Khách sạn phố cổ rao bán, giá giảm hơn nửa triệu đô

Giang Phạm

Trong vài tháng, chủ nhân một số khách sạn ở phố cổ Hà Nội đã chấp nhận giảm giá cả chục tỷ đồng song chưa thể giao dịch.

Trên phố Hàng Buồm, một khách sạn cuối năm ngoái rao bán 75 tỷ đồng, gần đây trong bối cảnh dịch bệnh, hiện chủ nhân chấp nhận hạ xuống 60 tỷ đồng. Mức giảm tương đương 650.000 USD, song hiện vẫn chưa có giao dịch. 

Không khó để tìm thấy các tấm biển rao bán khách sạn 2-3 sao ở khu vực phố cổ. Mức giá bán dao động từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. 

Nằm cách hồ Hoàn Kiếm có 200m, dù không quá dài nhưng phố Hàng Hành, Bảo Khánh tập trung nhiều khách sạn lớn nhỏ và thường nhộn nhịp khách nước ngoài. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ, các khách sạn trên phố đóng cửa dài, có khách sạn còn treo biển rao bán từ vài tháng nay.

Một khách sạn trên phố Hàng Bè treo biển bán với giá 69 tỷ đồng. Ảnh: Vy Khanh
Một khách sạn trên phố Hàng Bè treo biển bán với giá 69 tỷ đồng. Ảnh: Vy Khanh

Anh Hùng, chủ một khách sạn 3 sao còn đang kinh doanh trên phố Bảo Khánh chia sẻ, lượng đặt phòng tại khách sạn phố cổ đa phần là khách quốc tế. Vậy nên khi Covid-19 ập đến, Việt Nam ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, các khách sạn trên phố cổ đều "đóng băng". 

Nguồn thu gần như không có, song khách sạn vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, bảo trì, bảo dưỡng khách sạn, tiền điện, nước... "Vào tháng 5, để tiết kiệm chi phí, khách sạn buộc cắt giảm 80% nhân viên. Có người chủ động xin nghỉ đi tìm việc khác, cũng có nhân viên xin ở lại, chấp nhận nhận 60% lương vì không tìm được việc khác", anh Hùng chia sẻ.

Cách đó vài căn nhà, chị Lan, chủ khách sạn 6 tầng, rộng 110m2 trên mặt phố Bảo Khánh đang treo biển rao bán với giá 60 tỷ đồng. Trước đó, 16 phòng khách sạn cùng 120 giường gần như kín chỗ, công suất phòng đạt tới 80 - 90% nhưng nay thì hầu như chẳng còn thu được đồng nào. 

"Trước khi xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi tháng khách sạn thu về gần 400 triệu đồng, trừ chi phi, lợi nhuận cố định là 250 triệu/tháng. Tuy nhiên từ Tết đến nay, khách sạn gần như không có khách, thiệt hại lên tới cả tỷ đồng mỗi tháng", chị Lan nói.

Do phải trả lãi ngân hàng hàng tháng số tiền lớn, mà không biết đến bao giờ mọi chuyện mới trở lại bình thường nên chị buộc rao bán khách sạn với giá 60 tỷ. 

Một khách sạn nằm gần ở phố đi bộ Tràng Tiền có diện tích 374m2 với 65 phòng được rao bán với giá 650 triệu/m2 (khoảng 254 tỷ đồng). Khách sạn có mặt tiền rộng 9m được chính chủ rao bán gấp với lý do kinh doanh đình trệ và muốn thu hồi vốn nhanh.

Anh Thăng, một môi giới nhà đất phố cổ chia sẻ khoảng vài tháng nay số lượng khách sạn rao bán nhiều, tập trung chủ yếu ở phân khúc khách sạn 2 - 3 sao, khách sạn mini. Tuy nhiên, theo anh số lượng giao dịch thành công rất hiếm hoi.

"Chỉ một số khách sạn chấp nhận hạ giá mạnh mới trôi hàng nhanh. Còn một số tài sản vẫn neo giá ở mức cao thì khó bán và bản thân môi giới cũng thấy không phải giá hời, khó tư vấn khách mua", anh Thăng nói và cho biết, cả bên bán và mua vẫn đang ngóng chờ tín hiệu hậu dịch bệnh.  

Báo cáo thị trường khách sạn nửa năm đầu 2020 của Savills cho biết công suất khách sạn 3-5 sao tại Hà Nội chỉ đạt 21%, giá phòng trung bình giảm 24% so với năm trước, xuống còn 85 USD/phòng/đêm (khoảng 2 triệu đồng). Cùng với đó, doanh thu phòng trung bình của khách sạn 3 - 4 sao cũng giảm tới 60%.

Hiện các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4-5 sao vẫn cầm cự được đến thời điểm này. Các khách sạn 2-3 sao hoặc khách sạn gia đình, khách sạn mini đang gặp nhiều áp lực hơn vì không có khách. 

Với việc mở cửa đường bay quốc tế trở lại, ngành khách sạn và du lịch Việt Nam hy vọng sẽ có thể khởi sắc hơn. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trường hợp khả quan nhất là du lịch Việt Nam trong năm 2020 sẽ đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, song vẫn giảm tới 70% so với năm ngoái.

Tin Cùng Chuyên Mục