Khẩu trang phòng dịch: Hàng không thiếu nhưng vì sao khó mua

Nhật Thu

Năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam khá lớn - mỗi ngày có thể cung ứng 100 triệu chiếc. Nhưng người tiêu dùng vẫn lùng không ra và mặt hàng này ngày một trở nên khan hiếm trên thị trường.

20 công ty, tập đoàn sẵn sàng nguồn cung

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công Thương, Công ty Dệt kim Đông Xuân và các doanh nghiệp (DN) sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân đã sản xuất hơn 10,5 triệu khẩu trang chống dịch từ thời điểm mặt hàng này khan hiếm trên thị trường.

Dự kiến, từ nay đến hết tháng 4, Dệt kim Đông Xuân sẽ đưa ra thị trường từ 5-7 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn (có tác dụng ngăn cản các giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người mang mầm bệnh).

Khẩu trang phòng dịch: Hàng không thiếu nhưng vì sao khó mua - Ảnh 1

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ TTTN còn cho biết, không chỉ các DN dệt may mới vào cuộc mà các DN bán lẻ cũng đang nỗ lực cung ứng khẩu trang cho thị trường tiêu dùng. Cụ thể, Saigon Co.opmart đã kết hợp sản xuất mặt hàng khẩu trang mang nhãn riêng của đơn vị.

Big C, Vincommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail (quản lý hệ thống Hapromart và Intimex), MM Mega Market cũng đã kết nối được với nhiều đơn vị sản xuất để cung cấp ra thị trường khoảng 23,2 triệu chiếc khẩu trang cho đến hết tháng 3. Trong nửa đầu tháng 4, các đơn vị sẽ cung ứng được khoảng 9 triệu chiếc. 

Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu khẳng định, Tập đoàn này có thể đáp ứng 40 triệu chiếc khẩu trang/tháng theo nhu cầu của thị trường. Công ty Hanvico chuyên về cung cấp chăn ga gối đệm cũng đã chuyển sang ưu tiên sản xuất khẩu trang do có lợi thế về nguồn nguyên liệu bông nano kháng khuẩn (nhập khẩu độc quyền từ Hàn Quốc). Công ty cũng coi sản xuất khẩu trang là một trong những chiến lược mới để tạo việc làm cho công nhân trong giai đoạn khó khăn, dịch bệnh hiện nay.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, việc cung ứng đủ khẩu trang cho thị trường trong nước là hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành Dệt may Việt Nam với hơn 20 tập đoàn, DN lớn trong lĩnh vực dệt may sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng nước, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Thiếu kênh kết nối nhà sản xuất - phân phối

Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Dệt lụa Nam Định Đào Văn Phương cho biết, Công ty đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Theo ông Phương, doanh nghiệp này hiện ứng dụng công nghệ sinh học phối hợp với một số DN của Vinatex sản xuất, đưa ra thị trường 3 triệu chiếc khẩu trang. Năng lực của Công ty có thể đảm bảo sản xuất 10 triệu khẩu trang một tháng nhưng lại lo lắng đầu ra sản phẩm nên đề xuất Bộ Công Thương giúp kết nối với DN phân phối. 

Ông Chu Văn Đệ - Phó TGĐ Công ty CP X20 cũng cho hay, X20 sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 1 triệu khẩu trang kháng khuẩn, mong muốn kết nối được với nhà phân phối, bán lẻ đưa tới tay người tiêu dùng với sản phẩm tốt, giá thành rẻ.

Các DN dệt may đều khẳng định nguồn cung lớn nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn khi có nhu cầu mua khẩu trang kháng khuẩn. Đại diện Cục Công nghiệp nhận định, một trong những nguyên nhân khiến cung - cầu chưa gặp nhau là do các DN sản xuất đều không tiếp cận được các điểm bán hàng khiến cho cung đưa ra còn hạn chế.

Do đó, nhằm “hạ nhiệt” thị trường và đưa khẩu trang kháng khuẩn đủ tiêu chuẩn ra thị trường cần có sự hỗ trợ từ hệ thống bán lẻ, siêu thị, nhà thuốc trên cả nước và cần có đơn đặt hàng lớn để DN yên tâm sản xuất. 

Trước thực trạng kết nối cung - cầu chưa gặp nhau, tạo hiện tượng khan hàng ảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã Chỉ đạo Cục Công nghiệp và Vụ TTTN thành lập Tổ công tác của Bộ về kết nối cung - cầu do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm Tổ trưởng; Đồng thời khẩn trương làm việc với Bộ Y tế để xác định nhu cầu cần thiết sử dụng khẩu trang vải kháng giọt bắn. 

Tổ công tác phải cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến việc cung ứng khẩu trang, từ đó có phương án làm việc với Bộ Y tế để báo cáo và đề xuất với Chính phủ xem xét sử dụng ngân sách nhà nước (hoặc dùng ngân sách nhà nước đã được giao cho các địa phương) quản lý để mua khẩu trang cung cấp miễn phí cho các đối tượng xã hội như người già, trẻ em và người có bệnh lý nền giúp phòng, chống dịch Covid-19. 

Đồng thời nghiên cứu và báo cáo Chính phủ xem xét phương án miễn/giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để đảm bảo nguồn cung ứng các sản phẩm cần thiết phục vụ người dân phòng, chống dịch…

Tin Cùng Chuyên Mục