Kịch tính vụ án chạy thận: Cấp trên nói nhân viên có đi làm - cấp dưới quả quyết "Không!"

nhóm PV/ Trí thức trẻ

Chiều 16/1, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận ở Hòa Bình đến phần các luật sư đặt câu hỏi với các bị cáo Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Trần Văn Sơn và Đỗ Anh Tuấn.

Trưởng phòng quả quyết nhân viên có làm - nhân viên khẳng định mình đi học

Luật sư Nguyễn Thị Thuý Kiều, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đặt câu hỏi đối với bị cáo Trương Quý Dương về việc lấy báo giá cạnh tranh cho hạng mục sửa chữa hệ thống RO số 2.

Trả lời luật sư Kiều về việc tại sao lựa chọn Công ty Thiên Sơn (khi đó do Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc), cựu giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết việc này là do "chỉ định thầu rút gọn, không mời thầu rộng rãi". 

Kịch tính vụ án chạy thận: Cấp trên nói nhân viên có đi làm - cấp dưới quả quyết

Luật sư đặt câu hỏi tại sao "không mời thầu rộng rãi" nhưng có nhiều báo giá do các công ty gửi đến bệnh viện, ông Dương nói câu hỏi này nên dành cho Phòng Vật tư - Thiết bị y tế, vì đó là trách nhiệm của cấp dưới, ông không có nghĩa vụ thông báo vấn đề này.

Đến lượt mình, bị cáo Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng vật tư BVĐK Hòa Bình) cho biết riêng việc sửa chữa hệ thống RO số 2 vào ngày 28/5/2017 thuộc nhiệm vụ của Trần Văn Sơn (nhân viên phòng vật tư), do Sơn trực tiếp quản lý thiết bị tại đơn nguyên Thận nhân tạo.

Bị cáo Sơn trả lời, việc lấy báo giá cạnh tranh đối với các đơn vị khác được phía Thiên Sơn tư vấn về các danh mục sửa chửa, cần làm những việc gì, và Thiên Sơn cũng gửi danh mục các việc cần làm cùng với báo giá.

Luật sư đặt câu hỏi về một bản hợp đồng khác ký giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình vào ngày 10/8/2016 cũng về việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, bị cáo Sơn cho biết vào thời điểm đó bị cáo đang được cử đi học nên không phụ trách. 

Luật sư hỏi lại bị cáo Thắng (là cấp trên của Sơn) để xác nhận thông tin này, ông Thắng nói Sơn chỉ đi học theo diện vừa học vừa làm, việc học diễn ra vào tối thứ Sáu và hai ngày cuối tuần nên vẫn đảm nhiệm công việc tại Phòng. 

Kịch tính vụ án chạy thận: Cấp trên nói nhân viên có đi làm - cấp dưới quả quyết

Bị cáo Trần Văn Thắng đến tòa. (Ảnh: NLĐ) 

Thế nhưng, Trần Văn Sơn trả lời lại: "Hầu như việc sửa chữa diễn ra vào cuối tuần để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến công việc khám chữa bệnh, do vậy bị cáo không thể có mặt vì đang đi học".

Phủ nhận lời khai của chính mình, xuất hiện "điểm mờ" về hạng mục xét nghiệm AAMI

LS Kiều cung cấp thông tin, trong hồ sơ vụ án có 3 báo giá cạnh tranh của 3 công ty, 1 báo giá của Thiên Sơn có 10 hạng mục, trong đó có mục Phí xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn AAMI, nhưng tại báo giá của công ty Giang Minh chỉ có 7 mục và không có mục Xét nghiệm sinh hóa AAMI; tại báo giá của công ty Cổng Vàng cũng có 10 hạng mục nhưng cũng không có mục về AAMI.

Về báo giá của Thiên Sơn có 10 hạng mục trong đó có 1 hạng mục xét nghiệm AAMI giá 4 triệu đồng, LS Kiều đặt câu hỏi, tại sao cùng 1 nội dung chào thầu, cùng 1 đơn vị cung cấp thiết bị, cùng báo giá do Thiên Sơn cung cấp, tại sao lại khác nhau và riêng Thiên Sơn có hạng mục mới?

Kịch tính vụ án chạy thận: Cấp trên nói nhân viên có đi làm - cấp dưới quả quyết

 Bị cáo Trần Văn Sơn.

Luật sư yêu cầu bị cáo Sơn giải thích rõ với HĐXX, nhưng Sơn khai rằng chính bản thân mình không rõ vì sao lại có sự khác nhau này. 

Tuy nhiên, sau đó Sơn lại phủ nhận lời khai trên, nói rằng mình đã khai chỉ nhờ Công ty Thiên Sơn tư vấn danh mục việc phải làm, chứ không nhờ Thiên Sơn lấy báo giá. Sau đó, Sơn lại khẳng định báo giá là do kế toán của Công ty Thiên Sơn gửi đến.

Về nội dung yêu cầu xét nghiệm AAMI, luật sư Kiều hỏi bị cáo Sơn những lần trước đó có yêu cầu xét nghiệm AAMI không? Sơn khai, nếu có thì sẽ thể hiện trong các hợp đồng. Sơn chỉ nhớ là từng cùng Quốc và nhân viên của đơn nguyên lọc máu đi lấy mẫu nước để làm xét nghiệm Endotoxin, không nhớ là có lấy mẫu nước đi làm AAMI lần nào không.

Cựu giám đốc Thiên Sơn hơi mất bình tĩnh, 'hỏi vặn' luật sư

Luật sư Kiều tiếp tục hỏi bị cáo Đỗ Anh Tuấn: Điều 6 của Hợp đồng số 64 năm 2009 về việc liên kết giữa Thiên Sơn và BVĐK Hòa Bình quy định bên B (tức Thiên Sơn) cử cán bộ kỹ thuật trực tại Bệnh viện hỗ trợ Bệnh viện khi cần thiết, nhưng thực tế chỉ có một nhân viên nữ tên Tiến đến để đếm số ca chạy thận, vậy ai là kỹ thuật viên?

Kịch tính vụ án chạy thận: Cấp trên nói nhân viên có đi làm - cấp dưới quả quyết

 Bị cáo Đỗ Anh Tuấn.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn từ chối trả lời và cho rằng sự cố ngày 29/5/2017, Bùi Mạnh Quốc là người thông báo cho Tuấn. Bình thường khi có sự cố xảy ra liên quan đến máy móc thì kỹ sư của Bệnh viện sẽ gọi điện cho Thiên Sơn.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn cũng từ chối câu hỏi của LS Kiều về việc, nếu xảy ra sự cố thì ai sẽ là người báo về công ty Thiên Sơn với lý do, thiết bị RO là của bệnh viện chứ không phải của công ty Thiên Sơn, Thiên Sơn chỉ sở hữu máy thận nhân tạo và bị cáo sẽ chỉ trả lời các câu hỏi liên quan đến máy thận nhân tạo. 

Quan điểm của luật sư là máy RO được kết nối với máy thận, nếu không có máy RO thì máy thận không hoạt động được. Đến đây bị cáo Tuấn tỏ ra thiếu kiên nhẫn, đặt lại câu hỏi với luật sư rằng: "Chị không hiểu vấn đề này hay sao, hiểu mà chị đặt câu hỏi với tôi thế à?"

Việc tranh cãi giữa luật sư và bị cáo khiến HĐXX phải lên tiếng dàn xếp và LS Kiều hết câu hỏi với bị cáo.

Tin Cùng Chuyên Mục