Kềm Nghĩa và ước mơ chinh phục thế giới

Trần Loan

Thị trường xuất khẩu luôn là miền đất hứa của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Vì thế, làm sao để chinh phục được thị trường các nước, mang sản phẩm công ty đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng nước ngoài, để khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế là một xu hướng mà chúng ta phải hướng tới.

Học hỏi từ các DN quốc tế

- Kềm Nghĩa được biết đến với sản phẩm làm đẹp móng từ các thương hiệu uy tín, thời gian gần đây không thấy Công ty chú trọng đầu tư hạng mục này?

Trước đây, chúng tôi có sản xuất và mua bán các sản phẩm làm đẹp móng, nhưng hiện tại chúng tôi không làm nữa.

Kềm Nghĩa và ước mơ chinh phục thế giới - Ảnh 1
Ông Nguyễn Minh TuấnChủ tịch Hội đồng Quản trị,kiêm Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phẩn Kềm Nghĩa.

Không phải do thương vụ này mang lại lợi nhuận thấp mà chính là do chúng tôi muốn tập trung đầu tư toàn bộ nguồn lực cho kềm và dụng cụ chăm sóc móng, sản phẩm sở trường của Kềm Nghĩa có năng lực cạnh tranh cao.

Người Việt có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tôi nghĩ câu nói đó rất đúng. Khi chúng ta tập trung thời gian và công sức , trí tuệ vào một việc thì việc đó mới được trau chuốt, tinh tế và mới thành công.

- Được biết, hiện tại ông đang triển khai Dự án bò KOBE. Đến thời điểm nào ông mới tung ra thị trường sản phẩm đặc trưng này?

Tên đầy đủ của Dự án là “Nuôi bò KOBE Việt Nam”. Chúng tôi chọn tên này với mong muốn tạo ra được sản phẩm chất lượng và danh tiếng như sản phẩm bò KOBE nổi tiếng thế giới tại chính đất nước của chúng ta.

Chứ không phải sản phẩm bò mà chúng tôi sản xuất tên là bò KOBE. KOBE chỉ là một thương hiệu, còn giống bò Nhật cao cấp này tên chính xác là giống bò Wagyu.

Dự án bò KOBE bắt đầu xây dựng từ năm 2009, chúng tôi tiến hành nhập những con bò sữa giống Hà Lan (Holstein Friesian) đầu tiên vào cuối năm 2011 và tiến hành thụ tinh nhân tạo tinh bò Wagyu nhập từ Mỹ vào những con bò sữa HF này, mục đích để sinh ra thế hệ bò mang dòng máu Wagyu F1, vì bò giống Wagyu không thể nhập trực tiếp từ Nhật Bản.

Bò Wagyu F1 đầu tiên được sinh ở trang trại vào tháng 11 năm 2012. Sau hơn 32 tháng nuôi thì tháng 10 năm 2015 công ty xuất bán sản phẩm đầu tiên với tên thương hiệu là Bò KVB Kuroge.

Từ những bước sơ khai, đến nay Kềm Nghĩa được xem là DN có tầm ảnh hưởng khá lớn trên thị trường.

- Ông có thể chia sẻ một chút về quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm?

Khi bàn về một công việc, một thương vụ, một dự án đầu tư hay một thành quả kinh doanh, chúng ta hay nói về cái được, cái mất.

Nhìn từ góc độ cá nhân, có thể tôi đã mất rất nhiều thời gian, nhưng đối với tôi, đó không phải là mất mà có khi còn là được.

Tôi say mê công việc và tôi đã học rất nhiều từ công việc, nó đã giúp tôi trưởng thành và trở thành một chủ DN có kinh nghiệm, biết chân trọng giá trị của lao động, biết về quản trị doanh nghiệp, nhất là quản trị nguồn nhân lực, làm sao để nguồn nhân lực đó phát huy được thế mạnh của mình, khai thác được những khả năng tiềm ẩn và cống hiến cho DN.

Ngoài ra tôi còn học được những bài học về thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các kỳ hội chợ, những điều mới lạ, hữu ích từ các DN quốc tế…

Tin tưởng vào hướng phát triển

- Kềm Nghĩa đang từng bước chuyển mình khi tập trung đầu tư mở rộng thị trường các nước, vì sao đến bây giờ ông mới làm việc này?

Không phải năm 2016 Kềm Nghĩa mới tập trung đầu tư mở rộng thị trường nước ngoài mà việc khẳng định vị thế của sản phẩm kềm “Made in Viet Nam” trên thế giới đã bắt đầu từ 10 năm trước đây (2006).

Tuy nhiên, chúng tôi rất tin tưởng vào hướng phát triển “ăn chắc, mặc bền”, “chậm nhưng chắc”, vì vậy chúng tôi luôn đi từng bước có tính toán. Trong những năm qua, chúng tôi liên tục nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm , giảm giá thành nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc làm bệ phóng cho cây kềm Nghĩa đi chinh phục thị trường thế giới. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn mà Kềm Nghĩa đang rất kỳ vọng phát triển mạnh.

Lợi thế của thị trường Mỹ là cộng đồng người gốc Việt đang kiểm soát nghề nail và đang phát triển mạnh.

Tại thị trường này, sản phẩm Kềm Nghĩa đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình nên việc mở rộng, thâm nhập sâu vào thị trường là có khả năng. Còn Trung Quốc là một thị trường mới nổi rất lớn với số lượng người tiêu dùng “khủng”, nghề nail đang phát triển nhanh nên nhu cầu sử dụng sản phẩm, dụng cụ chăm sóc móng gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên khó khăn ở thị trường này là hàng giả, hàng nhái tràn lan, song chúng tôi cũng đã có sẵn nhiều giải pháp đối phó. Trong những năm tới,Trung Quốc sẽ là một thị trường điểm của Kềm Nghĩa.

- Ông có thể cho biết những định hướng phát triển và chiến lược của Kềm Nghĩa trong thời gian tới?

Trong thời gian tới chúng tôi đang tập trung củng cố và xây dựng nền tảng sản xuất vững chắc để tiến tới mục tiêu lớn hơn, trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong ngành sản xuất dụng cụ chăm sóc móng.

Việc chinh phục thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ và Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn quốc, Đông Nam Á , EU và Nga là những điểm đến chính trong việc mở rộng thị trường. Dự định tăng doanh thu của Kềm Nghĩa lên gấp đối thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm kềm như là sản phẩm chăm sóc cá nhân, sử dụng riêng và bảo quản kỹ như sản phẩm y khoa để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra việc chuẩn hóa chuyên môn đội ngũ sản xuất và đội ngũ hỗ trợ cũng rất cần thiết, chúng tôi cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình để có thể hội nhập với thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục