Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 9): sen Tháp Mười, phồng tôm Sa Giang, quýt hồng Lai Vung, xoài Cát Chu, nhãn Châu Thành

Thành Trung

Đồng Tháp là một tỉnh ở vùng đất Tây Nam bộ. Sản vật trù phú, thiên nhiên ưu đãi, ẩm thực đặc sắc đã biến vùng đất bình dị trở nên hấp dẫn đối với du khách phương xa.

SẢN VẬT ĐỒNG THÁP

Sen Tháp Mười

Đến với Đồng Tháp, chúng ta sẽ bắt gặp những đầm sen mênh mông, bát ngát bởi sen chính là linh hồn của nơi đây. Mỗi năm chỉ có 2 mùa sen đó là tháng 2 và tháng 8, vì vậy hạt sen tươi thường được sấy khô để bán quanh năm cho du khách.

Đồng sen Tháp Mười.  
Đồng sen Tháp Mười.  

Sen Tháp Mười là loại thực phẩm tự nhiên, có vị ngọt, tính mát, mùi thơm đặc biệt và vị đậm đà. Sen được tận dụng để làm nguyên liệu nấu nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như chè hạt sen, canh chua ngó sen,…

Hạt sen có vị ngọt, tính mát, mùi thơm đặc biệt và vị đậm đà. 
Hạt sen có vị ngọt, tính mát, mùi thơm đặc biệt và vị đậm đà. 

Không chỉ dừng lại ở đó, hạt sen tại đây còn  được người dân địa phương sử dụng khá phổ biến để làm thuốc chữa bệnh giúp bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần, có thể dùng để chữa bệnh suy dinh dưỡng, tiêu giảm chứng mất ngủ, giảm khát mùa hè, bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh,… cực kỳ hiệu quả.

Phồng tôm Sa Giang

Nói về sản vật miền Nam, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến bánh phồng tôm Sa Giang. Hằng năm, con sông Tiền thơ mộng đã cung cấp cho Sa Đéc một lượng tôm cá dồi dào, nguyên liệu chính của món bánh phồng tôm nơi đây.

Những con tôm nước ngọt như tôm tích, tép mòng, tép ròng,... qua bàn tay chế biến khéo léo của người dân nơi đây đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang, sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương Đồng Tháp, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Phồng tôm Sa Giang.
Phồng tôm Sa Giang.

Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi vải dạng hình ống dài.

Sau khi hấp chín, người ta cắt ra thành từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Khi ăn, người dùng chỉ cần đem chiên giòn với dầu ăn nóng, bánh sẽ tự nở to ra, có độ giòn, xốp, béo ngậy.

Những chiếc bánh tròn vành vạnh ngả màu vàng đục tựa như ánh trăng rằm, có hương vị nồng thơm, cay cay, đậm đà. Có lẽ vì vậy mà trên những bàn tiệc, liên hoan, lễ Tết,... đĩa bánh phồng tôm thường được đặt ở trung tâm mâm cỗ.

Quýt hồng Lai Vung

Đến với Đồng Tháp, chúng ta sẽ được nghe nhắc nhiều đến sản vật quýt hồng Lai Vung, hiếm có địa phương nào ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trồng được.

Nơi đây có thổ nhưỡng đặc thù với loại đất có màu mỡ gà và nguồn nước ngọt quanh năm nên quýt hồng ở đây không chỉ cho nhiều quả mà đặc biệt là quả to, vàng óng, nhiều nước, vị ngọt thanh tao.

Quýt hồng Lai Vung.
Quýt hồng Lai Vung.

Quýt hồng lúc chín da màu vàng tươi. Hương vị quýt hồng đậm đà, màu son tươi thắm tượng trưng cho sự trường thọ và may mắn, phù hợp với ý nghĩa ngày Tết cổ truyền dân tộc nên được ưa chuộng hơn nhiều so với các loại quýt khác khi bày trên mâm ngũ quả.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 9): sen Tháp Mười, phồng tôm Sa Giang, quýt hồng Lai Vung, xoài Cát Chu, nhãn Châu Thành - Ảnh 1

Hiện nay, toàn huyện Lai Vung có khoảng hơn 1.000 ha trồng quýt hồng. Mỗi độ xuân về, Lai Vung như bừng sáng với vườn quýt hồng trĩu quả, chín mọng rực rỡ, nhộn nhịp khách phương xa ghé thăm và tận hưởng cảm giác tận tay hái trái ngọt đầu mùa.

Xoài Cát Chu

Ở Cao Lãnh có một giống xoài rất nổi tiếng. Đó là xoài Cát Chu - giống xoài đã đi vào ca dao:

"Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh?

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân?"

Tương truyền ngày xưa vua Gia Long tị nạn ở Nha Mân bị quân của vua Quang Trung đuổi và phải bỏ hàng trăm cung tần mỹ nữ xinh đẹp ở lại. Những mỹ nhân bị bỏ rơi sau đó sinh sống, lấy chồng tại địa phương, sinh con đẻ cái toàn là nam đồng - ngọc nữ. Những cô gái này được thừa hưởng phong cách "bảnh" của chính mẹ mình....

Xoài Cát Chu.
Xoài Cát Chu.

Người đẹp Nha Mân thì vậy, còn giống xoài thì cũng số một. Thương lái xoài ở Sài Gòn, Thủ Đức nghe nói đến xoài Cao Lãnh hay xe chở xoài đến từ Cao Lãnh thì giá xoài tự động được nâng cao lên. Xoài Cát Chu Cao Lãnh ngon nhất nhì nước, không nơi nào sánh bằng.

Người dân nơi đây cho biết: xoài Cát Chu có tên "Chu" vì màu thịt và vỏ trái khi chín có màu vàng ửng đỏ (chu sa). Thịt xoài Cát Chu ít xơ, mềm mà hơi dai, lại rất ngọt và thơm. Khi ăn miếng xoài tan nhẹ trong miệng và vị ngọt dịu vẫn còn đọng mãi trên đầu lưỡi.

Xoài Cát Chu Cao Lãnh có độ ngọt thanh và lớp ruột dày cùi.
Xoài Cát Chu Cao Lãnh có độ ngọt thanh và lớp ruột dày cùi.

Cây cho trái tự nhiên vào khoảng tháng 12 dương lịch nhưng các nhà vườn thường xiết cho cây ra hoa sớm hơn, ra hoa trước tết 3-4 tháng để Tết vừa đến thì trái xoài vừa chín. Cây xoài Cát Chu có năng suất rất cao, dễ trồng, dễ ra hoa kết trái, thích hợp với nhiều loại đất nhưng hợp nhất vẫn là đất phù sa ven sông Cửu Long.

Nhãn Châu Thành

Đồng Tháp được hai con sông Tiền và sông Hậu với dòng nước ngọt ngào hằng năm đã bồi đắp phù sa nên nơi đây đất đai màu mỡ, xóm làng trù phú, vườn cây trái xanh tươi trĩu quả. Trái cây Đồng Tháp đã vang danh khắp miền đất nước, đặc biệt là nhãn Châu Thành.

Nhãn Châu Thành.
Nhãn Châu Thành.

Nhãn Châu Thành trái to hạt lép, hương thơm, cơm dày trắng ngần ngọt lịm, thứ đặc sản có thể sánh ngang với nhãn lồng Hưng Yên... Nhãn nơi đây giàu chất dinh dưỡng thường dùng để nấu với chè hạt sen. Nhãn bỏ hạt đen sấy khô gọi là long nhãn, là một trong những vị thuốc bổ trong thang thuốc Bắc, dùng để bồi bổ cơ thể suy nhược.

Khám phá sản vật miền Nam Việt Nam (Kỳ 9): sen Tháp Mười, phồng tôm Sa Giang, quýt hồng Lai Vung, xoài Cát Chu, nhãn Châu Thành - Ảnh 2

Huyện Châu Thành, có diện tích vườn nhãn lớn nhất tỉnh Đồng Tháp với trên 4.700 ha, trong đó nhãn chiếm hơn 3.600 ha, chủ yếu là nhãn da bò đặc sản trên 10 năm tuổi.