Khám phá sản vật Miền Nam Việt Nam (Kỳ 6): bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, mận Trung Lương, nhãn Nhị Quý, dưa hấu Gò Công

Thành Trung

Tiền Giang là một tỉnh trọng điểm về du lịch ở miền Tây Nam bộ do có nhiều lợi thế về tài nguyên và vị trí địa lý. Ngoài các điểm tham quan sinh thái nổi tiếng thì sự độc đáo về sản vật nơi đây cũng là thế mạnh để thu hút khách du lịch gần xa.

SẢN VẬT TIỀN GIANG (Phần 2)

Bưởi lông Cổ Cò

Bưởi lông Cổ Cò là đặc sản của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Vùng chuyên canh bưởi lông Cổ Cò thuộc các xã An Thái Đông, Mỹ Lương, An Thái Trung, Mỹ Đức Tây, Thiện Trí,... với diện tích 1.600 - 1.700 ha, sản lượng hàng năm khoảng 32.000 - 35.000 tấn.

Bưởi lông Cổ Cò.
Bưởi lông Cổ Cò.

Vào thời Pháp thuộc, các nhà vườn trong xã và vùng phụ cận đã vận chuyển bưởi bằng xuồng từ trong vườn ra đậu đỗ dưới chân cầu Cổ Cò trên Quốc lộ 1A để cất hàng lên xe tải vận chuyển lên Sài Gòn tiêu thụ, tên gọi Cổ Cò có lẽ cũng do vậy mà nên.

Quả bưởi có hình dạng quả lê, bên ngoài có lớp lông trắng mịn, rụng dần trong quá trình phát triển của quả. Vỏ bưởi khá mỏng, khi chín có màu xanh vàng. Bên trong bì có màu trắng hồng, thịt quả màu vàng đỏ, dễ lột, vị ngọt hoặc chua ngọt nhẹ, nhiều nước, mùi thơm. Trọng lượng từ 0,9 - 1,4kg/quả, cá biệt có quả bưởi to đến 2kg. Bưởi lông cổ cò có thể tồn trữ được 20 ngày nếu được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.

Múi bưởi lông Cổ Cò có vị chua-ngọt vừa miệng.
Múi bưởi lông Cổ Cò có vị chua-ngọt vừa miệng.

Bưởi lông Cổ Cò chứa nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin C cùng với nhiều khoáng chất, chất dinh dưỡng và một lượng lớn chất xơ nên có khả năng tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ tiêu hoá, chống lại bệnh táo bón, và ngăn ngừa bệnh lị, tiêu chảy, bệnh viêm ruột non…

Sầu riêng Ngũ Hiệp

Nói đến sản vật Tiền Giang, có lẽ không thể không nói đến sầu riêng Ngũ Hiệp. Cù lao Ngũ Hiệp, huyện Lai Cậy được mệnh danh là “vương quốc sầu riêng”, là nơi mà 90% vườn của người dân nơi đây được trồng sầu riêng.

Sầu riêng Ngũ Hiệp.
Sầu riêng Ngũ Hiệp.

Sầu riêng Ngũ Hiệp được nhiều người ưa chuộng nhất bởi trái cho cơm màu vàng, dày thơm, béo, hương vị độc đáo và đặc biệt hạt rất nhỏ. "Vương quốc" sầu riêng nơi đây bây giờ có trái quanh năm, đặc biệt là mùa hè trái ra nhiều nhất. Trái sầu riêng Ngũ Hiệp to như trái mít loại trung bình. Vỏ dày, cứng, có gai nhọn.

Khi ăn, chỉ cần dùng lưỡi dao lách nhẹ vào đường rãnh vỏ, mở ra là thấy ngay những múi sầu riêng màu vàng ngà, óng ánh như được phết một lớp bơ. Hương vị quyến rũ đặc biệt, mùi hương đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. 

Mận (roi) Trung Lương

Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, mận Trung Lương được trồng đại trà trên khắp vùng đất của phường 5 và các xã vùng ven thành phố Mỹ Tho. Dọc theo dải đất từ ngã ba bến đò Nhà Thiếc (nay là vùng ngã ba quốc lộ 60 đường rẽ về TP HCM và các tỉnh miền Tây) đến ngã ba Trung Lương, nơi người dân trồng nhiều loại mận này.

Mận (roi) Trung Lương.
Mận (roi) Trung Lương.

Mận Trung Lương chỉ có hai loại hồng đào sọc và hồng đào đá. Loại mận hồng đào sọc thì trái tròn, hơi mô lên ở phần cuống, có những sọc trắng hồng chạy dài từ cuống đến đáy quả mận. Còn loại hồng đào đá thì có màu da hồng, cứng. Cả hai giống này ăn đều giòn, ngọt, ít trái có vị chua.

Tuy nhiên, do mận Trung Lương có hiệu quả kinh tế thấp nên các vùng nội thị, các khu vườn mận Trung Lương năm nào cũng bị phá bỏ, thay vào đó là những vườn cây xoài, nhãn. Vì vậy, về Tiền Giang ngày nay không dễ dàng tìm được những trái mận Trung Lương một thời gắn với cái tên Mỹ Tho.

Nhãn Nhị Quý

Địa danh Nhị Quý thuộc huyện Lai Cậy, tỉnh Tiền Giang gắn liền với một loại sản vật nổi tiếng, đó là nhãn. Tuy nhiên, ở Nhị Quý không phải nơi nào cũng trồng nhãn mà phần lớn tập trung ở các ấp Quý Thành, Quý Chánh và Quý Lợi. Các ấp khác cũng trồng nhưng không đáng kể.

Nhãn Nhị Quý.
Nhãn Nhị Quý.

Nhãn ở đây có rất nhiều loại nhưng có 4 giống chính: nhãn da bò, nhãn tiêu, nhãn tiêu quế, nhãn xuồng cơm vàng,… mỗi loại có hương vị riêng tuỳ theo khẩu vị của từng người.

Nhãn bắt đầu ra hoa vào khoảng tháng 4-5 dương lịch. Hình thức ra hoa cũng giống như cây phượng, nghĩa là mỗi ngọn cho ra một chùm hoa, mỗi chùm phân ra nhiều nhánh nhỏ, trên đầu mỗi nhánh đều có hoa. Hoa nhãn màu vàng nhạt và có 4-5 cánh nhỏ. Đến tháng 7-8 dương lịch, nhãn bắt đầu chín. Nhãn ở đây quả đều lớn trái, nhỏ hạt, cơm dày và mỏng vỏ. Có lẽ vì điều này mà nhãn Nhị Quý nổi tiếng gần xa.

Những trái nhãn chín màu vàng sẫm.
Những trái nhãn chín màu vàng sẫm.

Khi nhãn chín đượm một màu vàng sẫm tươi (riêng long nhãn có màu vàng nhạt) mùi hương toả ngào ngạt. Bóc vỏ trái nhãn, sẽ thấy cơm nhãn màu trắng đục, cho vào miệng thì ngọt lịm. Hạt nhãn màu nâu sẫm. Riêng nhãn tiêu có hột rất nhỏ, cỡ bằng đầu đũa.

Dưa hấu Gò Công

Dưa hấu Gò Công có dạng hình oval, quả màu xanh nhạt sọc thưa xanh đậm, nặng khoảng 5-7kg. Bên trong có ruột màu đỏ và rất ngọt.

Dưa hấu Gò Công.
Dưa hấu Gò Công.

Dưa hấu Gò Công có hương vị hoàn toàn khác dưa hấu ở những vùng đất khác và tạo được thương hiệu trong làng ẩm thực đồng bằng Nam Bộ suốt nhiều năm qua.

Điều thú vị là khi lưỡi dao vừa chạm vỏ, dưa hấu đã tự tách ra do vỏ mỏng và giòn tan. Khi cắt ra bên trong dưa hấu đỏ thẫm, ít hạt và nhất là có “cát” nên trông rất hấp dẫn.

Khám phá sản vật Miền Nam Việt Nam (Kỳ 6): bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, mận Trung Lương, nhãn Nhị Quý, dưa hấu Gò Công - Ảnh 1

Dưa hấu Gò Công với đặc tính ngon ngọt, xanh vỏ đỏ lòng đã chiếm trọn niềm tin của người đi mua dưa vào dịp Tết. Gò Công trồng dưa hấu chưa lâu, nhưng dưa Gò Công đã trở nên nổi tiếng hơn cả dưa hấu ở các địa phương khác.

Giải thích nguyên nhân về chất lượng và sự nổi tiếng của dưa hấu Gò Công, nhiều người cho rằng: chất đất ở Gò Công Tây có chứa nhiều kali đã tạo cho dưa hấu Gò Công có ruột đỏ và ngọt giòn.