Không chỉ “chơi lớn” ở Shark Tank, Shark Thuỷ còn “lấn sân” sang mảng coworking, mong muốn hỗ trợ startup từ A đến Z

Theo Hồng Lam/Trí Thức Trẻ

Shark Thuỷ tiết lộ mô hình không chỉ là coworking mà còn đóng vai trò như một vườn ươm, giúp startup tiềm năng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư quốc tế.

Dù chỉ giữ vài trò cá mập khách mời trong series Shark Tank Việt Nam, Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Egroup luôn gây chú ý bởi mức đầu tư khổng lồ dành cho các startup tiềm năng. Ví như trong mùa 1, Shark Thuỷ đề nghị rót 15 tỷ đồng vào Soya Garden nhưng trải qua vòng thẩm định trong 1 tháng, Shark không ngần ngại đầu tư lên tới 20 tỷ đồng.

Với mong muốn tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho startup, trong sáng 10/1, Shark Thuỷ chính thức giới thiệu đến công chúng chuỗi văn phỏng chia sẻ (coworking) mang tên Rehoboth Việt Nam. Đây là kết quả sự hợp tác giữa tập đoàn Tập đoàn Egroup và Rehoboth - hệ thống chuỗi văn phòng chia sẻ cung cấp chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân đầu tiên và lớn nhất Hàn Quốc với hơn 20 năm kinh nghiệm.

Không chỉ “chơi lớn” ở Shark Tank, Shark Thuỷ còn “lấn sân” sang mảng coworking, mong muốn hỗ trợ startup từ A đến Z - Ảnh 1

So với các coworking hiện nay, Shark Thuỷ khẳng định điểm nổi bật của Rehoboth nằm ở chương trình đào tạo và khả năng kết nối với các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc. Nghĩa là, đây không chỉ là một coworking đơn thuần mà còn hoạt động như một vườn ươm để các startup tiềm năng có cơ hội bứt phá thành công.

"Chúng tôi không chỉ cung cấp địa điểm làm việc mà có các hoạt động hỗ trợ đào tạo để startup tiếp cận khách hàng một cách tốt nhất, không chỉ khách trong nước mà còn cả quốc tế. Đây cũng là nơi các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc tìm đến kết nối với startup Việt. Thậm chí startup nào khả thi cũng sẽ được chính Egroup rót vốn", Shark Thuỷ khẳng định.

Chủ tịch Egroup cho biết trong năm 2019, sẽ có 5 cơ sở Rehoboth được mở tại Việt Nam, gồm 3 coworking tại Hà Nội và 2 coworking trong TPHCM.

Theo một báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), coworking space chỉ mới được biết đến ở Việt Nam vài năm gần đây, với một số tên tuổi như Regus, Toong, Up, Dreamplex, CoGo,…và gần đây là WeWork.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh trong một hai năm qua, trung bình khoảng 58%/năm, nhưng quy mô thị trường coworking tại Việt Nam còn rất nhỏ, còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục