Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 11): thốt nốt Bảy Núi, bánh canh Vĩnh Trung, lá giang núi Sam, bánh phồng Phú Mỹ

Thành Trung

An Giang là một trong những địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ với hệ sinh thái động thực vật mang đặc trưng sông nước. Đặc biệt, vùng đất An Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật ngon khó quên mà không phải địa phương nào cũng có.

SẢN VẬT AN GIANG

Thốt nốt Bảy Núi

Cây thốt nốt thuộc loại họ cau, sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Guinea...

Cây có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xòe tròn như lá cọ. Thốt nốt cho những chùm quả lớn hình hơi tròn màu nâu hoặc màu hạt dẻ. Quả thốt nốt khi bổ ra là những múi nhỏ, trắng phau, nhiều nhựa, có mùi thơm rất lạ và cũng là một món ăn chơi, giải khát rất bổ dưỡng được nhiều mọi người yêu thích.

Nước và quả thốt nốt.
Nước và quả thốt nốt.

Nước thốt nốt là thứ nước được lấy từ vòi hoa của loài cây thốt nốt cao vút tán tròn. Để có những ly nước ấy, chiều hôm trước, người ta phải leo lên ngọn cây cao từ 15 - 20m, dùng dao cắt đầu cuống bông cho dịch chảy vào ống tre, sáng hôm sau đem xuống. Thứ nước giải khát đặc biệt này rất ngọt, thơm và ngon hơn nước dừa.

Đường thốt nốt.
Đường thốt nốt.

Ngoài ra, thốt nốt còn được người ta làm thành một loại đường có màu mỡ gà. Để có loại đường này, người ta cho dịch thốt nốt vào chảo lớn, vừa đun và quấy đều tay. Hơi nước bốc hơi hết, dịch sệt lại, cho vào khuôn, thành từng viên đường nhỏ. Loại đường này rất đa dụng, đặc biệt khi nấu chè sẽ cho hương vị tuyệt vời bởi mùi thơm dịu và vị ngọt thanh tao mà đường cát không thể sánh bằng.

Bánh bò thốt nốt.
Bánh bò thốt nốt.

Độc đáo hơn cả là bánh bò thốt nốt. Người dân nơi đây lấy gạo Neang Nhen - đặc sản Bảy Núi, xay thành bột, ủ một đêm cho lên men, hoặc gạo xay xong, đem phơi khô và cất trong vòng một năm mới cho thứ bánh không mềm nhão. Sau đó lấy bột trộn với phần cơm dày bên trong thốt nốt và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối, xong đem hấp.

Chừng một tiếng đồng hồ, theo hơi nóng bốc ra từ nắp là mùi thơm ngào ngạt gọi mời lan tỏa khắp xung quanh. Bóc gói lá ra, bánh thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt.

Bánh canh Vĩnh Trung

Nếu có dịp về Bảy Núi, An Giang sẽ là một thiếu sót nếu du khách không dành chút thời gian thưởng thức món bánh canh Vĩnh Trung. Món đặc sản người Khmer vùng biên giới An Giang này được sánh ngang với bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh và bánh canh Bến Có Trà Vinh nức tiếng.

Góp phần làm nên sự khác biệt và thương hiệu của bánh canh Vĩnh Trung là cọng bánh canh dẹp, so với bánh canh ở những nơi khác cọng tròn như đầu đũa. Sợi bánh có độ dẻo, dai, thơm bởi được làm từ gạo thơm Neang Nhen - một loại lúa mùa trồng ở vùng cao của người Khmer vùng Bảy Núi.

Bánh canh Vĩnh Trung.
Bánh canh Vĩnh Trung.

Ban đầu, gạo được ngâm qua đêm, vo sạch. Tiếp đó, cho vào cối xay và bòng đến khi ráo nước rồi nhào thật kỹ. Khi ăn, lấy một lượng bột vừa phải cán mỏng bột lên chai thủy tinh và xắt thành cọng thả trực tiếp vào nước đang sôi.

Bánh chín được vớt ra tô, cho giò heo xắt khoanh, thịt gà chặt miếng, bò viên xắt làm đôi, cá xé miếng xếp lên rồi chế nước dùng vào ngập bánh. Song cái độc đáo của bánh canh là ở chỗ nước mắm chấm đặc chế, bánh canh Vĩnh Trung mà chấm với nước mắm thường thì mùi vị lợt lạt, mất đi vị đậm đà.

Lá giang núi Sam

Nếu có dịp về miền Tây Nam Bộ thì chắc hẳn du khách sẽ được thưởng thức món canh chua cá lá giang, một món ăn nổi tiếng của vùng sông nước Nam Bộ.

Canh chua cá lá giang.
Canh chua cá lá giang.

Món canh chua ngọt thì chất chua chính là từ chanh, me,.... cá đi kèm là cá lóc, cá mè, cá bông,... Chất chua của nồi canh còn tuỳ thuộc vào từng địa phương. Miền Bắc thường dùng quả sấu làm chất chua, còn vùng sông nước Nam Bộ dùng quả dứa thay cho me chưa đến mùa chín. Còn ở vùng Bảy Núi, An Giang thì bà con địa phương lại sử dụng một loại lá đặc biệt cho món canh chua, đó là lá giang.

Lá giang - một loại lá đặc biệt có vị chua thanh đặc biệt.  
Lá giang - một loại lá đặc biệt có vị chua thanh đặc biệt.  

Có thể nói đây là một sản vật của địa phương. Lá giang tựa như lá bông giấy, thân dây, vị chua thường mọc ở vùng rừng núi. Theo người dân sống ở vùng núi Sam - Châu Đốc thì mùa lá giang cho hương vị ngon nhất là vào mùa mưa (tháng 4 đến tháng 10 âm lịch).

Đây cũng là mùa có lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam nên món canh chua cá lá giang của bà con nơi đây được đông đảo du khách khắp nơi biết đến. Một điều khá thú vị là lá giang được hái ở sườn Đông của núi Sam thì lại cho hương thơm, vị chua ngon hơn lá giang được hái ở sườn Tây. Có thể do lá giang mọc ở sườn Đông được nhận những tia nắng ban mai nên có hương vị ngon hơn lá giang mọc ở sườn Tây.

Bánh phồng Phú Mỹ

Chiếc bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái đĩa nhưng khi nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, có vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng,... tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

Bánh phồng Phú Mỹ được bày bán nhiều ở các hàng quán ở An Giang.
Bánh phồng Phú Mỹ được bày bán nhiều ở các hàng quán ở An Giang.

Nguyên liệu làm bánh phồng là loại nếp đặc sản được trồng tại địa phương, Khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, chỉ có 4 hộ dân làm nghề sản xuất bánh phồng bỏ mối cho những người gói bán xôi hay dịp Tết cúng ông bà đêm giao thừa. Theo thời gian, thị trấn Phú Mỹ hình thành nên nhiều cơ sở sản xuất bánh phồng lớn tạo nên làng nghề bánh phồng nổi tiếng của tỉnh An Giang.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 11): thốt nốt Bảy Núi, bánh canh Vĩnh Trung, lá giang núi Sam, bánh phồng Phú Mỹ - Ảnh 1

Để làm ra một chiếc bánh phồng đòi hỏi nhiều công đoạn và công sức của người làm bánh. Đầu tiên, phải chọn nguyên liệu là loại nếp thơm ngon, đặc sản của địa phương.

Sau đó ngâm đúng 3 ngày 3 đêm, đãi cho sạch nước đục đem đun sôi rồi bỏ vào cối quết, bột nhuyễn đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các phụ gia như đậu, mè, sữa… được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn.

Bánh phồng Phú Mỹ ăn cùng gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá…
Bánh phồng Phú Mỹ ăn cùng gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá…

Bánh phồng Phú Mỹ mua về, chiên hoặc nướng lên để thưởng thức. Bánh phồng để múc ăn các loại gỏi như gỏi tôm, gỏi cá, gỏi đu đủ, gỏi khô bò, …bánh và  gỏi hòa quyện với nhau tạo nên hương vị rất ngon, ăn hoài không bị ngán.