỷ đồng, dẫn tới mất khả năng thanh toán, vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng. Đây cũng là năm Vietjet Air ra đời, cạnh tranh trong nhóm hàng không phi truyền thống với Jetstar Pacific.

Việc thua lỗ kéo dài đã khiến Chính phủ từng tính đến phương án "giải tán" Jetstar Pacific. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Tài chính, năm 2012 Jetstar Pacific được tái cấu trúc một lần nữa khi Vietnam Airlines nhảy vào nắm quyền thay SCIC. Jetstar Pacific tiếp quản thêm 2 đường bay mà Air Mekong để lại, nhưng thị phần đến cuối năm lại giảm nhẹ 2% từ mức 17% của năm 2011. Đến cuối năm 2012, hãng bay này lỗ tiếp 2.500 tỷ đồng, trong đó có một phần phát sinh từ chi phí tái cấu trúc đội bay lên đến 355 tỷ đồng.

Sau gần 4 năm “vật vã” tái cơ cấu, các cổ đông của Jetstar Pacific mới thu được thành quả đầu tiên khi hãng bắt đầu có lãi hoạt động vào năm 2015. Lúc này, hãng nắm trong tay thị phần 15% (trong khi Vietjet Air là 36,3%), lãi 112 tỷ đồng. 

Đến năm 2016, điệp khúc lỗ lặp lại. Hãng này báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ đồng. Năm 2017, lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên 4.286 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ của công ty. Năm 2018, hãng ghi nhận lãi nhỏ giọt chỉ 34 tỷ đồng. Cùng với hoạt động kinh doanh thiếu khởi sắc, miếng bánh thị phần của Jetstar Pacific cũng thu hẹp đáng kể, từ mức 17% năm 2011 xuống chỉ còn 10,6% năm 2019.

Còn gì sau cuộc tình 13 năm?

Để có thể đưa ngôi sao của mình lên đuôi máy bay Jetstar Pacific Airlines, Qantas Airways đã phải chờ hơn 15 tháng, nhưng khi rời khỏi ghế cổ đông, hãng chỉ mất vỏn vẹn chưa đầy 6 tháng. Điều đặc biệt trong kế hoạch rút lui nhanh chóng này được cho là Qantas bàn giao cổ phần lại cho Vietnam Airlines mà không kèm theo điều kiện thu hồi phần vốn góp. 

Tờ The Sydney Morning Herard nhận định "cú bẻ lái" của Qantas có thể đến từ hai vấn đề chính mà hãng đang phải đối mặt: khó khăn vì Covid-19 và thị trường thiếu hấp dẫn. Qantas đã buộc phải cho nghỉ việc 27.000 nhân viên trong tổng số 30.000 nhân sự, đồng thời quyết định vừa thay đổi mô hình kinh doanh vừa cố gắng cứu vãn hoạt động của các thương hiệu tại các thị trường quan trọng hơn như Singapore, tức là phải rút chân khỏi Việt Nam.

Khi Jetstar Pacific Airlines bắt đầu bay, hãng có 3 cổ đông lớn với tỷ lệ vốn lần lượt là SCIC 70%, Qantas Airways 27%, Saigon Tourist 3%. Năm 2012, SCIC rút lui, Vietnam Airlines thế chỗ. Năm 2017, Saigon Tourist bán cổ phần, cơ cấu cổ đông lớn của hãng chỉ còn hai cái tên là Vietnam Airlines năm 68,85% và Qantas Airways 30%. Giờ đây, cả Qantas cũng "dứt tình", hàng không Việt Nam cũng không còn hãng bay Jetstar Pacific

Trong con mắt của Vietnam Airlines, Pacific Airlines đóng vai trò là mắt xích không thể thiếu trong tổng thể của tập đoàn. Giữa những kế hoạch mới về thay đổi hệ thống đặt chỗ, đồng bộ hoá mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng sẽ khởi động từ tháng 7 tới, Vietnam Airlines sẽ vẫn phải đối diện với câu chuyện lỗ đã gắn bó gần 20 năm với Pacific Airlines, trong một môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt hơn và giữa những ảnh hưởng còn chưa thể đong đếm được lên chính bản thân Vietnam Airlines giữa thời Covid-19.

Năm 1991, Pacific Airlines được thành lập, chính thức đi vào hoạt động dưới mô hình hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam.

Các cổ đông ban đầu gồm 7 đơn vị, góp vốn 40 tỷ đồng. Cụ thể, Cục hàng không dân dụng Việt Nam (Vietnam Civil Aviation) và 4 doanh nghiệp thành viên nắm giữ 86,49% vốn, Tổng công ty du lịch Sài Gòn giữ 13,06% và Công ty thương mại đầu tư phát triển Giao thông vận tải (Tradevico) nắm 0,45%.

Năm 1995, Pacific Airlines trở thành đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và từ năm 1996, là thành viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines Corporation).

Đến tháng 8/2006, phần vốn Nhà nước do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Tin Cùng Chuyên Mục