JLL: Nhiều khách sạn có thể sang tên, đổi chủ sau dịch Covid-19

Giang Phạm

Các giao dịch trên thị trường khách sạn hứa hẹn sẽ sôi động hơn khi nhiều chủ sở hữu muốn thoái vốn khỏi các khách sạn do dịch Covid-19, theo JLL.

JLL vừa công bố báo cáo về thị trường khách sạn tại Hà Nội và TP HCM trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.  

Trong đó, về giao dịch chuyển nhượng, JLL cho biết, dù TP HCM là một trong những thị trường được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam nhưng lại không có nhiều cơ hội chuyển nhượng. Không có giao dịch đáng chú ý nào được ghi nhận trong năm 2019. Còn ở thị trường Hà Nội, JLL nhận xét đây là một điểm đầu tư khách sạn hấp dẫn ở Việt Nam nhờ triển vọng về kinh tế và sự tăng trưởng ổn định của ngành du lịch.

JLL cũng cho biết, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực theo dõi thị trường khách sạn cao cấp.

"Chúng tôi kỳ vọng các khách sạn 4 và 5sao trong khu vực trung tâm sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phần lớn do sự khan hiếm đất trống để phát triển dự án mới", báo cáo đánh giá. 

Theo JLL, hạn chế về điều kiện cho vay đối với các nhà đầu tư trong nước được dự đoán sẽ thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào thị trường. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các nhà đầu tư muốn mua cổ phần trong các dự án hiện hữu.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch từ các công ty nước ngoài, các chủ sở hữu dự án bất động sản khác cũng như các giao dịch từ các dự án khách sạn vừa và nhỏ trên cả nước sau dịch Covid-19", đơn vị nghiên cứu nhận định. 

JLL cũng dự đoán sẽ có các giao dịch từ các chủ sở hữu nhiều loại hình bất động sản muốn thoái vốn khỏi khách sạn sau khi đã đánh giá các giải pháp tài chính ngắn hạn và dòng tiền cho đến khi du cầu du lịch, khách sạn và doanh thu phục hồi.

Thị trường khách sạn ở Hà Nội và TP HCM đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thị trường khách sạn ở Hà Nội và TP HCM đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo JLL, trong giai đoạn 2014 - 2019, tổng nguồn cung phòng khách sạn tại TP HCM đã tăng 6,5%. Trong khi đó, tổng lượt khách du lịch tăng với tốc độ nhanh hơn gấp đôi (trung bình 13,5%/năm). Điều này dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu khách sạn.

Doanh thu phòng bình quân toàn thị trường TP HCM đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 2,8%. Công suất phòng khách sạn tại thành phố này năm 2019 giảm 3,2% so với cùng kỳ, song doanh thu phòng bình quân vẫn tăng trưởng 0,7% nhờ vào giá phòng đạt mức tăng 5,4%.

Tuy nhiên theo JLL, kể từ khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ghi nhận vào tháng 1, doanh thu phòng ở TP HCM giảm liên tục từ tháng 2 - 4 do biện pháp phòng dịch được áp dụng chặt chẽ. Khi biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, doanh thu phòng có sự tăng trưởng trở lại. 

Đặt trong tương quan cùng giai đoạn, thị trường khách sạn Hà Nội có sự khởi sắc hơn. Trong 5 năm (từ 2014 - 2019), doanh thu phòng bình quân thị trường Hà Nội ghi nhận mức tăng 7,4%. Con số này gấp 2,6 lần thị trường TP HCM.

Nguồn cung khách sạn tại Hà Nội cũng tăng 7,6% theo năm. Tổng lượng khách du lịch tăng trưởng vượt bậc ở mức trung bình 9% mỗi năm. Sự tăng trưởng đồng bộ về nhu cầu và nguồn cung phòng khách sạn dẫn đến tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh khách sạn tại Hà Nội trong 5 năm qua.

Nếu tính riêng năm 2019, JLL ghi nhận doanh thu phòng bình quân tại Hà Nội tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số tăng ấn tượng này là nhờ vào sự tăng trưởng của cả giá phòng, công suất phòng, cùng với mức tăng 10,1% tổng lượt khách du lịch.

Nguồn cung phòng khách sạn của Hà Nội đã tăng 7,1% trong năm 2019 và dự kiến sẽ tăng 3,6%/năm trong giai đoạn 2020-2022.

Đề cập đến tác động của Covid-19, báo cáo của JLL chỉ ra, cũng giống như TP HCM, doanh thu phòng bình quân thị trường Hà Nội giảm liên tục từ tháng 2 - 4 do ảnh hưởng từ biện pháp phòng dịch. Đến tháng 5, chỉ số doanh thu phòng ghi nhận mức tăng 33,4%, cao gấp 4,7 lần so với mức tăng của TP HCM (7,1%).

Điều này nhờ vào việc các khách sạn ở Hà Nội thu hút nhu cầu du lịch của khách nội địa và khách doanh nghiệp từ khu công nghiệp ở tỉnh lân cận, nơi ít bị ảnh hưởng do tác động của việc đóng cửa biên giới.

Tin Cùng Chuyên Mục