Khám phá sản vật Miền Nam Việt Nam (Kỳ 1): sầu riêng Lái Thiêu, măng cụt Lái Thiêu, bún tôm Châu Trúc, bánh bèo bì chợ Búng

Thành Trung

Bình Dương không chỉ thu hút du khách bởi những địa điểm du lịch nổi tiếng, mà nơi đây còn nổi tiếng bởi những sản vật quý được thiên nhiên ban tặng. Có thể kể đến như sầu riêng, măng cụt,... những vườn trái cây trĩu quả và các món ăn ngon đậm đà bản sắc Nam Bộ.

SẢN VẬT BÌNH DƯƠNG

Sầu riêng Lái Thiêu

Trong những loại trái cây ở đất Lái Thiêu của xứ Bình Dương, trái sầu riêng được liệt vào hàng ngon, bổ nhất, đắt giá nhất, lại khó trồng nhất.

Lái Thiêu là vùng đất tốt nên trồng loại cây ăn trái nào cũng ra hoa kết trái nhiều và ăn ngon, trông đẹp mắt... Ngày nay, cây sầu riêng được nhân giống trồng ở nhiều tỉnh, nhưng trái không ngon bằng trái sầu riêng trồng ở Lái Thiêu.

Khám phá sản vật Miền Nam Việt Nam (Kỳ 1): sầu riêng Lái Thiêu, măng cụt Lái Thiêu, bún tôm Châu Trúc, bánh bèo bì chợ Búng - Ảnh 1

Cây sầu riêng là một cây cao lớn, có cây cao tới 20-25m. Lá hình bầu hơi dài, hoa mọc ở nhánh, trái to, vỏ có gai nhọn. Mỗi trái có từ 2-5 múi, mỗi múi có từ 1-5 hột lớn, hột có bao bọc một lớp cùi hay còn gọi cơm mềm, màu trắng vàng, giống như múi mít mật. Trái sầu riêng lúc chín có một mùi đặc biệt, từ trong cơm mềm qua vỏ ra ngoài.

Cơm trái sầu riêng ăn bùi, béo, ngọt dịu, lại có mùi đặc trưng. Người ăn quen thì sầu riêng rất bổ, nó giúp nhuận tràng cho những người mắc bệnh táo bón, trẻ con ăn sầu riêng rất có lợi. Người lớn, người già ăn sầu riêng thấy dễ tiêu, đỡ mệt mỏi. Những người da khô hay nứt nẻ, nhất là phụ nữ ăn nhiều sầu riêng sẽ làm cho da nhẵn mịn.

Măng cụt Lái Thiêu

Lái Thiêu là một vựa trái cây nổi tiếng nhất nhì Nam Bộ. Ở đây có đủ loại trái cây thơm ngon nức tiếng, nào sầu riêng, chôm chôm, xoài, mít tố nữ,...nhưng nổi tiếng nhất là sầu riêng và măng cụt.

Khám phá sản vật Miền Nam Việt Nam (Kỳ 1): sầu riêng Lái Thiêu, măng cụt Lái Thiêu, bún tôm Châu Trúc, bánh bèo bì chợ Búng - Ảnh 2

Những vườn măng cụt ở Lái Thiêu rộng đến hàng chục hecta với hàng ngàn cây, mỗi cây cho hàng trăm quả. Trái măng cụt ở Lái Thiêu to như trái quýt, màu da tím sẫm như màu sim chín, vỏ cứng và dày, cuống to ngắn dính liền với 4-5 cái tai.

Mỗi trái măng cụt có từ 5-7 múi, mỗi múi có một hạt mềm bé tý tẹo. Vị quả thoáng chua, hương thơm thoang thoảng. Khi ăn chỉ cần lấy dao cắt khoanh ngang quả rồi nhấc phần vỏ phía trên lên, lúc đó các múi quả nằm gọn ở phần vỏ quả phía dưới, chỉ cần đưa lên miệng là cảm nhận ngay được cái vị thanh thanh, ngọt ngọt tuyệt vời của nó.

Giống măng cụt có nguồn gốc từ Malaysia, khi di cư vào Nam Bộ nó lại hợp đất và khí hậu rồi trở thành một loại trái cây đặc sản nức tiếng cả nước. 

Bún tôm Châu Trúc

Người Châu Trúc (Phù Mỹ, Bình Dương) sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này đã tạo nên một món ăn thú vị - món Bún tôm Châu Trúc, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động tại đây.

Bún được làm ra từ gạo, kết hợp với tôm đất đánh bắt từ đầm lên, đơn giản vậy mà ai đã từng ăn một tô thì cứ nhớ da diết về cái khẩu vị mộc mạc, nồng nàn, mong có ngày được thưởng thức một lần nữa.

Bún tôm Châu Trúc ngày nay ngoài tôm giã còn có thêm tôm luộc để hấp dẫn hơn.
Bún tôm Châu Trúc ngày nay ngoài tôm giã còn có thêm tôm luộc để hấp dẫn hơn.

Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải treo lên cho ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn.

Mỗi cối bột là một khuôn. Khuôn ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy có nhiều lỗ li ti. Thân khuôn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún được bắc trên bếp lò. Khi nước sôi, người ta ép bún từ khuôn qua các lỗ nhỏ chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong. Dùng rá vớt bún từ nồi luộc, xóc sơ qua trong nước nguội là hoàn tất.

Tôm đất được đánh bắt từ dưới đầm. Ở Châu Trúc, nhà nào cũng có từ vài chục đến vài trăm chiếc giẹp đan bằng tre để bắt tôm. Mồi nhử tôm được làm bằng bột cám mịn rang đến độ thơm lừng trộn với xương bò đốt cháy, nặn thành từng viên rồi bỏ vào trong giẹp.

Chạng vạng tối, người ta đi thả giẹp, tờ mờ sáng thu về. Một trăm giẹp một đêm cũng được vài ba ký tôm. Tôm dùng làm nước bún phải là những con tôm sống, tươi ngon. Sau đó, người ta rửa sạch tôm cho vào cối đá giã nhuyễn cùng với vài củ hành tươi.

Bánh bèo bì chợ Búng

Được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì chợ Búng (Bình Dương) mang hương đậm đà đặc biệt. Bánh có vị thịt trộn thính ăn cùng mắm ớt.

Khám phá sản vật Miền Nam Việt Nam (Kỳ 1): sầu riêng Lái Thiêu, măng cụt Lái Thiêu, bún tôm Châu Trúc, bánh bèo bì chợ Búng - Ảnh 3

Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng đổ gạo nguyên được vo đãi thật kỹ. Ngày trước, phần lớn người ta nấu bằng gạo đỏ, một loại gạo ngon. Do vậy, muốn đổ bánh bèo thật ngon phải quấy cho nhuyễn tới lúc các hạt gạo tan thành bột đặc quánh trong nồi, rồi đem trộn chung với nước cốt dừa. Quấy được nồi bột với nước dừa ưng ý mới đổ vào khuôn bánh bèo rồi đem hấp cho thật chín.

Tiếp đó là dùng đậu xanh đãi vỏ nấu thật nhừ, quấy đều, làm nhân phết trên mặt bánh bèo. Thịt heo tẩm với nước dừa, đem thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, rải thính vào cho thơm và thấm đều. 

Tô nước mắm chua ngọt tỏi, ớt, chanh được pha sẵn. Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn rồi chan nước mắm. Gia vị chủ lực là mùi thịt thái nhỏ trộn thính, ớt tươi cay, mùi vị thơm hòa quyện cùng bột bánh, nhân đậu xanh, vừa bùi, vừa béo với các loại rau sống đi kèm.