Kết luận điều tra mới vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Luật sư đánh giá “vẫn bình mới, rượu cũ”

Tùng Anh

Ngày 19/3, CQĐT Công an Bình Dương ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung lần hai (sau khi tòa trả hồ sơ ngày 24/12/2019).

KLĐT này tách vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mà ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư Bến Cát) bị cáo buộc giúp sức cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, hai cán bộ BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn); và vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với 4 người khác để truy tố riêng.

Ông Khanh “giúp sức” như thế nào?

KLĐT nêu năm 1997, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã chết) và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976) mua được khoảng 23,4ha đất tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, TX Bến Cát. Trong đó cụ Hiệp đứng tên quyền sử dụng đất (QSDĐ) khoảng 13,7ha, bà Hảo 9,7ha.

Năm 2000, cụ Hiệp và bà Hảo thành lập Công ty TNHH SXTM An Tây. Năm 2008, cụ Hiệp thành lập thêm Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp. Từ 2005  2008, cụ Hiệp vay tín chấp của BIDV và thế chấp tài sản bảo đảm là toàn bộ 23,4ha đất trên. Năm 2011, BIDV tính toán nợ xấu của cụ Hiệp là hơn 96 tỷ, đã trích lập dự phòng rủi ro để xử lý và đưa vào danh sách ngoại bảng.

Kết luận điều tra mới vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Luật sư đánh giá “vẫn bình mới, rượu cũ” - Ảnh 1

Ông Khanh trong một phiên xử

Cuối năm 2012, BIDV tiến hành xử lý tài sản thế chấp. Theo KLĐT thì việc xử lý tài sản thế chấp diễn ra 6 lần là QSDĐ.

Lần thứ nhất, cụ Hiệp rao bán một phần diện tích đất thế chấp. Thông qua “cò”, ông Khanh hỏi mua. Cụ Hiệp đưa ra giá bán 700 triệu/ha và cho biết đất đang bị thế chấp. Ông Khanh yêu cầu xem “sổ đỏ” và phải có sự xác nhận của ngân hàng đồng ý về việc cho cụ Hiệp bán đất thế chấp.

Cụ Hiệp đến ngân hàng gặp ông Hùng và ông Lộc nói về việc bán đất trả nợ và đề nghị được giữ lại một phần tiền để sử dụng kinh doanh, sản xuất; được đồng ý.

Cụ Hiệp có văn bản đề nghị bán gửi ngân hàng nhưng ông Hùng và ông Lộc không trả lời bằng văn bản thỏa thuận giá bán, hình thức thanh toán, kiểm soát quá trình thanh toán, bàn giao… Ông Hùng chỉ đạo cho ông Lộc đồng ý để cụ Hiệp bán đất cho ông Khanh.

Ngày 16/12/2013, cụ Hiệp, ông Khanh và ông Lộc ký hợp đồng mua bán không thể hiện ngày tháng (không có công chứng) nêu diện tích bán là hơn 5ha, số tiền 3,37 tỷ. Hình thức thanh toán là ông Khanh chuyển khoản cho An Tây 2 tỷ, còn lại đưa tiền mặt cho cụ Hiệp.  

Ông Hùng cho trích xuất “sổ đỏ”. Ngân hàng và cụ Hiệp đo đạc, tách sổ bán cho ông Khanh. Sau đó “sổ đỏ” 5,3ha được giải chấp và ngày 28/12/2013 thì ký hợp đồng mua bán có công chứng giữa cụ Hiệp và bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh).

Lần thứ hai diễn ra vào năm 2015, việc mua bán tiến hành gần tương tự như lần thứ nhất với diện tích 5,2ha với số tiền trên hợp đồng 2,7 tỷ.

Lần thứ ba, diện tích 2ha được định giá 3,9 tỷ. Bà Phương Anh có văn bản đề nghị mua với giá 3 tỷ. Ngân hàng đồng ý và giải chấp. Ngày 15/5/2015, cụ Hiệp và bà Phương Anh ký hợp đồng mua bán có công chứng.

KLĐT bổ sung nêu ra một số vấn đề để cho rằng ông Hùng, ông Lộc đã vi phạm khi xử lý tài sản thế chấp. Thứ nhất, không có văn bản thỏa thuận giữa ngân hàng và cụ Hiệp về giá, phương thức thanh toán, kiểm soát… nên tài sản trên phải được bán đấu giá. Thứ hai, không định giá tài sản. Thứ ba, việc để cụ Hiệp nhận một phần tiền khi xử lý tài sản thế chấp là vi phạm.

Căn cứ mà CQĐT cáo buộc ông Hùng và ông Lộc phạm tội là dựa vào khoản 1 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP; còn lại là vi phạm vào các quy chế của nội bộ BIDV.

Việc cáo buộc ông Khanh đồng phạm giúp sức được KLĐT nêu như sau: Ở lần thứ nhất, ông Khanh biết việc cán bộ ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp nhận một phần tiền mặt khi xử lý tài sản thế chấp là trái luật nhưng vẫn thực hiện. Ở lần thứ hai, ông Khanh khi chuyển tiền vào tài khoản An Tây dư 97 triệu so với hợp đồng mua bán, nên cho rằng có sự bàn bạc, thống nhất với cán bộ ngân hàng trong việc thanh toán tiền khi mua tài sản thế chấp.

Ở lần thứ ba, cũng như hai lần trước, ông Khanh bị cáo buộc biết việc thanh toán ngoài bằng tiền mặt cho cụ Hiệp là trái quy định về xử lý nợ nên là giúp sức cho tội phạm. 

Với cụ Hiệp, KLĐT cho rằng có hành vi phạm tội nhưng đã chết nên không truy cứu. KLĐT cho rằng căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng định giá thường xuyên thì thiệt hại của Nhà nước trong vụ này là 26 tỷ.

Với vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan khu đất của cụ Hiệp với các bị can khác, CQĐT cho biết sẽ được tách ra điều tra, xử lý riêng.

Kết luận điều tra mới vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Luật sư đánh giá “vẫn bình mới, rượu cũ” - Ảnh 2

KLĐT bị đánh giá là chứng cứ buộc tội yếu

Luật sư: “Dấu hiệu cố buộc tội bằng được với ông Khanh” 

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) nhận định: “KLĐT bổ sung không có gì mới so với những cáo buộc ở phiên tòa trước đây”.

Việc kết tội ông Hùng, ông Lộc vẫn chỉ dựa vào ba yếu tố là tài sản thế chấp phải bán đấu giá; phải thu tất cả tiền về ngân hàng chứ không được trả ngoài; xác định tài sản nhà nước bị thiệt hại. Với ông Khanh là dựa vào thỏa thuận ba bên.

“Tại phiên tòa hồi tháng 12/2019, luật sư đã phản bác lập luận “phải bán đấu giá”. Khoản 1 Điều 58 Nghị định 58 nói rõ “nếu không có thỏa thuận thì bán đấu giá”. Đại diện ngân hàng xác nhận điều khoản trong hợp đồng tín dụng được xem là thỏa thuận. Trong hợp đồng tín chấp nêu rõ cụ Hiệp được quyền bán tài sản thế chấp để trả nợ. Và BIDV xác nhận việc đồng ý cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp mà không cần phải đấu giá là đúng. Vậy CQĐT nói phải có thỏa thuận bằng văn bản dựa vào quy định nào? Như vậy, ông Hùng và ông Lộc không hề phạm tội”, LS Quynh nói.

“Thứ hai, về việc đồng ý cho cụ Hiệp nhận một phần tiền mặt thì hành vi này vi phạm vào tội danh khác. Và nếu có tội danh này được xác định thì không thuộc thẩm quyền điều tra của tỉnh Bình Dương”.

“Thứ ba, về tài sản nhà nước, chính đại diện VKS khẳng định tài sản nhà nước bị thất thoát là vốn của Nhà nước tại BIDV. Vậy hành vi làm thất thoát tài sản nhà nước này cũng không thuộc thẩm quyền điều tra của tỉnh Bình Dương”.

“BIDV ở thời điểm xử lý tài sản thế chấp của cụ Hiệp là ngân hàng cổ phần, nhưng KLĐT cũng không nêu được tài sản nhà nước bị thất thoát là bao nhiêu? 26 tỷ là toàn bộ tài sản thất thoát khi xử lý tài sản thế chấp, gồm cổ đông nhà nước và cổ đông khác, hay chỉ của Nhà nước?”, LS Quynh phân tích.

Về việc ông Khanh tiếp tục bị quy là đồng phạm giúp sức, LS Quynh nói đó là sự suy đoán không có chứng cứ. Quy trình xử lý tài sản thế chấp như thế nào, ông Khanh là người mua thì luật không buộc phải biết. Ông Khanh là người mua đất của cụ Hiệp, không mua của ngân hàng. BIDV, cụ Hiệp và ông Khanh không hề có giao dịch trực tiếp nào để nói rằng các bên này cấu kết, thỏa thuận với nhau.

“Ông Khanh mua bán với cụ Hiệp, thanh toán theo phương thức đã thỏa thuận. Tiền chuyển vào tài khoản cũng là tài khoản của cụ Hiệp hoặc An Tây (mà cụ Hiệp cũng là đại diện pháp luật) chứ không chuyển vào tài khoản BIDV. Còn việc từ tài khoản của cụ Hiệp sang ngân hàng như thế nào, ông Khanh không liên quan”, LS Quynh nêu.

“Trước đây gộp hai vụ án thành một để điều tra, truy tố, xét xử. Sau khi giam giữ bị cáo hai năm, bị trả hồ sơ thì tách ra để điều tra riêng. Như vậy là tùy tiện. Liên quan khu đất cụ Hiệp, có 4 vụ án khởi tố, nhưng đến nay ba vụ khác đã tách ra để xử lý sau. Còn duy nhất vụ án mà ông Khanh bị điều tra thì bị đề nghị truy tố. Chúng tôi có quyền nghi ngờ có dấu hiệu cố buộc tội bằng được với ông Khanh”, LS Quynh nói. 

Tin Cùng Chuyên Mục